Chủ Nhật, 1/10/2023, 00:27
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Trung Quốc tẩy chay hàng Pháp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc tẩy chay hàng Pháp

Một cuộc biểu tình tẩy chay hàng hóa Pháp trên đường phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông -Ảnh: Reuters

(TBKTSG Online) – Có vẻ như Trung Quốc đang sẵn sàng sử dụng những sức mạnh thị trường của một cường quốc kinh tế để đáp trả những chỉ trích liên quan đến chính trị của phương Tây.

Các cửa hàng Pháp rơi vào tầm ngắm

Mấy ngày qua, những đám đông người tiêu dùng giận dữ đã tập trung bên ngoài các cửa hàng của hệ thống siêu thị Carrefour của Pháp tại Trung Quốc để phản đối những động thái của Pháp muốn sử dụng Olympic Bắc Kinh làm sức ép về nhân quyền và vấn đề Tây Tạng. Carrefour, công ty bán lẻ lớn thứ hai thế giới sau Wal Mart, đang trở thành “nạn nhân”, mặc dù tuyên bố chẳng dính líu gì đến chính trị.

Từ năm 1995 đến nay, Carrefour đã xây dựng thành công 112 siêu thị tại Trung Quốc, vượt qua đối thủ Wal Mart, trở thành công ty bán lẻ nước ngoài lớn nhất tại Trung Quốc. Năm nay, công ty dự kiến mở thêm 20 siêu thị mới, nhưng kế hoạch đó có thể bị ngưng trệ vì những diễn biến mới này.

Nhiều người tiêu dùng Trung Quốc cùng với làn sóng blog và tin nhắn đang ráo riết đòi tẩy chay hàng hóa Pháp và các công ty Pháp. Một trong những thông điệp kiểu này kêu gọi “nếu bạn là người Trung Quốc yêu nước, hãy chuyển thông điệp này cho bạn bè và gia đình bạn, và không mua hàng tại Carrefour”.

Người Trung Quốc cảm thấy bị xúc phạm vì ngọn đuốc Oplympic rước về Bắc Kinh khi đi qua Paris ngày 7-4 vừa qua đã bị những người phản đối phá phách trước sự can thiệp ơ hờ của cảnh sát. Tổng thống Pháp lại đổ thêm dầu vào lửa khi tuyên bố ông sẽ không tham dự lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh nếu Trung Quốc không mở rộng đối thoại với lãnh tụ tinh thần Tây Tạng Đạt Lai Lạt Ma.

Không chỉ Carrefour, nhiều công ty khác của Pháp đang đối mặt với nguy cơ bị tẩy chay tại Trung Quốc. Trong số đó, có thể kể đến tập đoàn khách sạn Accor, công ty xi mặng Lafarge và những “người khổng lồ” khác như Suez hay Veolia Environnement.

Đặc biệt, nhãn hàng tiêu dùng cao cấp Louis Vuitton cũng đang lo bị vạ lây. Tập đoàn này đã phát triển một hệ thống phân phối gồm 18 cửa hàng Louis Vuitton và khoảng 30 cửa hàng mỹ phẩm tại nhiều địa phương của Trung Quốc. Thị trường này đang chiếm 5% trong tổng doanh thu 26 tỈ đô la Mỹ và là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của tập đoàn.

Chỉ giận dữ nhất thời?

Một số người Trung Quốc khác thì hướng sự giận dữ vào kênh truyền hình CNN của công ty truyền thông Mỹ Time Warner vì những đoạn phim đả kích của kênh này nhắm vào Trung Quốc trong thời gian qua, nhất là một phóng sự phát hôm 9-4. Một blogger đã viết trên trang web phổ biến Sohu.com hôm 23-4 rằng: “Này CNN, Olympic Bắc Kinh không hoan nghênh cậu đâu”. Thực ra, CNN không phổ biến ở Trung Quốc và hầu hết dân chúng Trung Quốc không bao giờ xem kênh này vì những quy định hạn chế của chính quyền dành cho nó.

Cũng may là phản ứng dữ dội đối với CNN chưa chuyển qua những công ty khác của Mỹ đang hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc hiện nay. Những công ty như Wal Mart, Motorola, Coca Cola… chưa rơi vào tình huống khó khăn như Carrefour. Các nhà quan sát nhận định có lẽ do Tổng thống Mỹ George W. Bush đã tuyên bố dự định sẽ tham dự lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh vào ngày 8-8 tới, mặc cho Thượng nghị sĩ Hillary Clinton kêu gọi tẩy chay.

“Những sự kiện liên quan đến đợt rước đuốc Olympic 2008 và các nguồn tin có định kiến về Trung Quốc của giới truyền thông phương Tây đã buộc tất cả chúng ta đối mặt với một đợt kiểm nghiệm mới về lòng yêu nước”, tờ China Daily đã bình luận như thế hôm 22-4 vừa qua.

Trước đó, mục bình luận đăng trên trang nhất của tờ People’s Daily ra ngày 20-4 đã kêu gọi người dân Trung Quốc bình tĩnh. Bài báo viết: “Là công dân, chúng ta có trách nhiệm thể hiện nhiệt tình yêu nước của mình một cách bình tĩnh và chừng mực, cũng như thể hiện khát vọng yêu nước theo cách có kỹ luật và hợp pháp”. Do đó, nhiều nhà bình luận cho rằng hành vi tẩy chay hàng hóa Pháp của người dân Trung Quốc có lẽ chỉ thể hiện sự giận dữ nhất thời chứ không kéo dài và trở nên nghiêm trọng.

DANH VĂN (Theo BusinessWeek và Newsweek)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới