Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc thâu tóm năng lượng và quặng mỏ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc thâu tóm năng lượng và quặng mỏ

Công nghệ luyện thép tân tiến gọi là AP trong nhà máy của Rio Tinto Alcan ở Kitimart (ảnh) có thể làm giảm 40% lượng khí thải nhà kính so với công nghệ cũ.

(TBKTSG) – Đối mặt với nhu cầu năng lượng và nguyên liệu tăng cao và để đảm bảo cho các hoạt động kinh tế, Chính phủ Trung Quốc đang thực hiện một chính sách thâu tóm các nguồn tài nguyên khiến nhiều nước phải lo lắng.

Trong chuyến thăm Úc vừa qua, Lou Jiwei, Chủ tịch tập đoàn Đầu tư Trung Quốc CIC, đã được đón tiếp rất trịnh trọng. CIC là quỹ đầu tư của Chính phủ Trung Quốc  thành lập vào năm 2007 với số vốn lên đến 200 tỉ đô la Mỹ. Tại Úc, CIC đàm phán việc đầu tư vào Fortescue Metals, nhà khai thác mỏ sắt lớn thứ ba của Úc.

Cùng thời điểm đó, tập đoàn khai mỏ hàng thứ ba thế giới Rio Tinto – đang ngập trong nợ nần – đã chấp nhận nhượng thêm cổ phần cho tập đoàn khai thác và sản xuất nhôm khổng lồ Chinalco của Trung Quốc. Các cổ phần này trị giá đến 19,5 tỉ đô la Mỹ. Nhờ đó, tỷ lệ cổ phần của Chinalco tại Rio Tinto đã tăng từ 9% lên 18%. Đây là vụ đầu tư ra nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc. 

Minmetals, một tập đoàn khác của Trung Quốc, cũng đã mua lại Công ty OZ Minerals, Úc – nhà sản xuất thiếc lớn thứ hai thế giới – với giá 1,7 tỉ đô la Mỹ và đồng ý trả toàn bộ các khoản nợ của hãng này. Còn Windimurra, một công ty khai mỏ vanadium đang bên bờ vực phá sản tại miền Tây Úc, cho biết đang đàm phán với một hãng của Trung Quốc có ý định mua lại công ty.

Những vụ mua bán nói trên, trong đó có một số vụ đang chờ sự phê chuẩn của Bộ Tài chính Úc, khiến nhiều người trong Chính phủ Úc nghi ngại. Họ sợ các mỏ kim loại lớn của quốc gia sẽ rơi vào tay người Trung Quốc, trước đây vốn là khách hàng của chính các hãng này. Những vụ mua bán còn cho thấy sức mạnh của Trung Quốc, kể từ khi tỷ giá các đồng tiền trên thế giới đảo ngược, có lợi cho người mua còn người bán phải chịu thiệt. 

Bất chấp việc kinh tế tăng trưởng chậm lại, Trung Quốc vẫn đang rất cần năng lượng và nguyên liệu thô. Kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc – chiếm 13% GDP  của quốc gia này – dự kiến có nhiều đầu tư vào cơ sở hạ tầng, nhất là đường sắt, một ngành tiêu thụ nhiều thép.

Các vụ mua bán tới tấp của Trung Quốc đang gây ấn tượng mạnh. Sau nhiều năm đàm phán, Trung Quốc và Nga đã thỏa thuận về việc khai thác dầu tại vùng Siberia. Trung Quốc chấp nhận cho hai tập đoàn dầu khí Nga Transneft và Rosneft vay 25 tỉ đô la Mỹ để xây dựng đường ống dẫn dầu và cung ứng 15 triệu tấn dầu mỗi năm cho Trung Quốc trong hai mươi năm. 

Trong chuyến thăm Nam Mỹ gần đây, Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping)  cũng đã ký kết với Tổng thống Brazil Ignacio Lula da Silva các hiệp định hợp tác về năng lượng và khoáng sản. Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (China Development Bank) sẽ cho tập đoàn dầu khí quốc gia Brazil Petroleo Brasileiro vay 10 tỉ đô la Mỹ để khai thác các mỏ dầu ngoài khơi vừa mới được phát hiện. Khoản nợ trên sẽ được thanh toán bằng hiện vật, theo đó Petrobras cam kết cung cấp 5% sản lượng dầu hiện nay của tập đoàn, tương đương 160.000 thùng dầu/ngày cho hai nhà máy dầu khí của Trung Quốc là Sinopec và CNPC.

Tại Venezuela, ông Tập cũng vừa ký một hiệp định hợp tác về năng lượng và khoáng sản với Tổng thống Hugo Chavez, theo đó Venezuela sẽ nhận thêm 6 tỉ đô la từ Trung Quốc, nâng số vốn đầu tư của tập đoàn CIC tại nước này lên gấp đôi. Đổi lại, Venezuela phải bảo đảm nguồn cung cấp dầu thô cho các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc. Theo giới quan sát, chỉ trong hai tuần cuối tháng 2-2009, Trung Quốc đã bỏ ra 41 tỉ đô la Mỹ để thủ đắc nguồn dầu mỏ tại Nam Mỹ và Nga.

Trước đó, hôm 12-2, Christophe de Margerie, Tổng giám đốc tập đoàn Total, tuyên bố một quỹ của Trung Quốc có góp vốn vào Total “đã tăng nhẹ tỷ lệ cổ phần”. Ông Margerie cho biết thêm số cổ phần do quỹ của Trung Quốc nắm giữ vẫn còn “khá khiêm tốn, thấp hơn 3-4% mục tiêu do Total đặt ra”.

Quỹ được nói đến ở đây không phải là CIC mà là SAFE (Cơ quan Quản lý ngoại hối nhà nước), đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc. SAFE điều hành trực tiếp dự trữ ngoại hối của Trung Quốc và tự đưa ra quyết định đầu tư ở nước ngoài, đặc biệt là việc mua trái phiếu kho bạc của Mỹ. 

SAFE đã mua 1,6% cổ phần của Total với giá 1,8 tỉ euro vào tháng 4-2008. Hôm 18-2, Fang Shangpu – Phó giám đốc SAFE – đã mở một cuộc họp báo hiếm hoi tại Trung Quốc, điểm lại tình hình các vụ đầu tư, đặc biệt là vào Mỹ.

Ông tuyên bố dự trữ ngoại hối phải “hỗ trợ tài chính và tạo điều kiện cho đầu tư nước ngoài của các công ty Trung Quốc để xây dựng nền kinh tế quốc gia”. Các phương tiện truyền thông Trung Quốc cũng cho biết một quỹ chuyên đầu tư vào lĩnh vực năng lượng và nguyên liệu được cấp vốn từ nguồn dự trữ ngoại hối đang được nghiên cứu thành lập.

NGỌC TRUNG (theo Le Monde)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới