Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trước và sau 17.000 tỉ đồng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trước và sau 17.000 tỉ đồng

(TBKTSG) – “Chỗ nào có hỗ trợ vật chất thì có tác động về đạo đức. Nếu phát hiện sai phạm trong cho vay hỗ trợ lãi suất từ phía các tổ chức tín dụng, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm khắc. Nhưng doanh nghiệp cũng phải thể hiện rõ rằng ‘chúng tôi đang thụ hưởng chính sách, chúng tôi không xin’. Không có gì mập mờ mà phải xin cả”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Nguyễn Văn Giàu, nhấn mạnh trong cuộc gặp gỡ với hơn 100 hội viên Hội Doanh nghiệp trẻ TPHCM sáng Chủ nhật 22-3-2009.

Ông nói thêm chính sách hỗ trợ lãi suất trên diện rộng là chưa từng có tiền lệ vì thế vừa làm vừa điều chỉnh. NHNN đã khảo sát thực tế tại 16 ngân hàng, chưa phát hiện vướng mắc gì lớn về mặt kỹ thuật. Nếu có vướng sẽ bổ sung.

Thế nhưng cái vướng lớn nhất lại không mang tính kỹ thuật: đa số vốn hỗ trợ lãi suất đã đến tay doanh nghiệp nhà nước, trong khi đến tay doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) là phần ít nhất. Lý do là DNNVV tài sản tích tụ còn thấp, một số lớn chưa đáp ứng đủ điều kiện vay vốn ngân hàng. Mà muốn với tay đến nguồn vốn kích cầu, trước hết phải đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng bình thường đã. Cái cửa vay vốn bình thường chưa qua, làm sao đến được cửa hỗ trợ lãi suất?

Chính phủ giao cho Bộ Tài chính tháo gỡ khâu này và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (BDV) vào cuộc. BDV trở thành cái phao cứu trợ khi ký hợp đồng với các ngân hàng thương mại, bảo lãnh để họ cho DNNVV vay vốn kích cầu. Tuy nhiên, cái phao đó đi vào cuộc sống chậm chạp. Các địa phương, thông qua quỹ bảo lãnh DNNVV cũng tham gia, song nguồn vốn các quỹ thấp, khoảng 50 tỉ đồng/quỹ, có bảo lãnh cũng không thấm vào đâu so với nhu cầu.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN, thừa nhận “khoản vay bảo lãnh từ địa phương chưa được nhiều. Bộ Tài chính đang xem xét để điều chỉnh, hỗ trợ cho doanh nghiệp yếu thế trên thị trường”. Ông giải thích: “Cái vướng ở đây là có sự khác nhau giữa ngân hàng thương mại và BDV. BDV xem xét để bảo lãnh, còn tổ chức tín dụng xem xét để cho vay. Sự xem xét đó khác nhau”.

TPHCM, theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư, có 93.500 DNNVV. Bao nhiêu trong số này đã được vay vốn kích cầu? Chưa có cơ quan quản lý nhà nước nào thống kê làm rõ. Tương tự, trên phạm vi cả nước, bao nhiêu phần trăm DNNVV đã được hỗ trợ lãi suất?

Trong khi đó vốn kích cầu “bơm” vào DNNN đã khá nhiều thông qua các ngân hàng quốc doanh. Tín hiệu đáng mừng của tuần qua là giải ngân hỗ trợ lãi suất của ngân hàng quốc doanh đã chậm lại một cách đột ngột. Trong tuần từ 13 đến 20-3-2009 các ngân hàng quốc doanh chỉ giải ngân kích cầu 1.122 tỉ đồng, tăng 0,98% so với tuần trước đó, thấp hơn đáng kể so với mức tăng của khối ngân hàng cổ phần là 18,2% và ngân hàng nước ngoài + liên doanh là 53,59%. Sự chậm lại đột ngột phải chăng xuất phát từ sự điều chỉnh của NHNN, hay các khách hàng của khối ngân hàng quốc doanh đã không còn nhu cầu vay vốn hỗ trợ lãi suất?

Nhìn từ chính sách kích cầu, giới doanh nghiệp đã bắt đầu đề cập đến một câu hỏi phức tạp hơn: điều gì tiếp theo sau 17.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất của Chính phủ? Gần 152.000 tỉ đồng hỗ trợ lãi suất đã giải ngân chắc chắn sẽ có tác động tích cực ít nhiều đến việc giảm lượng hàng tồn kho, giảm giá thành sản phẩm trong ngắn hạn của doanh nghiệp. Một khi hàng tồn kho đã “giải phóng” rồi, nợ lãi suất cao đã bớt rồi, doanh nghiệp sẽ tính đến bước tiếp theo là đầu tư, phát triển lâu dài. Nguồn vốn nào cho bước tiếp theo đó để không tạo ra sự hụt hẫng giữa một bờ sông là hàng tồn kho đã được tiêu thụ với giá thấp và bờ bên kia là quay lại đà tăng trưởng cao dần của nền kinh tế?  

Doanh nghiệp và người dân đang có ý chờ 100.000 tỉ đồng gói kích cầu thứ hai mà Chính phủ đã từng nói đến. Đó là con số quá lớn. Nhưng có một con số nhỏ hơn và hiện thực hơn: ngân sách nhà nước còn 20.000 tỉ đồng đáng lẽ phải chi cho đầu tư phát triển theo kế hoạch năm 2008 nhưng chưa chi hết. Bây giờ là thời điểm thích hợp để sử dụng khoản chi 20.000 tỉ đồng còn lại đó. Sử dụng như thế nào, dưới hình thức nào nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất là vấn đề của kinh tế vĩ mô.

Kích cầu để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay sẽ không thể chỉ kéo dài trong tám tháng bằng gói hỗ trợ lãi suất. Khi suy giảm kinh tế được ngăn chặn, cần một lực mạnh hơn để đẩy nó vượt ngưỡng kháng cự đi lên. Một trong những kênh để huy động nguồn lực kích cầu là trái phiếu chính phủ. Đấy là một trong những vấn đề cụ thể và chi tiết đầu tiên cần được tháo gỡ sớm. Phát hành trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ đã và đang đi theo hướng chuẩn bị này!

HẢI LÝ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới