Trung tâm nguyên phụ liệu da giày lại vắng khách
Văn Nam
![]() |
Trung tâm nguyên phụ liệu da giày Liên Anh tấp nập trong ngày khai trương 20-7, nhưng nay lại vắng khách – Ảnh: Văn Nam |
(TBKTSG Online) – Sau ba tháng hoạt động trở lại, Trung tâm nguyên phụ liệu dệt may da giày Liên Anh tại Bình Dương một lần nữa lại rơi vào cảnh đìu hiu, vắng khách. Nguyên nhân được cho là giá nguyên liệu nhập từ Ý quá cao và tình hình sản xuất ngành da giày trong nước giảm sút.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm nay (23-10), bà Trương Thị Thúy Liên, Phó giám đốc Công ty TNHH Liên Anh, cho biết sau ba tháng kể từ khi mở cửa hoạt động lại đến nay, trung tâm có chưa tới 10 đơn hàng, mỗi đơn hàng trị giá rất thấp, chỉ khoảng 1.000 – 2.000 đô la Mỹ, không đủ chi phí trang trải duy trì hoạt động của trung tâm.
Theo bà Liên, không như dự báo trước đây, nhiều khách hàng đến rồi lại đi bởi giá nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Ý như đế, gót, da … cộng với chi phí vận chuyển về đến trung tâm cao hơn giá trong nước 50 – 70% nên doanh nghiệp da giày trong nước không mua nổi.
Bà Liên cho biết đang đề xuất 15 nhà cung cấp nguyên liệu da giày thuộc Hiệp hội các nhà sản xuất nguyên phụ liệu vùng Toscana (Ý) chuyển dây chuyền sản xuất một số loại như đế, gót sang Việt Nam để giảm giá thành. Đồng thời, chỉ nhập các loại da xanh (chưa thuộc) sang Việt Nam để làm tiếp các công đoạn thuộc, nhuộm nhằm hạ giá thành thì mới hy vọng thị trường chấp nhận.
Trước đó, sau 5 năm đóng cửa, đến ngày 20-7-2012, trung tâm nguyên phụ liệu Liên Anh được nâng cấp, mở cửa trở lại có sự hợp tác với các nhà sản xuất nguyên phụ liệu đến từ Ý. Theo đó, ngoài cung cấp nguyên phụ liệu, các nhà cung cấp từ Ý sẽ hỗ trợ công nghệ sản xuất giày da cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Đối với ngành công nghiệp dệt may, da giày, trung tâm nguyên phụ liệu đóng vai trò quan trọng bởi là nơi kết nối trực tiếp giữa nhà cung cấp nguyên phụ liệu và nhà sản xuất sản phẩm cuối cùng.
Mặc dù vậy, không như mong đợi ban đầu của bà Liên, đến nay trung tâm Liên Anh một lần nữa lại rơi vào tình trạng thiếu vắng khách hàng.
Theo Hiệp hội Da giày-Túi xách Việt Nam, hiện Việt Nam có khoảng 700 doanh nghiệp da giày, mỗi năm xuất khẩu khoảng 700 triệu đôi. Trong đó, tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu trong nước mới chỉ đạt khoảng 40- 65%.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hôm nay, một lãnh đạo hiệp hội cho biết đến nay Việt Nam vẫn chưa có một trung tâm nguyên phụ liệu da giày nào phát triển thành công. Nguyên nhân được cho là vẫn chưa tạo được cung ứng gắn kết thực sự, trong đó đang thiếu đi vai trò hỗ trợ của nhà nước.