Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc thử nghiệm tiêm trộn vaccine của Sinovac với vaccine của Inovio

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc thử nghiệm tiêm trộn vaccine của Sinovac với vaccine của Inovio

Chánh Tài

(KTSG Online) – Trung tâm Đánh giá dược phẩm của Cục Quản lý các sản phẩm y tế quốc gia Trung Quốc vừa phê duyệt các cuộc thử nghiệm tiêm trộn vaccine Covid-19 của hãng dược sinh học Sinovac với vaccine Covid-19 của hãng công nghệ sinh học Inovio, có trụ sở tại bang Pennsylvania (Mỹ).

Thông báo của Inovio cho hay các cuộc thử nghiệm tiêm trộn này sẽ bắt đầu triển khai vào mùa thu tới tại Trung Quốc để đánh giá tính an toàn và khả năng tạo phản ứng miễn dịch ở người lớn.

Vacine của Sinovac được phát triển dựa vào công nghệ bất hoạt, tức sử dụng virus SARS-CoV-2 đã bị bất hoạt để kích thích phản ứng miễn dịch. Trong khi đó, vaccine của Inovio được phát triển dựa vào công ghệ DNA, tức sử dụng các phiên bản mã gen đã chỉnh sửa của virus SARS-CoV-2 để tạo ra một loại protein kích hoạt phản ứng miễn dịch an toàn.

Trung Quốc thử nghiệm tiêm trộn vaccine của Sinovac với vaccine của Inovio
Vaccine Covid-19, có tên gọi CoronaVac, của Sinovac. Ảnh: Reuters

Joseph Kim, Giám đốc điều hành Inovio, cho biết sẽ khởi động các cuộc thử nghiệm giai đoạn cuối đối với vaccine DNA của công ty ông, có tên gọi INO-4800, vào tháng sau và dự kiến công bố kết quả vào nửa đầu năm sau. Các cuộc thử nghiệm ban đầu sẽ tập trung ở Mỹ Latin, châu Á-Thái Bình Dương và châu Phi.

Ông Joseph Kim cho biết vaccine Covid-19 dựa vào công nghệ DNA có thể đóng vai trò như vaccine tiêm ngay từ đầu hoặc tiêm tăng cường nhờ phản ứng miễn dịch chéo cân bằng cũng như tính chịu nhiệt cao của nó, giúp không cần phải vận chuyển lạnh.

Inovio chưa công bố bất cứ dữ liệu nào về tính hiệu quả của vaccine INO-4800 từ các cuộc thử nghiệm lâm sàng ở các giai đoạn 1 và giai đoạn 2. Cho đến nay, Bắc Kinh chưa cấp phép sử dụng bất cứ vaccine Covid-19 của nước ngoài.

Jin Dong-yan, chuyên gia virus ở Đại học Hồng Kông, cho biết chưa có vaccine Covid-19 sử dụng công nghệ DNA nào được cấp phép sử dụng ở người trên thế giới nhưng sự kết hợp giữa loại vaccine này với vaccine bất hoạt có thể nâng cao phản ứng miễn dịch. Tuy nhiên, ông nói rằng có những lo ngại xung quanh vaccine dựa vào công nghệ DNA, chẳng hạn, trong một số trường hợp hiếm hoi, mã gen của vaccine này có thể tích hợp vào bộ gen tế bào của người.

Wang Bin, Chủ tịch Công ty Advaccine Biopharmaceuticals Suzhou (Trung Quốc), đối tác của Inovio và là đơn vị bảo trợ cho cuộc thử nghiêm tiêm trộn giữa 2 vaccine của Sinovac và Inovio, nói rằng tiêm trộn cung cấp một giải pháp nhằm nâng cao khả năng tạo miễn dịch. Ông tiết lộ, nghiên cứu tiền lâm sàng cho thấy giải pháp tiêm trộn tận dụng được ưu điểm của hai vaccine Covid-19 sử dụng công nghệ khác nhau để tạo ra phản ứng miễn dịch cân bằng và mạnh mẽ hơn. Một trong những ưu điểm của vaccine sử dụng công nghệ DNA là vẫn giữ độ ổn định trong hơn 1 năm nếu được lưu trữ ở nhiệt độ phòng.

Julian Tang, chuyên gia virus ở Đại học Leicester (Anh), cho rằng dữ liệu từ các cuộc thử nghiệm ở người là điều cần thiết để đánh giá xem liệu sự kết hợp giữa 2 vaccine trên có kết quả khả quan giống như sự kết hợp giữa các vaccine khác đã được nghiên cứu trước đây hay không.

“Cho đến nay, các cuộc thử nghiệm tiêm trộn khác dường như giúp nâng cao phản ứng miễn dịch so với 2 mũi tiêm của cùng một loại vaccine. Thành công của việc tiêm kết hợp giữa vaccine sử dụng công nghệ vector virus AstraZeneca và vaccine dựa vào công nghệ RNA thông tin của Pfizer không nhất thiết được lặp lại ở các sự kết hợp khác nhưng chúng ta cần thử nghiệm để xem kết quả”, ông nói.

Trong một diễn biến khác, Sinovac thông báo một cuộc nghiên cứu ở 300 người trên 60 tuổi cho thấy mũi tiêm thứ 3 của vaccine Sinovac sau 8 tháng hoặc lâu hơn sau mũi tiêm thứ 2 đã giúp tăng đáng kể hàm lượng kháng thể trung hòa virus SARS-CoV-2. Nghiên cứu được thực hiện sau khi các quan chức y tế ở Trung Quốc, bao gồm Gao Fu, Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CCDC) bày tỏ lo ngại về tính hiệu quả thấp của các vaccine Covid-19 do các hãng dược Trung Quốc sản xuất.

Trong báo cáo công bố trên trang lưu trữ tài liệu nghiên cứu y tế chưa phát hành medRxiv.org hôm 8-8, các nhà nghiên cứu cho biết dù lượng kháng thể giảm đáng kể sau 6 tháng ở những người trên 60 tuổi đã tiêm 2 mũi vaccine của Sinovac, một mũi tiêm thứ 3 của vaccine này có thể tạo ra hàm lượng kháng thể cao gấp 7 lần chỉ sau 1 tuần.

Sinovac cũng cho biết một mũi tiêm thứ 3 cho những người ở độ tuổi từ 18-59 cũng giúp hàm lượng kháng thể tăng 3-5 lần.

Cuối tháng trước, Shao Yiming, nhà dịch tễ học của CCDC, nói rằng không có đủ bằng chứng cho thấy người dân Trung Quốc cần mũi tiêm tăng cường trong vòng 1 năm sau khi tiêm đầy đủ 2 mũi.

Ông nói: “Các nghiên cứu cần được thực hiện để xem liệu có cần thiết hay không và khi nào cần tiêm mũi tăng cường cho những người già có hệ miễn dịch yếu và những người có bệnh nền đã được tiêm vaccine đầy đủ từ 6-12 tháng trước đó”.

Tính đến ngày 9-8, Trung Quốc đã triển khai tiêm hơn 1,79 tỉ liều vaccine Covid-19 (chủ yếu là vaccine của Sinovac và Sinopharm), trung bình 120 liều/100 dân, nhưng vẫn chưa rõ bao nhiêu người đã được tiêm đầy đủ 2 liều.

Theo SCMP, Reuters, AFP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới