Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc xem xét cấm xuất khẩu công nghệ nam châm đất hiếm

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Trung Quốc đang xem xét cấm xuất khẩu các công nghệ được sử dụng để sản xuất nam châm đất hiếm hiệu suất cao vì lý do an ninh quốc gia. Động thái này có thể gây bất lợi cho Mỹ trong lĩnh vực công nghệ cao vì nam châm đất hiếm sử dụng phổ biến trong xe điện, động cơ tuốc-bin gió, điện thoại di động và nhiều sản phẩm tinh vi khác.

Nam châm đất hiếm, hay còn gọi là nam châm vĩnh cửu, được sử dụng rộng rãi ở xe điện, điện thoại di động, robot, tuốc-bin gió, máy điều hòa nhiệt độ…Ảnh: chargedevs

Trang tin Nikkei Asia hôm 6-4 cho biết, Trung Quốc đang chuẩn bị bổ sung các sửa đổi vào danh sách công nghệ bị cấm hoặc hạn chế xuất khẩu. Các sửa đổi này gồm cấm hoặc hạn chế xuất khẩu công nghệ chế biến nguyên tố đất hiếm và công nghệ hợp kim sử dụng để sản xuất nam châm hiệu suất cao từ đất hiếm.

Trung Quốc đã hoàn tất giai đoạn lấy ý kiến đóng góp của giới chuyên gia và những thay đổi đó dự kiến có hiệu lực trong năm nay. Bản dự thảo sửa đổi cho biết, biện pháp cấm và hạn chế xuất khẩu trên được cân nhắc dựa trên lý do an ninh quốc gia.

Nam châm đất hiếmhiệu suất cao là loai nam châm vĩnh cửu, có một loạt ứng dụng quan trọng ở động cơ xe điện, máy bay, điện thoại di động, robot, máy điều hòa nhiệt độ và cả các thiết bị quân sự công nghệ cao.

Theo Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ, thị phần sản xuất đất hiếm của Trung Quốc trên toàn cầu đã giảm xuống khoảng 70% vào năm ngoái so với khoảng 90% vào một thập niên trước.

Trung Quốc ước tính chiếm khoảng 84% thị phần toàn cầu về nam châm neodymium và hơn 90% lãi suất đối với nam châm samarium–cobalt. Trong khi đó, Nhật Bản chiếm khoảng 15% thị phần nam châm neodymium và chưa đến 10% thị phần đối với nam châm samarium–cobalt. Neodymium và samarium là 2 trong số 17 nguyên tố đất hiếm.

Đồng thời, Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt chẽ hoạt động chế biến đất hiếm. Hầu hết đất hiếm được khai thác ở Mỹ đều được chuyển đến nước này để tinh chế trước khi xuất khẩu trở lại Mỹ.

Một trong những lý do khiến Mỹ chưa thể mở rộng chế biến đất hiếm vì đây là quy trình giải phóng lượng ra nước thải độc hại, chứa kim loại nặng và các chất như cadmium, chì và thorium, một nguyên tố phóng xạ ở mức độ thấp. Hầu hết các chất này đều có hại cho sức khỏe con người.

Sự thống trị của Trung Quốc trong hoạt động chế biến đất hiếm bắt nguồn từ các tiêu chuẩn môi trường lỏng lẻo, cho phép các công ty ở đây sản xuất đất hiếm với giá rẻ hơn nhiều so với bất kỳ đối thủ quốc tế nào.

Gần đây, cả Nhật Bản lẫn Mỹ đã cấm xuất khẩu thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc. Vì vậy, giới phân tích cho rằng Trung Quốc dường như đang tìm cách đáp trả bằng cách áp đặt các hạn chế thương mại đối với những công nghệ mà nước này đang thống trị, chẳng hạn như nam châm đất hiếm.

Nếu nước này cấm xuất khẩu công nghệ liên quan đến hai loại nam châm đất hiếm trên, ngành sản xuất công nghệ của Mỹ và châu Âu sẽ gặp khó khăn. Sự phụ thuộc vào đất hiếm và nam châm hiệu suất cao của Trung Quốc khiến Nhật Bản và Mỹ lo ngại rủi ro an ninh kinh tế.

Trung Quốc từng dừng xuất khẩu đất hiếm sang Nhật Bản trong 2 năm sau những căng thẳng năm 2010 xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý.

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung dâng cao, cả Washington và Tokyo đều đang phát triển chuỗi cung ứng đất hiếm ít phụ thuộc vào Trung Quốc.

Bắc Kinh có tham vọng vươn lên trở thành một siêu cường sản xuất công nghệ cao, có thể cạnh tranh với Mỹ. Một nguồn tin trong ngành cho biết, do tụt hậu về công nghệ chip tiên tiến, Trung Quốc có thể sẽ sử dụng đất hiếm như một quân bài mặc cả vì đây một điểm dễ tổn thương đối với Nhật Bản và Mỹ.

“Nhật Bản dự định nỗ lực củng cố chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các tác động có thể đến từ Trung Quốc”, Trong cuộc họp báo hôm 5-4, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno nói.

Theo Nikkei Asia, Kyodo News

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới