Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung tâm tài chính quốc tế TPHCM: đột phá trong chính sách để phát triển tài chính số

Y.M

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Theo các chuyên gia kinh tế, cấu phần quan trọng nhất trong mô hình trung tâm tài chính quốc tế TPHCM là công nghệ tài chính (fintech) và ngân hàng số. Đó sẽ là đột phá trong chính sách, giúp hình thành và đi vào hoạt động các ngân hàng số 100%.

TPHCM sẽ hoàn chỉnh đề án phát triển trung tâm tài chính quốc tế trong tháng 3 và dự kiến gửi Ngân hàng Nhà Nước và các bộ như Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư… vào tháng 4 để tham vấn ý kiến và hoàn thiện trước khi trình Chính phủ. Ảnh: TL

Công ty Đầu tư Tài chính nhà nước TPHCM (HFIC) được giao làm đầu mối tích hợp hai đề án phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM của Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) – Đại học Fulbright Việt Nam và Công ty Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG). Sáng 25-2, HFIC đã công bố dự thảo lần một.

Ba nội dung cốt lõi của Đề án là: cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM để phát triển thành Trung tâm tài chính quốc tế; mô hình trung tâm tài chính quốc tế; và xây dựng hệ sinh thái fintech, ngân hàng số.

Đẩy mạnh tính chất quốc tế của trung tâm tài chính

Theo chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TPHCM, hiện nay, TPHCM đang là trung tâm tài chính quốc gia và có vị trí trung bình trong khu vực Đông Nam Á (ASEAN). Nếu xét về thị trường tiền tệ thì TPHCM đóng góp 58% nhưng về thị trường vốn (kể cả chứng khoán vốn, chứng khoán nợ) thì Thành phố đóng góp tới 95%.

“Như vậy, khát vọng của chúng ta là xây dựng TPHCM từ trung tâm tài chính quốc gia tới khu vực và tới quốc tế. Trước mắt, có thể nói rằng Đề án hướng tới tầm nhìn toàn cầu”, ông Trần Du Lịch khẳng định.

Ông Vũ Xuân Thành, giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, một trong những tác giả của Đề án cho biết, Tổ chức xếp hạng các trung tâm tài chính toàn cầu xác định, TPHCM vốn đã là một trung tâm tài chính thứ cấp. “Tuy nhiên, những dịch vụ tài chính ở đây vẫn phục vụ thị trường tài chính và nền kinh tế nội địa nên bây giờ, chúng ta muốn đẩy mạnh tính chất quốc tế của nó”, ông Thành nhấn mạnh.

Về mô hình trung tâm tài chính, theo ông Thành, quan trọng nhất là phải xác định sắp tới, chúng ta sẽ ưu tiên thu hút những dịch vụ và thị trường tài chính gì; phải dựa vào những dịch vụ tài chính mà trong thời gian qua đã có tốc độ tăng trưởng rất nhanh chóng ở TPHCM để quyết định điều này.

Vị giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, căn cứ vào tiềm năng và hiện trạng trong mô hình trung tâm tài chính, có thể thấy sự hội tụ rất lớn của các doanh nghiệp fintech. Tuy nhiên, đây mới chỉ là các doanh nghiệp fintech với giai đoạn đầu phát triển tốc độ nhanh chứ chưa phải là cấu phần quan trọng của hệ thống tài chính, bởi mới chỉ cung cấp những dịch vụ mang tính chất hỗ trợ cho hệ thống tài chính (lớn nhất thì cũng chỉ là các ví điện tử được kinh doanh dưới mô hình là trung gian thanh toán); một số tổ chức khác thì chỉ được phép hoạt động như một công ty cung cấp giải pháp và nền tảng công nghệ.

“Nếu như chúng ta đặt trong mô hình trung tâm tài chính TPHCM một cấu phần quan trọng, đó là fintech và ngân hàng số thì chúng ta sẽ tạo được đột phá trong chính sách, có một lộ trình để cấp phép, hình thành và đi vào hoạt động các ngân hàng số 100%”, ông Thành nhấn mạnh.

Đồng tác giả Đề án cho biết thêm, cấu phần thứ 3 trong mô hình trung tâm tài chính, đó là thị trường giao dịch hàng hóa phái sinh. Khác với thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng, kể cả ngân hàng số hay thị trường vốn, đây là phần mà TPHCM hoàn toàn đang thiếu vắng. Đề án trước đây thiếu cấu phần này, vậy nên, đây là thời điểm để có quyết định đột phá, đó là hình thành chính thức một sở giao dịch phái sinh ở TPHCM, ông Thành khẳng định.

Bản dự thảo Đề án hiện đang trong giai đoạn được TPHCM công bố lấy ý kiến. Để triển khai, thành phố xây dựng 4 chương trình hành động cụ thể gồm: phát triển fintech, ngân hàng số và giao dịch tài chính số; hội nhập khu vực cho trung tâm tài chính; phát triển khu tài chính – thương mại Thủ Thiêm; phát triển thị trường hàng hóa.

Trong các chương trình này, đáng chú ý là đề xuất cho phép hình thành ngân hàng số 100%, độc lập và thành lập Sở giao dịch hàng hóa phái sinh. Riêng khu Thủ Thiêm đang đặt vấn đề lựa chọn mô hình thu hút đầu tư trong 4 phương án: đấu giá đất, đấu thầu dự án, hợp tác công tư hoặc chọn nhà đầu tư chiến lược.

Về lộ trình, TPHCM dự định triển khai 3 bước gồm: củng cố vị thế trung tâm tài chính quốc gia (giai đoạn 2021-2025); phát triển thành trung tâm tài chính khu vực (2026-2030) và trở thành trung tâm tài chính quốc tế từ 2030. Đề án đặt mục tiêu vào nhóm Top 50 trung tâm tài chính hàng đầu thế giới năm 2030 và vào Top 20 năm 2045 theo bảng xếp hạng tiêu chuẩn của GFCI (The Global Financial Centres Index) của Z/YenPartners (Anh) và China Development Institute (Trung Quốc).

Như vậy, phiên bản đầu tiên của đề án được kết hợp chưa nhấn mạnh mảng phát triển các dịch vụ giải trí, cá cược, bán hàng miễn thuế.

Tại hội thảo công bố dự thảo sáng 25-2, một vài chuyên gia cho rằng không xây dựng casino trong giai đoạn đầu. “Tôi thấy nếu có casino chỉ là bổ sung khi đã thành trung tâm tài chính rồi chứ casino hay vui chơi giải trí không phải là cốt lõi. Nếu đặt vấn đề này từ đầu thì sẽ bị Quốc hội bác bỏ ngay. Nên triển khai sau khi TP HCM đã thực sự thành công là trung tâm tài chính quốc tế”, ông Nguyễn Đình Cung, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng nói.

GS.TS. Trần Ngọc Thơ, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cũng cho rằng việc xây dựng dịch vụ hỗ trợ như casino, trường đua chỉ tính đến khi đã hình thành xong trung tâm tài chính. Theo ông, các dịch vụ hỗ trợ trước hết cần đầu tư để thu hút chuyên gia là các trường học, bệnh viện đẳng cấp quốc tế.

Còn theo bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng giám đốc IPPG, đề án của công ty vẫn nhấn mạnh là trọng tâm phát triển hoạt động ngân hàng, ngoại hối, chứng khoán, môi giới, bảo hiểm. Nhưng công ty đề xuất cho phép các đầu tư dịch vụ hỗ trợ (casino, giải trí, du lịch nghỉ dưỡng, bán hàng miễn thuế…) tại một khu vực riêng để tạo sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư tài chính.

Tập trung vào chính sách để thu hút nhà đầu tư tầm cỡ

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho rằng, trong Đề án xây dựng TPHCM thành trung tâm tài chính quốc tế, khi đánh giá tác động của Đề án đối với kinh tế và tài chính khu vực, mới chỉ có về mặt định hình chứ chưa có định lượng.

“Ngoài ra, cách tiếp cận của Đề án, theo tôi, phải đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của TPHCM – vùng kinh tế trọng điểm của phía nam và cả nước. Như vậy, Trung tâm tài chính quốc tế đóng góp gì cho Thành phố? Tăng GDP của Thành phố như thế nào, tác động đến kinh tế Thành phố như thế nào? Và đổi lại, chính quyền Trung ương, ở đây là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được cái gì?”, ông Kiên nêu ý kiến.

Một vấn đề khác, theo ông Kiên, nếu chúng ta chia các giai đoạn để xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế là từ 2021-2025 và từ 2026-2030 thì trong từng giai đoạn, trách nhiệm của Thành phố là gì, Trung ương sẽ hỗ trợ những gì và Thành phố dự kiến huy động đầu tư nước ngoài và vốn của các thành phần kinh tế khác như thế nào?

Về vấn đề thể chế, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cũng có chung quan điểm với các chuyên gia khác, tức là ở đây, bản thân TPHCM đã là một trung tâm tài chính tự nhiên trong quá trình vận hành của nền kinh tế đất nước.

“Nhưng nếu đặt TPHCM vào trong bối cảnh công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) thì tư duy về việc phải xây một khu đô thị, nhà cửa, phố xá san sát để làm trung tâm tài chính là điều mà chúng ta phải cân nhắc lại. Phải có những lộ trình tận dụng những cái mà chúng ta đang có hiện nay, kết hợp với kinh tế số, trí tuệ nhân tạo để từ đấy hỗ trợ cho các fintech phát triển”, ông Kiên khẳng định.

Cho ý kiến về mô hình trung tâm tài chính quốc tế, ông Trần Du Lịch nhấn mạnh, cần tập trung vào cả mô hình truyền thống lẫn phi truyền thống; thị trường tiền tệ, các hoạt động liên quan đến thị trường vốn ngắn hạn.

“Chúng ta phải làm sao để tập trung chính sách thu hút các quỹ đầu tư, các định chế tài chính quốc tế tầm cỡ. Đặc biệt, trong lĩnh này, cần lưu ý đưa vào công nghệ số, fintech và các sản phẩm khác, kể cả đồng tiền số, ngân hàng số. Mảng này rất quan trọng, đó là mô hình hiện đại trong quá trình phát triển từ truyền thống đi lên”, ông Trần Du Lịch cho hay.

Bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP HCM cho biết, sau khi tiếp thu thêm ý kiến chuyên gia, thành phố sẽ xong đề án trong tháng 3 và dự kiến gửi Ngân hàng Nhà Nước và các bộ như Tài chính, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư… vào tháng 4 để tham vấn ý kiến và hoàn thiện trước khi trình Chính phủ.

Tổng hợp

4 BÌNH LUẬN

  1. làm Casino ở trung tâm tài chính !!? làm trung tâm tài chính phải nêu bật độ trong sạch minh bạch là nơi lưu giữ tài sản an toàn ..Còn Casino là nơi ngược lại hoàn toàn sau lưng nó là những dòng tiền không minh bạch ,ta phải tách rời chốn ăn chơi ra khỏi nơi làm ăn!

  2. Để là TTTC thì phải có người dám quyết và dám làm. 20 năm qua đã không làm được gì lớn, vì cả hai điều này đều không có. Nếu TƯ không đám đương đầu thì TPHCM nên là người đứng mũi chịu sào. Lịch sử cho thấy điều này đã từng xảy ra nhiều lần và thực tế đã chứng mình là đúng. Đừng để tái diễn tình trạng “TTTC- Từ Từ Trình Chief – Thôi Thì Tạm Chờ” ?

  3. Tư duy nhiệm kỳ mang đến một thông lệ, mọi thứ có thể đề xuất và triển khai trong vòng 5 năm, nếu không được thì … quay lại từ đầu ? Như vậy sẽ không có mục tiêu lớn nào đạt được trọn ven, hoặc là đột phá hoặc là hoàn thành một cách mỹ mãn. Cũng giống như luân chuyển cán bộ, nếu cứ lòng vòng, quanh quanh mãi, thì vẫn không có sự tiến triển nào ổn định. Do vậy, phải thay đổi mạnh mẽ, mục tiêu là một câu chuyện, nhưng để thực hiện được mục tiêu luôn cần đến những con người chuyên nghiệp.

  4. TTTC phải đi đôi với 2 điều kiện tiên quyết, đó là tiềm lực về kinh tế + nhân lực. Kinh tế thể hiện rõ qua GDP bình quân đầu người. Nếu GDP TPHCM không đạt đến ngưỡng 15-20 ngàn USD thì khó có thể được định vị là TTTC. Còn nhân lực, nếu không có đội ngũ trình độ quốc tế hóa, giữ những vị trí chủ chốt trong triển khai thực thi kế hoạch, thì cũng sẽ không bao giờ có TTTC. Còn việc thu hút bao nhiêu tỷ USD, bao nhiêu dự án… không phải là yếu tố quan trọng nhất.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới