Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Trường tư phi lợi nhuận – có được thừa nhận?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Trường tư phi lợi nhuận – có được thừa nhận?

Phạm Thị Ly

Trường tư phi lợi nhuận - có được thừa nhận?
Sinh viên một trường đại học đang thực hành trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Thanh Tao.

(TBKTSG) – Không thừa nhận trường tư phi lợi nhuận là đẩy toàn bộ giáo dục ngoài công lập vào khu vực thị trường, mà hậu quả tất yếu sẽ là thương mại hóa giáo dục. Điều này có thể gây tổn hại cho tính chính trực cần có của hoạt động học thuật và làm suy giảm chất lượng đào tạo.

Hiện nay, ngân sách nhà nước không thể tiếp tục bao cấp cho giáo dục đại học. Sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này buộc phải dựa vào khu vực tư nhân nhiều hơn. Dự thảo Chiến lược Phát triển giáo dục 2010-2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) có nêu: dự kiến đến năm 2020, 40% tổng số sinh viên đại học và cao đẳng sẽ học tại trường tư. Điều này cho thấy về mặt chủ trương, Nhà nước đã khẳng định vai trò đóng góp quan trọng và ngày càng tăng của thành phần tư nhân trong giáo dục sau trung học. Tuy nhiên, thực trạng thương mại hóa các trường tư hiện nay đang đặt ra những mối lo ngại cho công chúng.

Trường tư vì lợi nhuận và trường tư phi lợi nhuận

Vấn đề tạo ra một hành lang pháp lý thích hợp để phát triển trường đại học tư đã được đặt ra từ lâu nhưng chưa được giải quyết, một phần là do thiếu niềm tin về khả năng có thể xây dựng được các trường tư thực sự phi lợi nhuận ở Việt Nam.

Mục đích của việc phân biệt trường tư vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận là nhằm thiết kế những chính sách phù hợp tiếp theo, như ưu đãi về thuế, về đất đai, để khuyến khích phát triển các trường phi lợi nhuận vì chúng đang phục vụ lợi ích công. 

Tuy nhiên, hiện nay trong các văn bản pháp lý đang có sự mâu thuẫn về việc phân định mục tiêu lợi nhuận và phi lợi nhuận. Điều 20 Luật Giáo dục 2005 nêu rõ “Cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi”, nhưng điều 3, 9, 10, 11 Quy chế Tổ chức và Hoạt động trường đại học tư thục ban hành ngày 1-4-2009 lại quy định tổ chức, nhân sự, phương thức điều hành trường tư giống hệt như một doanh nghiệp, dựa trên nguyên tắc đối vốn: người có vốn góp lớn hơn thì có quyền nhiều hơn. Vì vậy, hiện nay phần lớn các trường tư hành xử cũng hệt như một doanh nghiệp.

Trong những người sở hữu và điều hành các trường tư hiện nay, có thể cũng có người tâm huyết muốn xây dựng sự nghiệp giáo dục vì những mục tiêu tốt đẹp, nhưng khung pháp lý hiện nay không cho phép họ huy động được nguồn lực để thực hiện mục tiêu ấy. Trái lại những người kinh doanh giáo dục thì đang được hưởng lợi từ những ưu đãi hiện nay (thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, thay vì 25% như những doanh nghiệp thuộc ngành nghề khác; được ưu đãi về vay vốn hay cấp đất). Sự hưởng lợi này là không công bằng, vì nó không mang lại lợi ích cho người học hay cho xã hội, mà là siêu lợi nhuận cho những người chủ sở hữu trường.

Cần có tiêu chí phân biệt

Thực tiễn nêu trên cho thấy cần phải có tiêu chí để phân biệt hai loại trường tư, vì lợi nhuận và phi lợi nhuận. Đó là:

– Trường tư vì lợi nhuận thuộc sở hữu tư nhân, cổ phần có thể chuyển nhượng hay thừa kế, và được chia cổ tức.

– Trường tư không vì lợi nhuận không thuộc sở hữu tư nhân, cũng không thuộc sở hữu tập thể (theo nghĩa là của một nhóm người) mà thuộc sở hữu cộng đồng. Vì vậy, trường này sẽ không chia cổ tức, mà dùng toàn bộ lợi nhuận để tái đầu tư cho phát triển nhà trường.

Đặc điểm phân biệt này vô cùng quan trọng bởi vì trong quá trình hoạt động, trường tư phi lợi nhuận có thể phát triển rất lớn, tích lũy những tài sản khổng lồ. Nếu công nhận sở hữu tư nhân đối với loại trường này sẽ đồng nghĩa với việc tạo điều kiện để những ưu đãi từ nguồn lực công biến thành tài sản tư nhân.

Về bản chất, trường tư phi lợi nhuận không thuộc sở hữu cá nhân, do đó sẽ không hợp lý nếu gọi đó là trường tư. Nên chăng có thể gọi đó là trường dân lập, nhưng không phải kiểu trường dân lập theo nghĩa trước đây (do một tổ chức nhà nước hay xã hội đứng ra thành lập và bảo trợ về mặt pháp lý). Trường dân lập này có thể do một người hay một nhóm người sáng lập, góp vốn đầu tư ban đầu nhưng không sở hữu và tự nguyện hiến tặng, cộng với sự cam kết cấp đất của Nhà nước. Kinh phí hoạt động dựa vào các nguồn thu hợp pháp của nhà trường. Nhân sự và lãnh đạo do hội đồng trường quyết định và bộ phê duyệt. 

Việc quản lý, điều hành các trường dân lập

Trường dân lập sẽ không thể phát triển được nếu không có một hành lang pháp lý thích hợp cho nó. Đó là chính sách ưu đãi về đất đai và về thuế. Nếu mọi khoản hiến tặng cho trường dân lập đều được miễn thuế, sẽ có nhiều doanh nhân sẵn lòng hiến tặng nguồn lực cho nhà trường, vì đó là cách đóng góp cho cộng đồng và sự vinh danh của nhà trường cũng là một cách xây dựng hình ảnh của cá nhân hay doanh nghiệp. Tài sản của các trường tư nổi tiếng lâu đời như Harvard phần lớn dựa vào nguồn hiến tặng của những doanh nhân, cựu sinh viên, và những người để lại di sản cho nhà trường sau khi qua đời.

Tuy nhiên cũng có không ít mối lo ngại trong việc xây dựng hành lang pháp lý cho trường dân lập hoạt động, chẳng hạn như những ưu đãi này có thể bị lợi dụng. Tuy nhiên, điều này có thể giải quyết bằng hai phương tiện: kiểm toán và xác lập sở hữu cộng đồng.

Kiểm toán độc lập nếu phát hiện hoạt động của nhà trường có tính chất vì lợi nhuận thì trường ấy sẽ mất ưu đãi và được đối xử như các trường vì lợi nhuận khác. Xác lập sở hữu cộng đồng là cách triệt để nhất để bảo đảm các trường ấy thực sự không vì lợi nhuận. Một khi tài sản tạo ra trong quá trình hoạt động không thể chia, không thể bán, không thể thừa kế thì tất yếu phải tái đầu tư cho nhà trường.

Một lo ngại khác là nếu đầu tư mà không mang lại lợi nhuận thì sẽ không ai bỏ tiền để đầu tư. Như vậy sẽ không huy động được nguồn lực để xã hội hóa giáo dục. Xét về lý thuyết, mối lo ngại ấy là thừa. Trường dân lập không hề loại trừ những trường vì lợi nhuận. Những người muốn đầu tư vào giáo dục như một hoạt động dịch vụ để tìm lợi nhuận (cần khẳng định hoạt động này là chính đáng) thì sẽ đăng ký hoạt động theo quy chế vì lợi nhuận.

Về mặt quản lý, điều hành, trường dân lập được lãnh đạo bằng một hội đồng trường mà thành phần bao gồm nhiều bên có lợi ích liên quan để bảo đảm cho nhà trường thực hiện đúng sứ mạng của mình. Thông lệ ở các trường đại học phương Tây, việc điều hành được tách ra khỏi việc lãnh đạo. Hội đồng trường chỉ làm công việc lãnh đạo, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của họ là bổ nhiệm và miễn nhiệm hiệu trưởng, cũng như chuẩn thuận các báo cáo và chủ trương lớn trong việc phát triển nhà trường. Hội đồng trường (Board of Trustees) là một cơ cấu đại diện, trong đó các thành viên đều là đại diện của một bên liên quan, chẳng hạn phụ huynh, sinh viên, các tổ chức nghề nghiệp hoặc doanh nghiệp trong lĩnh vực liên quan. Họ nhận sự ủy thác niềm tin của công chúng để hành động nhằm bảo vệ lợi ích của công chúng và xã hội.

Một loạt câu hỏi có thể được đặt ra ở đây: vậy hội đồng trường sẽ chịu trách nhiệm như thế nào và với ai về những hoạt động của trường dân lập? Liệu họ có đủ khả năng đưa ra những quyết định lãnh đạo xác đáng khi mà đa số không chuyên về quản trị đại học và không trực tiếp tham gia việc điều hành hàng ngày của nhà trường? Nếu đưa ra những quyết định sai lầm, thì họ sẽ chịu trách nhiệm như thế nào?


Đó là những câu hỏi không dễ trả lời. Tuy vậy, một lần nữa cần nhấn mạnh, hội đồng trường chỉ đóng vai trò lãnh đạo chứ không thực hiện hay can thiệp việc điều hành hoạt động của nhà trường. Ngoài trách nhiệm pháp lý đối với mọi hoạt động của họ với tư cách một cá nhân, họ chịu trách nhiệm trước cộng đồng xã hội mà họ là đại diện. Trong các xã hội dân sự phát triển, những liên kết giữa cá nhân và cộng đồng dựa trên trách nhiệm và uy tín có một ý nghĩa to lớn. Vấn đề là, khi chưa có xã hội dân sự, thì những thiết chế như vậy không tránh khỏi độ chênh với thực tiễn và cần có bước đệm dựa trên những điều chỉnh thích hợp.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới