Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trung thực trong kinh doanh là điều quá khó khăn?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trung thực trong kinh doanh là điều quá khó khăn?

Yên Minh

(TBKTSG Online) – Câu chuyện Khaisilk – thương hiệu lụa tơ tằm có tuổi đời gần 30 năm – bán những chiếc khăn lụa làm từ làng lụa Hà Đông nhưng thực chất là khăn lụa nhập từ Trung Quốc, đã thu hút sự chú ý của cộng đồng những người đọc báo lẫn mạng xã hội trong những ngày qua. Vấn đề được mọi người phân tích, tranh luận nhiều nhất là sự trung thực, một yêu cầu cần thiết và quan trọng trong kinh doanh.

Theo các báo đài, chiều ngày 26-10, đoàn kiểm tra gồm các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia), Bộ Công Thương, Công an đã kiểm tra và làm việc tại cửa hàng Khaisilk tại số 113 Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Đoàn kiểm tra đã thu giữ 52 mẫu gồm khăn, quần áo, cà vạt… Một thành viên đoàn kiểm tra, cho biết qua kiểm tra sơ bộ đã ghi nhận “có dấu hiệu gian lận thương mại”.

Trước đó, trưa ngày 26-10, Văn phòng Bộ Công Thương đã gửi công văn hỏa tốc đến Cục Quản lý thị trường về vụ một cửa hàng của Khaisilk bán khăn lụa vừa có mác “Khaisilk made in Vietnam” vừa có mác “Made in China”.

Khăn lụa được bày bán tại một cửa hàng của Khaisilk.

Công văn truyền đạt chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị Cục Quản lý thị trường phối hợp với Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kiểm tra, xem xét và làm rõ thông tin vụ khăn lụa. “Nếu có dấu hiệu vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa, hàng giả, hàng nhái, bảo vệ người tiêu dùng, các đơn vị đề nghị ngay hướng xử lý”.

Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Hoàng Khải, Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk đã thừa nhận việc nhập hàng từ Trung Quốc từ nhiều năm nay để bán nhưng không ghi rõ xuất xứ Trung Quốc, nguyên nhân là do không có đủ nguồn hàng trong nước. Ông Khải cũng đưa ra lời xin lỗi đến người tiêu dùng.

Sau lời thừa nhận của ông Khải, trên các diễn đàn trực tuyến và mạng xã hội nổi lên nhiều cuộc tranh luận gay gắt. Nhiều người chỉ trích hành động gian lận của ông Khải đã phản bội niềm tin của người tiêu dùng. Nhiều người khác (giới thiệu rằng cũng đang kinh doanh mặt hàng lụa như ông Khải) cho rằng việc gắn nhãn hàng Việt Nam lên trên hàng hóa có xuất xứ Trung Quốc rất phổ biến, vì hàng lụa Việt Nam chất lượng cao có giá đắt đỏ, ít người mua. Một nhóm khác lại cho rằng những nhà sản xuất, nhà kinh doanh hàng Việt Nam đang chịu áp lực rất lớn về mặt chi phí và giá thành sản phẩm, vì giá nguyên liệu của Việt Nam rất cao so với giá nguyên liệu cùng loại từ Trung Quốc. Đây là cả một vấn đề lớn đối với nền sản xuất Việt Nam, không chỉ riêng trong lĩnh vực sản xuất lụa. Và nếu vấn đề này không được giải quyết một cách thỏa đáng thì thực trạng hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam sẽ tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.

“Trường hợp không cung cấp thông tin đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ theo quy định, lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo, che dấu, cung cấp thông tin không chính xác… thì phải đổi hoặc trả lại tiền, nhận lại hàng hóa”, theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng.

Từ câu chuyện khủng hoảng truyền thông của Khaisilk, nhìn rộng hơn đến mục tiêu xây dựng một nền kinh tế mà các nhà sản xuất, nhà kinh doanh ngoài việc theo đuổi những mục tiêu về năng suất, chất lượng cao còn phải bảo đảm tính trung thực, phải chăng là điều quá khó khăn? Không bàn tới những lời chỉ trích mang tính miệt thị và thóa mạ, những cuộc tranh luận, phản biện, phân tích lẫn phê bình Khaisilk trên các kênh truyền thông (bao gồm mạng xã hội) trong những ngày qua cũng chỉ nhằm hướng tới một mục tiêu: sự tử tế. Và đây, cũng là mục tiêu chung mà cả xã hội chúng ta cùng theo đuổi.
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới