Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

“Trước hết, hãy viết thật hay”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

“Trước hết, hãy viết thật hay”

Nguyễn Hòa

Nhà avưn Nga đang trò chuyện cùng một số nhà văn, nhà thơ VN tối 8-1 tại đêm thơ Tuần Châu, Quảng Ninh, nhân hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

(TBKTSG) – Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam đã kết thúc, và lời cảm ơn không mang dấu ấn khách sáo của những đại biểu đến từ Ấn Độ, Hoa Kỳ, Trung Hoa, Thụy Điển, Rumani trong buổi bế mạc như đã gieo vào người tham dự và cả những ai quan tâm tới việc giới thiệu, quảng bá văn học Việt Nam, một niềm hy vọng.

Hy vọng ấy, với người này có thể là nhỏ nhoi, với người khác có thể là lớn lao, nhưng dù thế nào thì vẫn đã có một điều gì đó để có thể tin vào kết quả ở tương lai.

Cũng như nhiều bạn bè cùng thế hệ, phải nói rằng khi lớn lên, “món ăn tinh thần” phổ biến nhất đối với chúng tôi là văn học, nhất là văn học dịch. Qua tác phẩm văn học dịch, chúng tôi hiểu biết thêm về thế giới, về các nền văn hóa, về lịch sử, đặc biệt về số phận của con người ở nhiều miền đất khác nhau trong những hoàn cảnh lịch sử – xã hội khác nhau…

Cái sự “hiểu biết thêm” ấy được gửi gắm vào một số dịch giả, nhiều khi biết tác phẩm do dịch giả mình tin cậy dịch là tìm mua, mua không được thì tìm mượn. Sự tin cậy ấy có được trước hết là ở dịch giả, bởi họ là người có khả năng phát hiện và dịch tác phẩm trên nền tảng một “phông” văn hóa rất đáng kính trọng. Nói cách khác, dịch giả đã vừa tìm hiểu kỹ lưỡng về tác giả, vừa “nhập thân” vào nền văn hóa đã khai sinh ra tác phẩm, từ đó làm cho tác phẩm văn học dịch có thể tồn tại như một “sinh thể” trong một môi trường văn hóa khác.

Hẳn là điều này cũng có ý nghĩa trong chiều ngược lại, khi dịch một (các) tác phẩm văn học Việt Nam ra một ngôn ngữ nước ngoài. Cho nên thiết nghĩ, giới thiệu văn học với dịch giả nước ngoài là điều cần làm, nhưng cần thiết hơn là phải làm thế nào để dịch giả nước ngoài từ yêu quý văn học Việt Nam mà tự ý thức về việc giới thiệu và dịch.

Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể, ngay cả việc có tác phẩm được dịch ở nước ngoài cũng chưa phải là điều gì thú vị, nếu vớ phải một nhà xuất bản như L’aube – nơi đã dịch, in hai tác phẩm của Chu Lai, một cuốn phải có sự can thiệp của Đại sứ quán Pháp ở Việt Nam thì tác giả mới được lĩnh nhuận bút, một cuốn sau ba năm “tiền tạm ứng không mà tiền tác quyền cơ bản cũng không mặc dù tôi (nhà văn Chu Lai) cũng đã có ba, bốn lần gửi thư mong họ cho biết cụ thể với tất cả sự thiện chí, ôn hòa và nhẫn nại”.

Cũng theo nhà văn Chu Lai thì: “Một số tác giả Việt Nam khác cũng đang rất phẫn nộ vì cũng bị rơi vào trường hợp như tôi, như Nguyễn Khắc Trường với Mảnh đất lắm người nhiều ma, Nguyễn Quang Thiều với Cô gái bên sông và Người đàn bà bán bún… Trong trường hợp của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, người đại diện nhà xuất bản này viết thư và ghi số tiền nợ ông một cách cụ thể. Nhưng sau đó, họ đổi hộp thư và trốn vào im lặng” (Thư buồn của nhà văn Chu Lai gửi một nhà xuất bản Pháp – Tuanvietnam.net, 30-11-2009).

Còn việc giới thiệu tác phẩm văn học để dịch ở nước ngoài thì sao? Xin kể lại chuyện này, xin phép không nêu rõ danh tính vì sự tế nhị và cũng hy vọng đây là trường hợp hãn hữu. Chẳng là cách đây mấy năm, một dịch giả từng dịch một số tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng X đưa tôi xem danh sách “10 truyện ngắn tiêu biểu của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới”. Tôi đọc danh sách và bị bất ngờ, bởi trong đó có tác phẩm thì tôi chưa biết, có tác giả lại không sáng tác “trong thời kỳ đổi mới” và truyện cũng không mấy xuất sắc. Tôi nói điều đó cho dịch giả biết, anh rất ngạc nhiên, nhưng kế hoạch thông qua rồi, không thể thay đổi.

Về sau tôi mới rõ, người giới thiệu là một người làm ngôn ngữ học, anh sang nước X và gặp dịch giả kia. Khi được đề nghị giới thiệu “10 truyện ngắn tiêu biểu của Việt Nam trong thời kỳ đổi mới” anh liền nhận lời. Về nước, anh chỉ kiếm mấy tuyển tập truyện ngắn, chọn phứa lấy 10 truyện để giới thiệu, thế là xong!

Vì quan tâm tới văn học dịch, nên tìm hiểu tính mục đích rồi theo dõi hoạt động của Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam vừa qua, tôi nghĩ đây là vấn đề rất nghiêm túc, và chắc chắn mọi người Việt Nam yêu quý đất nước mình sẽ thấy tự hào nếu thấy bạn bè quốc tế có sự hiểu biết về văn học Việt Nam, dù chỉ với một hai tác phẩm, một hai tác giả. Và như thế, có thể coi hội nghị là tiền đề mở ra một giai đoạn mới của việc giới thiệu văn học Việt Nam.

Tất nhiên, để làm việc đó, cũng cần nhận thức được thực tế là dù dịch giả yêu quý văn học của chúng ta đến đâu và dịch hay đến thế nào thì họ vẫn phụ thuộc trong in ấn, phát hành. Và nhà xuất bản ở nước ngoài cũng cân nhắc cẩn trọng trước khi chọn dịch, in và phát hành một tác phẩm. Dẫu sao thì yếu tố kinh tế vẫn có vai trò không kém phần quan trọng trong việc giới thiệu, quảng bá văn học. Hơn thế nữa, như hàm nghĩa của câu thành ngữ “hữu xạ tự nhiên hương”, chính bản thân văn học của chúng ta cũng phải sản sinh ra những tác phẩm đủ sức cuốn hút, như dịch giả Anna Gustafsson đến từ Thụy Điển đã phát biểu tại hội nghị rằng: “Điều tôi muốn nói với các bạn là, để quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, thì trước hết, các bạn hãy viết thật hay”, và tôi đồng tình với ý kiến này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới