Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc thời dịch: Thách thức sinh tử của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc thời dịch: Thách thức sinh tử của doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thái Bình

(TBKTSG) – Các doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ và vừa – bộ phận thiết yếu của nền kinh tế Trung Quốc –
bị tác động nhiều nhất của dịch Covid-19.

Ngành chăn nuôi gia cầm Trung Quốc điêu đứng vì dịch corona

Covid-19 diễn biến phức tạp, chứng khoán Mỹ rung lắc mạnh

Trung Quốc thời dịch: Thách thức sinh tử của doanh nghiệp nhỏ và vừa
Một đường phố vắng lặng trong khu thương mại ở Bắc Kinh. Ảnh: Getty Images

Chật vật tìm đường sống

Wu Jian, đồng sáng lập chuỗi nhà hàng Sue Hsiao Liu – chuỗi 15 nhà hàng dim sum ở Thượng Hải, nói lượng khách hàng trong những ngày dịch đã giảm hơn 90% so với trước Tết. Bình thường, chuỗi nhà hàng này phục vụ khoảng 10.000 lượt khách mỗi ngày. Kế hoạch mở thêm năm nhà hàng nữa ở thành phố Hàng Châu lân cận đã bị xếp xó vô thời hạn.

Để tồn tại, chủ nhà hàng đã đăng quảng cáo trực tuyến, khuyến khích khách hàng đặt mua thức ăn mang đi hoặc giao tận nhà; nhà hàng bán bánh bao đông lạnh mà khách có thể tự hâm nóng ở nhà. Thông báo dán ở cửa nhà hàng yêu cầu thực khách phải mang khẩu trang khi vào, phải đo thân nhiệt và rửa tay trước khi dùng bữa.

Thế nhưng theo ông Wu, doanh nghiệp Sue Hsiao Liu sẽ không thể tồn tại thêm ba tháng nữa trong điều kiện hiện nay. Cho đến nay, ông đã không sa thải người nào trong 600 nhân viên của chuỗi nhà hàng nhưng đã phải thương lượng để nhân viên làm việc theo ca, có nghĩa là tiền lương sẽ giảm, các nhân viên quản lý được yêu cầu tạm thời không hưởng lương. “Sa thải nhân viên là biện pháp cuối cùng”, ông nói và chia sẻ rằng công ty có lẽ phải xin hỗ trợ tài chính để trang trải chi phí.

Ở Hàng Châu, doanh nhân Du Xiaofeng, 38 tuổi, có hai nhà máy sản xuất áo khoác và ủng cao su cho các thương hiệu nước ngoài. Nhà máy đóng cửa nghỉ Tết từ ngày 17-1, tức 22 tháng Chạp Âm lịch, và không có khả năng mở cửa lại trước tháng 3. Chính quyền Hàng Châu lệnh cho các nhà máy sản xuất phải đóng cửa tới hết ngày 9-2 và ông Du muốn công nhân của mình phải được cách ly kiểm dịch thêm 14 ngày nữa trước khi trở vào nhà máy.

Trong thời gian đó, ông Du cho biết công ty bị thất thoát mỗi ngày 15.000 nhân dân tệ (khoảng 50 triệu đồng) bởi vì dù không hoạt động, công ty vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng và tiền lương cho khoảng 100 công nhân. Công ty đã cố gắng bán sản phẩm trực tuyến, nhưng doanh thu giảm tới 80% bởi khách hàng không nhận được hàng đúng hạn khi việc giao hàng bị trục trặc do nạn dịch gây ách tắc giao thông. Doanh số năm ngoái của công ty ông là 120 triệu nhân dân tệ, tương đương 17,2 triệu đô la Mỹ. Năm nay, ông dự tính công ty sẽ mất khoảng 30% doanh số này.

Trong khi đó, bà Michelle Liu, 36 tuổi, chủ một công ty xuất khẩu da thuộc ở thành phố Ôn Châu, cho biết bà dành phần lớn thời gian để gọi điện cho khách hàng ở châu Âu, châu Mỹ Latinh và Nga để giải thích tại sao họ chưa nhận được hàng. Bà than thở đã mất 10 triệu nhân dân tệ, và do ngân hàng đóng cửa, bà không thể xử lý các vụ giao dịch bằng ngoại tệ mà ngân hàng đòi hỏi đích thân thương nhân phải trực tiếp tới giao dịch.

Lợi nhuận sẽ bị quét sạch

Trong một trung tâm mua sắm ở Thượng Hải hầu như tất cả các cửa hàng đều đóng cửa im ỉm. Ảnh: Reuters

Theo ước tính của Chính phủ Trung Quốc, 30 triệu doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp tới 80% số công ăn việc làm, 60% tổng sản lượng GDP và nộp một nửa tổng số thuế mà nhà nước thu được. Tuy nhiên, trong nền kinh tế của Trung Quốc, các doanh nghiệp tư nhân gần như không được ưu đãi bên cạnh các công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước luôn được cưng chiều.

Ngay từ năm ngoái, trước khi dịch Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc đã chật vật vì tăng trưởng kinh tế chậm lại, chi tiêu của hộ gia đình giảm sút và ngân hàng không muốn cho vay tới các doanh nghiệp không có nhà nước chống lưng. Tình trạng vỡ nợ và phá sản tăng lên khi chính quyền truy quét và chặn đứng những kênh tín dụng không chính thức mà nhiều doanh nghiệp dựa vào để có vốn làm ăn, chẳng hạn như các kênh cho vay trên thị trường tự do.

Doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc bị “thiếu vốn kinh niên”, ông Tommy Wu, nhà kinh tế của Oxford Economics, nhận xét. Trong thời dịch, nếu như các tập đoàn nhà nước lớn dễ dàng đóng cửa ngừng hoạt động một thời gian mà không có gì phải lo nghĩ, thì các doanh nghiệp nhỏ và vừa, có ít nguồn lực tài chính và nhân sự, hầu hết hoạt động theo các hợp đồng ngắn hạn, phải đối mặt với một thách thức sinh tử.

Từ cuối tháng 1-2020 đến nay, hàng trăm triệu công dân Trung Quốc gần như bị “giam lỏng” trong chính ngôi nhà của họ vì chính quyền hạn chế đi lại để chặn đà phát tán của virus corona. Tình hình đó khiến các doanh nghiệp ngành dịch vụ sử dụng nhiều lao động như nhà hàng, khách sạn và du lịch bị thiệt hại nhiều nhất, theo nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Hua Chang Secutities. Công ty này dự báo hầu như toàn bộ lợi nhuận của các doanh nghiệp này trong năm nay sẽ bị nạn dịch quét sạch.

Trong vụ bùng phát dịch viêm phổi cấp SARS năm 2003 ở Trung Quốc, ngành bán lẻ cũng bị thiệt hại, mạng lưới cung cấp bị gián đoạn và nhiều công ty phải đóng cửa. Nhưng lần này, tác hại kinh tế lớn hơn nhiều lần bởi vì dịch Covid-19 bao phủ gần như toàn bộ Trung Quốc và kinh tế dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong nền kinh tế của nước này – vào khoảng hơn một nửa GDP so với chỉ một phần ba hồi 17 năm trước.

Các quan chức hàng đầu của Chính phủ Trung Quốc đề nghị điều chỉnh chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa nội địa, duy trì công ăn việc làm và tránh tình trạng sa thải hàng loạt có thể ảnh hưởng xấu tới ổn định xã hội.

Cơ quan quản lý ngành tài chính Trung Quốc cũng yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất cho vay và giảm áp lực trả nợ cho các doanh nghiệp bị thiệt hại vì bệnh dịch. Một số chủ trung tâm thương mại miễn tiền thuê mặt bằng cho các cửa hàng nào không hoạt động kinh doanh trong tháng 2-2020. Nhưng những biện pháp này xem ra chưa đủ bù đắp cho các doanh nghiệp.

Một cuộc thăm dò ý kiến do hai trường đại học hàng đầu Trung Quốc và một công ty công nghệ tài chính phối hợp thực hiện mới đây với 1.000 chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa ghi nhận có một phần ba số chủ doanh nghiệp cho rằng doanh thu của họ năm nay sẽ giảm hơn một nửa, khoảng 20% số chủ doanh nghiệp nói họ buộc phải sa thải bớt nhân viên hoặc cắt giảm tiền lương.

Nếu dịch Covid-19 không sớm được dập tắt, tương lai của bộ phận doanh nghiệp tư nhân nhỏ và vừa của Trung Quốc sẽ còn u ám hơn nữa. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới