Trung Quốc yêu cầu ngân hàng lập kế hoạch cho khủng hoảng
Thu Hằng
![]() |
Các nhà điều tiết ngân hàng Trung Quốc siết chặt quản lý ngân hàng lớn trước những mối lo ngại về khủng hoảng tài chính. Ảnh: Reuters |
(TBKTSG Online) – Cơ quan điều tiết ngân hàng Trung Quốc (CBRC) có kế hoạch yêu cầu các ngân hàng lớn lập kế hoạch cho phép họ khôi phục tài chính trong trường hợp khủng hoảng.
Trung Quốc đang tìm cách tránh lặp lại cuộc khủng hoảng ngân hàng gần đây nhất, khi chính phủ chi hơn 650 tỉ đô la Mỹ để cứu trợ cho các ngân hàng sau nhiều năm cho vay theo chỉ đạo của nhà nước. Những mối lo ngại chất lượng tài sản của các tổ chức cho vay giảm sút có thể làm chệch hướng nền kinh tế lớn đang phát triển nhanh nhất thế giới này.
Các ngân hàng lớn của Trung Quốc đã cắt giảm tỷ lệ nợ xấu xuống còn 1,15% tính đến ngày 31-12-2010, từ mức 17,2% trong năm 2003, sau khi Ủy ban điều tiết ngân hàng Trung Quốc được thành lập.
Việc thiết lập cơ chế “tự cứu trợ” là một phần của những nỗ lực nhằm đảm bảo những người sở hữu cổ phiếu và trái phiếu chịu trách nhiệm lớn hơn đối với việc cứu trợ ngân hàng nếu các ngân hàng gặp khó khăn về tài chính. Một biện pháp có thể được thực hiện là bán các khoản nợ “bảo lãnh”.
Các nhà điều tiết toàn cầu đã dành 2 năm qua để nghĩ cách đảm bảo cho người nộp thuế không phải gánh vác trong trường hợp xảy ra một cuộc khủng hoảng ngân hàng khác.
Tháng trước, Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng công bố các ngân hàng cần phải chuyển đổi chứng khoán nợ thành cổ phiếu thường hoặc xóa sổ các khoản nợ đó. Chính phủ Trung Quốc có thể sửa đổi Luật ngân hàng thương mại của nước này để phù hợp với các yêu cầu mới.
Các ngân hàng lớn của Trung Quốc, được coi là có tầm quan trọng mang tính hệ thống, gồm Ngân hàng Công thương Trung Quốc, có thể phải bán nợ chuyển đổi thành vốn cổ phần để có tiêu chuẩn thanh khoản cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh trong nước. Các nhà điều tiết ngân hàng sẽ được trao quyền hạn lớn hơn để giám sát các tổ chức cho vay nhằm phát hiện sớm các rủi ro.
CBRC có thể nâng yêu cầu vốn của 5 tổ chức cho vay lớn nhất do nhà nước kiểm soát lên 14% từ mức 11,5% hiện nay, nếu tăng trưởng tín dụng được coi là quá nhiều.
(Theo Bloomberg)