Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào Mỹ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào Mỹ

Lê Linh

(TBKTSG Online) – Việc công ty thiết bị viễn thông lớn thứ hai Trung Quốc ZTE bị đẩy vào tình trạng điêu đứng sau khi bị Mỹ “cấm vận” công nghệ cho thấy Trung Quốc vẫn còn phụ thuộc Mỹ rất lớn về công nghệ.

Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào Mỹ
Công nhân làm việc tại nhà máy của công ty bán dẫn SMIC ở Bắc Kinh. Ảnh: SCMP

ZTE “sống dở chết dở” vì lệnh cấm của Mỹ

Hôm 16-4, Bộ Thương mại Mỹ ra quyết định cấm các công ty Mỹ bán linh kiện và phần mềm cho hãng thiết bị viễn thông hà ZTE trong bảy năm vì cho rằng công ty này vi phạm các biện pháp chế tài của Mỹ. Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ cáo buộc ZTE không thực hiện cam kết khiến trách hoặc giảm tiền thưởng cho 35 nhân sự theo thỏa thuận nhận tội của ZTE về hành vi bán trái phép thiết bị viễn thông sử dụng công nghệ Mỹ cho Iran.

Bốn ngày sau đó, ZTE ra tuyên bố chỉ trích lệnh cấm của Mỹ là không công bằng và đe dọa đến sự tồn vong của ZTE. ZTE cùng đối thủ trong nước Huawei đang dẫn dắt Trung Quốc tiến vào kỷ nguyên của công nghệ mạng không dây 5G siêu tốc.

Lệnh cấm được đưa ra khi các nhà mạng viễn thông di động chuẩn bị triển khai hệ thống mạng lưới 5G khắp toàn cầu và ZTE là một nhà cung cấp nhận được nhiều đơn hàng trên thế giới.

Do vậy, lệnh cấm sẽ khiến ZTE thiếu hụt một loạt linh kiện cần thiết để lắp đặt vào các thiết bị bán cho các khách hàng lớn như China Mobile (Trung Quốc), Telefonica (Tây Ban Nha). ZTE đang phụ thuộc vào các nhà cung cấp công nghệ Mỹ như các hãng bán dẫn Qualcomm, Micron Technology và các hãng sản xuất linh kiện quang học như Lumentum Holdings và Acacia Communications. Lệnh cấm cũng có thể khiến ZTE không thể sử dụng hệ điều hành Android của Google cho các smartphone của ZTE.

“Dù lệnh cấm này không hạ gục họ nhưng ZTE sẽ rơi vào tình cảnh sống dở chết dở”, Qian Kai, nhà phân tích ở công ty chứng khoán CICC (Trung Quốc), nhận định. CICC ước tính ZTE chiếm khoản 10% thị phần thiết bị viễn thông toàn cầu và con số này ở thị trường Trung Quốc là 30%.

ZTE giờ đây phải trông chờ sự can thiệp của Bắc Kinh nhưng cơ hội thành công rất mong manh vì các căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng leo thang.

Các linh kiện do Mỹ sản xuất chỉ chiếm khoảng 10-15% chi phí giá thành sản xuất thiết bị của ZTE nhưng nhà phân tích Joel Ying từ công ty dịch vụ tài chính Nomura (Nhật Bản) cho rằng đây là các linh kiện thiết yếu và không dễ dàng thay thế.

Chẳng hạn, các smartphone của ZTE đang sử dụng chip của hãng Qualcomm. “Ít nhất, trong 5-10 năm tới, ZTE không thể tồn tại mà không cần đến các công ty Mỹ”, Joel Ying nói.

“Lệnh cấm của Mỹ có thể khiến ZTE mất thị phần trong lĩnh vực truyền dẫn tín hiệu viễn thông và các thiết bị cầm tay. Quá trình thương lượng với Mỹ để hủy lệnh cấm có thể mất từ 3-5 tháng nhưng niềm tin của khách hàng bên ngoài Trung Quốc sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi, đặc biệt là các khách hàng 5G tiềm năng”, Edison Lee, nhà phân tích ở ngân hàng đầu tư Jefferies (Mỹ), nói.

Hàng loạt công ty lớn phụ thuộc vào công nghệ Mỹ

Viết trên tạp chí Forbes, ông Jean Baptiste Su, Phó Chủ tịch ở công ty nghiên cứu thị trường công nghệ Atherton Research (Mỹ) cho rằng tình thế ngặt nghèo của ZTE sau khi lệnh “cấm vận” công nghệ của Mỹ còn cho thấy một bức tranh lớn hơn: hầu như tất cả các công ty lớn của Trung Quốc đang phụ thuộc sâu sắc vào các công nghệ Mỹ để tồn tại.

Các công ty lớn của Trung Quốc từ Baidu, Alibaba, Tencent, Xiaomi, Didi Chuxing cho đến Ngân hàng Trung Quốc (BOC), Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), các công ty viễn thông China Mobile, China Telecom, tập đoàn dầu khí nhà nước Trung Quốc Petro China, hãng ô tô nhà nước SAIC…, trên phương diện nào đó, đều dựa vào công nghệ, linh kiện, phần mềm hoặc tài sản sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ như Apple, Google, Intel, Qualcomm, Cisco, Micron, Microsoft…

Một lệnh cấm bán công nghệ Mỹ cho các công ty Trung Quốc có thể làm sụp đổ nền kinh tế Trung Quốc. Mặc dù đây là viễn cảnh khó tưởng tượng nhưng không có điều gì là không thể nếu căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ thành một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện, khiến Mỹ quyết định mở rộng lệnh cấm đến các công ty Trung Quốc khác.

Trong tình huống đó, Trung Quốc sẽ tìm cách tự chủ về công nghệ.

Jean Baptiste Su cho rằng với trình độ công nghệ hiện nay cùng với các khoản trợ cấp của chính phủ, các công ty Trung Quốc có thể đạt mục tiêu tự cung tự cấp các công nghệ cốt lõi như bộ vi xử lý, chip nhớ, các thiết bị của mạng không dây trong vòng bảy năm.

Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi để bắt kịp công nghệ của Mỹ, Trung Quốc sẽ làm gì?

Jean Baptiste Su cho rằng trong vòng 3-6 tháng, các công ty công nghệ Trung Quốc có thể sao chép phần mềm và các linh kiện phần cứng của Mỹ mà phần lớn có sẵn ở dạng nguồn mở.

Dĩ nhiên, đó là việc làm trái luật và vi phạm bản quyền sở hữu tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ nếu các sản phẩm và linh kiện sao chép đó được bán ra bên ngoài Trung Quốc.

Nỗ lực làm chủ công nghệ bán dẫn

Hôm 25-4, phát biểu trước các sinh viên tại Đại học Waseda ở Tokyo (Nhật Bản), người sáng lập kiêm chủ tịch hãng Aliaba Jack Ma kêu gọi các nước, bao gồm Nhật Bản và Trung Quốc, cần phải phát phát triển công nghệ bán dẫn riêng để thoát khỏi sự kìm kẹp của Mỹ trên thị trường chip toàn cầu.

Ông cho biết Alibaba đã đầu tư vào năm công ty bán dẫn trong bốn năm qua nhằm hướng đến mục tiêu sản xuất chip giá rẻ và hiệu quả. “100% thị trường chip đang nằm dưới sự kiểm soát của người Mỹ. Và nếu họ đột nhiên ngưng bán, các bạn sẽ hiểu tác động của điều này như thế nào. Đó là lý do tại sao Trung Quốc, Nhật Bản và bất kỳ nước nào khác cần phát triển các công nghệ cốt lõi”, Jack Ma nói.

Hôm 22-4, tại một hội nghị ở thành phố Phúc Châu (Trung Quốc), ông Pony Ma, chủ tịch tập đoàn Tencent kêu gọi các công ty Trung Quốc phải khẩn cấp thực hiện các đột phá trong việc làm chủ các công nghệ cốt lõi.
Trong khi đó, Chủ tịch ZTE Yin Yimin cũng nói với báo chí trong nước rằng ZTE sẽ đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Ông kết luận: “Dựa vào chính mình tốt hơn là dựa vào người khác”.

Ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc phải phụ thuộc vào các linh kiện nhập khẩu trị giá 200 tỉ đô la Mỹ mỗi năm từ Mỹ. Do vậy, Trung Quốc đã lên kế hoạch đầu tư 150 tỉ đô la Mỹ trong 10 năm tới để thiết lập vị trí dẫn đầu trong thiết kế và sản xuất chip, một tầm nhìn mà các quan chức và lãnh đạo các công ty công nghệ Mỹ cảnh báo sẽ gây tổn hại cho các lợi ích Mỹ.

Dù truyền thông nhà nước Trung Quốc kêu gọi phải tăng tốc phải triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước nhưng khoảng cách với Mỹ khó có khả năng được thu hẹp sớm. Dai Ming, một nhà quản lý quỹ ở công ty Hengsheng Asset Management tại Bắc Kinh, nói: “Khoảng cách vẫn rất lớn và ngành công nghiệp bán dẫn đòi hỏi rất nhiều vốn đầu tư và nhân lực. Rất khó để Trung Quốc bắt kịp Mỹ trong ngắn hạn”.

Hiện nay, không có công ty bán dẫn nào của Trung Quốc lọt vào top 20 công ty bán dẫn dẫn đầu thế giới về doanh thu. Các công ty bán dẫn khổng lồ của Mỹ như Intel và Qualcomm có vốn hóa thị trường lớn gấp 10 lần công ty bán dẫn lớn nhất Trung Quốc Shenzhen Huiding Technology. Trong khi chip của các công ty bán dẫn Mỹ phần lớn được sử dụng trong các sản phẩm điện tử cao cấp, các chip do Trung Quốc sản xuất chủ yếu phục vụ phân khúc cấp thấp của thị trường chẳng hạn như thẻ ngân hàng, thẻ USB.

(Bloomberg, Forbes, SCMP)

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới