Thứ Năm, 18/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc ưu tiên gỡ “quả bom nợ” 30 ngàn tỉ đô

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc ưu tiên gỡ “quả bom nợ” 30 ngàn tỉ đô

Thái Hà

(TBKTSG Online) – Đi một vòng quanh đặc khu kinh tế Tân Hải ở Thiên Tân, cách Bắc Kinh một giờ chạy xe hơi, bạn sẽ thấy những tòa nhà chưa hoàn chỉnh nằm kế những tòa nhà dang dở khác, những mặt tiền trống rỗng với nước sơn đen gạch chéo cửa ra vào.

“Đại gia” bảo hiểm Anbang và vấn đề nợ của Trung Quốc

Bảo hiểm Anbang Trung Quốc lại mua công ty FIDEA của Bỉ

Anbang tiếp tục thách thức Marriott trong vụ mua lại Starwood

Trung Quốc ưu tiên gỡ
Những tòa nhà mọc lên, phát triển nóng, kéo theo khoản nợ 30.000 tỉ đô la mà trong đó có các khoản nợ lớn của các công ty nhà nước của Trung Quốc.

“Chỉ có một phần ba căn hộ ở đây có người sở hữu”, bà Liu Yulan, 75 tuổi chuyển đến sống gần với con dâu, nói. Được xem như trung tâm tài chính và thương mại trong tương lai, sánh ngang với khu Phố Đông ở Thượng Hải hay Thẩm Quyến nhưng Tân Hải còn xa mới đạt đến kỳ vọng của chính phủ Trung Quốc. Tháng 1-2018, các quan chức Tân Hải đưa ra sự thừa nhận gây sửng sốt: GDP ở đặc khu này năm 2017 giảm 30% so với năm 2016, xuống còn 105 tỉ đô la Mỹ.

Các công ty nhà nước đang trở thành trở ngại của nền kinh tế Trung Quốc. Các khoản nợ của Trung Quốc hiện đang ở mức 30 ngàn tỉ đô la, khoảng 259% GDP nước này, chủ yếu là do các công ty nhà nước vay nợ, theo Bloomberg.

Theo tính toán của Bloomberg, khoản nợ này sẽ lên đến 327% GDP của Trung Quốc vào năm 2022 nếu chính phủ không thực hiện các biện pháp kiểm soát.

“Nguyên nhân chính dẫn đến các khoản nợ khổng lồ là do cách vận hành nền kinh tế theo mệnh lệnh từ trên xuống dưới”, chuyên gia Junheng Li nhận xét. Ông Li là người sáng lập Warren Capital, một công ty chuyên nghiên cứu thị trường Trung Quốc đặt trụ sở ở New York.

“Chính phủ trung ương đưa chỉ tiêu cho chính quyền tỉnh, từ tỉnh đưa chỉ tiêu xuống huyện, từ huyện đưa chỉ tiêu xuống khu, và các chỉ tiêu đó dội vào các công ty nhà nước, họ buộc phải phát triển bằng mọi cách để đạt chỉ tiêu”.

Nền kinh tế chính trị Trung Quốc gắn chặt với việc kiểm soát các công ty nhà nước. China Mobile, Dongfang Electric, Ngân hàng công thương Trung Quốc, Tập đoàn dầu khí Trung Quốc là những công ty lớn nhất thế giới, đều thuộc sở hữu nhà nước. Các công ty nhà nước chiếm 40% tài sản trong ngành công nghiệp, tạo 20% việc làm cho dân thành thị, tạo ra tổng lợi nhuận năm 2017 là 460 tỉ đô la, theo Bộ Tài chính Trung Quốc.

Chính quyền, chứ không phải thị trường hay hội đồng quản trị độc lập, mới là bên quyết định ai điều hành các công ty này.

Không có dấu hiệu chính phủ Trung Quốc sẽ tư nhân hóa các công ty này, trái lại sẽ củng cố mạnh hơn. Năm ngoái, họ cho Shenhua, tập đoàn sản xuất than lớn nhất hợp nhất với China Guodian Corp, tập đoàn sản xuất điện lớn nhất, tạo ra công ty năng lượng lớn nhất thế giới.

Không có cuộc đại tu lớn nào trong nền kinh tế Trung Quốc, ngoại trừ việc chính phủ sẽ cho một số công ty nhà nước nhỏ giải thế. “Tôi chỉ hy vọng chính phủ cho phép một số công ty nợ ngập đầu phá sản”, Larry Hu, chuyên gia kinh tế từ công ty chứng khoán Macquarie đóng tại Hong Kong cho biết, “Hậu quả sẽ là nhiều người mất việc, nhưng đây là bước phải làm”.

Bước nữa là thống nhất về cách thu thập và báo cáo dữ liệu của nền kinh tế. Suốt từ khi mở cửa kinh tế năm 1980 đến nay, các chính quyền địa phương thường “bùa phép” ra những con số tăng trưởng để làm đẹp lòng trung ương. Hàng năm, GDP của các tỉnh cộng lại toàn hơn GDP của trung ương tính toán hơn 10%. Tổng cục thống kê Trung Quốc đang tiếp quản việc tính toán GDP ở các tỉnh, họ nói sẽ loại trừ hẳn sự thiếu nhất quán trong báo cáo vào năm 2019.

Các nhà kinh tế dưới trướng ông Tập Cận Bình cho rằng gỡ "quả bom nợ" này là công việc ưu tiên hàng đầu với nền kinh tế. Vay nợ để thực hiện các mục đích tăng trưởng không còn sức mạnh như những năm 1980 và 1990 nữa. Hệ số sử dụng vốn hay hệ số đầu tư tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc không cao, trước năm 2008, để tăng 1 đồng GDP, họ cần đầu tư 4,4 đồng. Gần đây, để tăng 1 đồng GDP, họ cần đầu tư 6 đồng, theo số liệu của IMF. Nếu Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng tín dụng cho những khu vực đầu tư lãng phí, nền kinh tế của họ sẽ tổn thương mạnh hơn. Mới đây, họ đã cho ngưng các dự án xây dựng đường tàu điện ngầm ở khu tự trị Nội Mông.
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới