Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo quy định có hiệu lực từ 16-10

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo quy định có hiệu lực từ 16-10

Hoàng Nhung

(TBKTSG Online) – Ngày 16-10, Thông tư số 25/2019/TT-BYT quy định việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế sẽ có hiệu lực. Thông tư nhằm đảm bảo cơ sở cho niềm tin và bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Giải pháp là hệ thống minh bạch thông tin về quá trình hàng hóa từ lúc sản xuất cho đến khi tới tay người tiêu thụ.

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo quy định có hiệu lực từ 16-10
Người tiêu dùng có thể dùng điện thoại thông minh để truy xuất nguồn thực phẩm. Ảnh Internet

Thông tư này quy định, việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm được thực hiện theo nguyên tắc một bước trước – một bước sau, bảo đảm theo dõi và nhận diện được công đoạn sản xuất trước và công đoạn sản xuất sau trong cơ sở sản xuất; cơ sở sản xuất, kinh doanh trước và cơ sở sản xuất, kinh doanh sau đã sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm.

Theo Cục An toàn thực phẩm, khi các sản phẩm thực phẩm được bày bán trong siêu thị đều công bố đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, HACCP… thì việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang dần trở thành xu thế tất yếu và là yêu cầu bắt buộc, cho phép người tiêu dùng có đầy đủ thông tin ngược dòng, từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối. Xu hướng hiện nay là sử dụng công nghệ thông tin và các thiết bị điện tử để giúp cho việc cập nhật thông tin, quản lý dữ liệu và truy xuất nguồn gốc sản phẩm được thuận lợi.

Mỗi sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu sẽ được dán những con tem truy xuất nguồn gốc điện tử. Người tiêu dùng, chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh (smartphone) chụp lại mã vạch ma trận (QR code) trên bao bì sản phẩm là có thể biết được mọi thông tin về sản phẩm mình đang chuẩn bị mua trên các con tem truy xuất, sẽ có đường dẫn (link) đến báo cáo truy xuất của lô hàng đó.

Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm được thực hiện theo lô sản xuất đối với sản phẩm thực phẩm cần truy xuất. Khi thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn, cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm sử dụng thông tin được trích xuất từ hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm do cơ sở thiết lập theo quy định tại các Điều 4 và Điều 5 của Thông tư này và các nguồn thông tin khác có liên quan.

Theo đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm phải lập hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm, lưu giữ đầy đủ thông tin về lô sản phẩm, nguồn gốc, xuất xứ, an toàn sản phẩm, nguyên liệu, quy trình sản xuất, chế biến, bảo quản và kinh doanh tối thiểu là 12 tháng kể từ ngày hết hạn sử dụng của lô sản phẩm, 24 tháng kể từ ngày sản xuất lô sản phẩm đối với dụng cụ, vật liệu chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm và sản phẩm thực phẩm không yêu cầu bắt buộc ghi hạn sử dụng.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo quy định và báo cáo bằng văn bản kết quả thực hiện về cơ quan có thẩm quyền tối đa 5 ngày làm việc kể từ khi tự phát hiện hoặc nhận được thông tin cảnh báo của tổ chức, cá nhân hoặc yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; Phân tích, xác định nguyên nhân gây mất an toàn đối với lô sản phẩm phải truy xuất. Trường hợp sản phẩm không đảm bảo an toàn phải thu hồi và xử lý…

Tại TPHCM, từ năm 2011, được sự hỗ trợ của Chương trình Hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu (GCF – Global Competitiveness Facility) của Chính phủ Đan Mạch, các nhà nghiên cứu của Công ty cổ phần Khoa học và Công nghệ Sắc ký Hải Đăng đã xây dựng Dự án truy xuất nguồn gốc điện tử (TraceVerified). Năm 2016 thành lập doanh nghiệp Công ty cổ phần Giải pháp và dịch vụ Truy xuất nguồn gốc (TraceVerified), doanh nghiệp tư vấn giải pháp truy xuất nguồn gốc điện tử cho các chuỗi sản xuất nông sản thực phẩm Việt Nam, hướng tới một thị trường thực phẩm (cả nội địa và xuất khẩu) minh bạch nhờ truy xuất nguồn gốc.

Hiện nay, TraceVerified đã có hệ thống truy xuất điện tử ứng dụng cho các chuỗi tôm, trái cây, rau củ, cá tra và sẽ phát triển ứng dụng sang toàn bộ chuỗi thực phẩm của Việt Nam.

Mời xem thông tư:

Thông tư số 25/2019/TT-BYT

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới