(KTSG Online) – Hoạt động livestream, mua bán hàng hóa của cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội cũng có nhiều khó khăn vì pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc quản lý thuế. Cá nhân kinh doanh dùng nhiều tài khoản nên việc kê khai thuế không chính xác và khó kiểm soát.
- Giải pháp ‘gỡ vướng’ trong việc thu thuế hoạt động livestream bán hàng
- Những loại thuế mà người livestream bán hàng phải nộp
Từ đầu năm 2024 đến nay, thu thuế từ thương mại điện tử là 1,98 triệu tỉ đồng, số thuế đã nộp gần 55.000 tỉ đồng. Hiện có 103 nhà cung cấp nước ngoài kê khai và nộp thuế tại Việt Nam.
Trong thời gian qua, cơ quan thuế đã kiểm tra đối với người nộp thuế có hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, livestream bán hàng online. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan thuế đã xử lý vi phạm 4.560 người nộp thuế (gồm 1.274 doanh nghiệp, 3.286 cá nhân), với số thuế xử lý truy thu và phạt là 297 tỉ đồng, theo TTXVN.
Tuy nhiên, việc thu thuế hoạt động livestream, mua bán hàng hóa trên mạng xã hội còn gặp khó khăn vì pháp luật chưa có quy định cụ thể về việc quản lý thuế đối với các cá nhân này. Một số nền tảng mạng xã hội vẫn chưa thiết lập hiện diện thương mại tại Việt Nam, dẫn đến khó khăn trong việc cung cấp thông tin.
Các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng thường tìm cách né thuế, dùng nhiều tài khoản khác nhau để kinh doanh, dẫn đến việc kê khai thuế không đủ và khó kiểm soát được. Một số mạng xã hội nước ngoài không có pháp nhân ở Việt Nam gây khó khăn trong việc thu thuế.
Dù cơ quan thuế có thể truy cập thông tin trên các nền tảng mạng xã hội và yêu cầu người livestream cung cấp sao kê ngân hàng, thông tin sử dụng dịch vụ của đơn vị vận chuyển để yêu cầu cá nhân livestream nộp thuế nhưng rất khó để xác định được đâu là giao dịch chuyển từ hoạt động kinh doanh, đâu là giao dịch dân sự bình thường.
Bộ Tài chính ước tính tổng doanh thu thương mại điện tử của Việt Nam hiện đạt khoảng 20,5 tỉ đô la Mỹ và sẽ đạt 30,5 tỉ đô la vào năm 2025. Kết quả thu thuế từ kinh doanh thương mại điện tử năm 2022 là 83.000 tỉ đồng, năm 2023 là 97.000 tỉ đồng.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới trong năm 2023 theo số liệu của Statista. Có khoảng 61 triệu người dân tham gia mua sắm qua thương mại điện tử, giá trị mua sắm trung bình đạt 300 đô la/người/năm.
Theo thống kê của nền tảng số liệu thương mại điện tử Metric, trong quí 2-2024, ước tổng doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam gồm Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktokshop đạt khoảng 85.000 tỉ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2023.