Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trước hết hãy “nghĩ khác đi”!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trước hết hãy “nghĩ khác đi”!

Anh Vũ

(KTSG) – Phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thượng đỉnh đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) diễn ra hôm 31-5 tại Seoul không chỉ nói lên vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế, mà còn đưa ra định hướng phát triển xanh rõ rệt cho nền kinh tế nước ta.

Hội nghị Thượng đỉnh P4G lần thứ hai dự kiến được tổ chức trong năm 2020 nhưng đã bị trì hoãn đến 2021 do dịch Covid-19. Nhưng điều này đã tạo thêm điều kiện cho các tiểu ban soạn thảo chuẩn bị tốt hơn những đề tài được đem ra thảo luận trước cuộc họp trực tuyến. Với tiêu đề “Phục hồi xanh toàn diện hướng tới trung tính carbon”, các cuộc thảo luận chính xoay quanh năm vấn đề lớn, gồm quản lý nước thông minh theo hướng trung hòa carbon để chống chịu với biến đổi khí hậu; một hành tinh xanh hơn với các giải pháp năng lượng sáng tạo; hệ thống nông nghiệp và lương thực bền vững, dễ hồi phục; hợp tác phát triển thành phố xanh thông minh, dễ thích ứng; các biện pháp kinh tế chu luân hướng tới một xã hội không rác thải.

Cả năm vấn đề trên đều rất quan trọng với Việt Nam, cả trên bình diện phát triển kinh tế lẫn ổn định xã hội. Và thực tế là chúng ta đã, đang và sẽ đối phó chật vật nếu không có một định hướng toàn diện ở cấp quốc gia và hợp tác quốc tế. Hãy cứ xem rác thải mỗi ngày một tràn lan khi vẫn chưa có một giải pháp nào mới mẻ; thủy điện vừa là thủy lợi vừa là thủy hại; đô thị vẫn kẹt đường ngộp khói; một hệ thống nông nghiệp chậm phục hồi và chưa bền vững… Những vấn đề đó đan quện vào nhau, sẵn sàng ngăn đà phát triển, nếu không nhanh chóng đưa ra những giải pháp xanh, chúng ta (và thế giới) khó đạt đến mục tiêu toàn cầu 2030.

Ở mức độ cao hơn, không chỉ là từng vấn đề mà là cả khu vực, mà theo Thủ tướng Phạm Minh Chính là cần “nâng cao năng lực chủ động thích ứng của những nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, trong đó có khu vực tiểu vùng sông MêKông và đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam (ĐBSCL). Những thách thức nghiêm trọng ở những nơi này đang rất cần sự hợp tác chặt chẽ, trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nhất là trong việc quản lý, sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nguồn nước của khu vực và thế giới”. Trước đây, người ta thường gọi tăng trưởng xanh để nói đến mức độ xanh hóa một nền kinh tế, nhưng nay người ta hàm ý phát triển xanh trong mục tiêu phát triển bền vững.

Trên thực tế, phát triển xanh ở quy mô vùng địa lý ở Việt Nam có ý nghĩa rất lớn. Bên cạnh câu chuyện nguồn nước, liệu vấn đề khai thác cát sông vô tội vạ ở ĐBSCL sẽ gây ảnh hưởng lâu dài tới đâu? Liệu người dân dải đất hẹp miền Trung có khỏi lo lắng khi chưa có một giải pháp xanh hóa thủy điện một cách căn cơ? Liệu những nhà đầu tư có dám bỏ vốn để khai thác năng lượng tái tạo nhằm hạn chế khí thải khi mà ngành điện không có một giải pháp kỹ thuật hòa mạng cho những nguồn điện sạch? Và, liệu những thành phố lớn cho đến những đô thị mới mở có thể thoát khỏi bóng ma rác thải khi không có những sáng kiến “nghĩ khác đi” để giải quyết vấn đề, thay cho việc cứ lần mò đối phó trên những lối mòn cũ?

Trên thực tế, phát triển xanh không chỉ đòi hỏi sự thông minh, khả năng tính toán mà còn là óc sáng tạo và sự quả cảm. Phương châm là chuyển đổi tư duy, phương pháp luận và cách tiếp cận thực tế từ bị động ứng phó các thách thức sang kết hợp một cách hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa ứng phó với chuyển đổi phát triển kinh tế xanh, để không có sự đảo lộn gây hiệu ứng sốc.

Quốc gia nào cũng đều trải qua những vấn đề thách thức nan giải trong quá trình phát triển. Một số nước, như Israel, Anh Quốc và Đan Mạch – nước đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh P4G lần thứ nhất vào năm 2018 – đã vượt qua các thách thức đó bằng những giải pháp và tiến tới xuất khẩu công nghệ xanh đi kèm theo hàng loạt việc làm xanh. P4G 2021 cung cấp những kinh nghiệm, những giải pháp và cả những đối tác để đẩy nhanh tiến trình phát triển xanh ở từng quốc gia nhưng vấn đề là liệu chúng ta có chịu “nghĩ khác đi” để tận dụng những điều này cho đất nước mình không. 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới