Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung Quốc yêu cầu các nền tảng gọi xe cải thiện điều kiện làm việc cho đối tác tài xế

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Hôm 1-9, các cơ quan quản lý Trung Quốc đã triệu tập đại diện của 11 nền tảng gọi xe công nghệ, bao gồm Didi Chuxing, Meituan Dache, đơn vị thành viên của nền tảng giao đồ ăn lớn nhất nước Meituan, đến dự một cuộc họp để yêu cầu họ cải tổ chính sách đối với đối tác tài xế và khách hàng trong vòng 4 tháng.

Didi Chuxing cùng 10 nền tảng gọi xe khác ở Trung Quốc đối mặt với sức ép ngày càng gia tăng từ các cơ quan quản lý. Ảnh: Getty

Các cơ quan quản lý này gồm Bộ Giao thông Vận tải, Cục Quản lý không gian mạng, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin, Bộ Công an và Cơ quan Quản lý thị trường nhà nước Trung Quốc.

Kêu gọi giảm mức phần trăm hoa hồng thu của tài xế

Thông báo của Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc hôm 2-9 cho hay tại cuộc họp, 11 nền tảng gọi xe bị cảnh báo về các vấn đề cạnh tranh không công bằng, an ninh dữ liệu và sử dụng lao động trái phép. Thông báo nhấn mạnh họ không được phép chiêu dụ các tài xế tham gia nền tảng của họ thông qua những quảng cáo gian dối về điều kiện làm việc và thù lao đồng thời phải giảm mức phần trăm hoa hồng thu từ tài xế.

Các cơ quan quản lý nói họ phát hiện một số nền tảng gọi xe giành giật thị phần bằng cách tuyển dụng tài xế không đủ tiêu chuẩn làm việc trong ngành gọi xe và sử dụng xe kém chất lượng. Thông báo yêu cầu họ vạch ra kế hoạch “chấn chỉnh” các thực hành kinh doanh trái pháp luật vào cuối năm nay.

Thông báo được đưa ra sau một loạt động thái can thiệp và trừng phạt của Bắc Kinh nhằm vào các tập đoàn công nghệ lớn nhất nước. Trong những tuần gần đây, Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều lần kêu gọi xây dựng “thịnh vượng chung” mà mục đích, theo các chuyên gia, không chỉ là tái phân phối của cải trong xã hội mà còn cải thiện quyền lợi của người lao động và người tiêu dùng.

Didi Chuxing, nền tảng gọi xe lớn nhất Trung Quốc, đang thấp thỏm chờ đợi kết quả điều tra của giới chức trách về cáo buộc thu thập trái phép dữ liệu người dùng. Cuộc điều tra được phát động chỉ vài ngày sau khi Didi Chuxing tiến hành thành công thương vụ chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) ở New York hồi tháng 6, thu về 4,4 tỉ đô la Mỹ. Các cơ quan quản lý đang cân nhắc các phương án xử phạt Didi Chuxing, bao gồm một khoản tiền phạt kỷ lục, thậm chỉ yêu cầu hủy niêm yết cổ phiếu tại New York.

Trong khi đó, nền tảng giao đồ ăn Meituan, đang đối mặt với cuộc điều tra chống độc quyền. Tuần trước, Bộ Nhân lực và An sinh xã hội Trung Quôc cùng Tòa án Nhân dân tối cao Trung Quốc đã ban hành thông tư giải thích về các trường hợp làm việc quá giờ điển hình, trong đó, nói rõ “văn hóa làm việc 996” (làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối trong 6 ngày mỗi tuần) là trái phép luật.

Thông tư dẫn ra một vụ kiện, trong đó, một tài xế giao hàng đòi bồi thường sau khi bị công ty sa thải do lên tiếng phản đối chính sách làm việc 12 tiếng từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối mỗi ngày. Tòa án đã buộc công ty này bồi thường cho nguyên đơn 8.000 nhân dân tệ (1.233 đô la Mỹ) vì chấm dứt hợp đồng lao động trái luật.

Luật lao động Trung Quốc quy định rằng thời gian làm việc thông thường của người lao động không được quá 8 giờ mỗi ngày. Nếu có thể thỏa thuận riêng, người lao động chỉ có thể làm thêm tối đa 3 giờ mỗi ngày và tổng thời gian làm thêm không được quá 36 giờ mỗi tháng. Tuy nhiên, trong ngành công nghệ, văn hóa làm việc 996 rất phổ biến, khiến người lao động ngày càng bất mãn. Công ty thương mại điện tử Pinduoduo bị chỉ trích dữ dội sau khi một nữ nhân viên của công ty này gục chết do làm việc quá nửa đêm vào cuối năm ngoái.

Các công ty công nghệ đua nhau thành lập công đoàn

Để xoa dịu các cơ quan quản lý, trong những tuần đây, các công ty công nghệ như Didi Chuxing, Meituan và JD.com (thương mai điện tử) và Ele.me (đơn vị giao đồ ăn của Alibaba) đã bắt đầu cho phép thành lập công đoàn. Các chuyên gia cho rằng động thái này báo hiệu quyền lợi của người lao động ở các hãng gọi xe và giao đồ ăn sẽ được cải thiện.

Didi Chuxing, cung cấp 25 triệu chuyến xe mỗi ngày, bị truyền thông nhà nước chỉ trích không trả thù lao công bằng cho đối tác tài xế. Điều tra của Tân Hoa xã cho thấy mức hoa hồng mà Didi Chuxing thu từ đối tác tài xế gần đây đã tăng đáng kể từ 20% lên 35% và thậm chí trong một số trường hợp, lên mức tối đa 50%.

Jenny Chan, Giáo sư xã hội học ở Đại học Bách khoa Hồng Kông, cho rằng dù các “ông lớn” công nghệ Trung Quốc đứng trước sức ép lớn về việc phải đưa ra các cải thiện điều kiện làm việc nhanh chóng cho người lao động nhưng hiện nay, các cam kết của họ vẫn không rõ ràng.

“Vì hình ảnh và lợi nhuận của doanh nghiệp, ban lãnh đạo cấp cao của các công ty công nghệ Trung Quốc cam kết bảo vệ quyền lợi của người lao động. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều biết rằng ngày từ đầu, các công ty này đều thuê các lao động tự do để làm việc ở tuyến đầu (giao hàng, giao đồ ăn), và họ được ghi nhận là nhân viên chính thưc”, Jenny Chan nói.

Bà cho rằng việc cho phép thành lập công đoàn ở các công ty công nghệ có thể tạo ra sự thay đổi đột phá nếu những người lao động có thể đàm phán các điều kiện làm việc và lợi ích với chủ sử dụng lao động.

“Tuy nhiên, liệu các lãnh đạo công đoàn có được bảo vệ để tránh sự trả đũa trong và sau quá trình đàm phán? Vấn đề quan trọng vẫn là quyền lực của người lao động, vốn đang bị hạn chế nghiêm trọng ở các công ty nhà nước lẫn tư nhân”, bà nói.

Theo SCMP, AFP

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới