Thứ Sáu, 26/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Truyền hình: Cuộc chạy đua quyết liệt

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Truyền hình: Cuộc chạy đua quyết liệt

Quang cảnh một buổi sản xuất chương trình game show phát trên Đài truyền hình TPHCM – Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Chưa bao giờ ở Việt Nam lại nở rộ nhiều kênh truyền hình như hiện nay. Đằng sau thị trường đầy sôi động này là một cuộc cạnh tranh ráo riết đang diễn ra giữa các nhà đài và doanh nghiệp.

>> Khuyến khích liên kết sản xuất chương trình truyền hình

Thị trường bùng nổ

Một trong những bước ngoặt đáng chú ý trên con đường phát triển của thị trường truyền hình tại Việt Nam là sự xuất hiện và áp dụng kỹ thuật truyền hình bằng hệ thống cáp CATV.

Dịch vụ truyền hình cáp CATV lần đầu tiên được đầu tư, khai thác vào năm 1992 bởi Công ty truyền hình cáp Saigon Tourist (SCTV), một đơn vị liên doanh giữa Saigontourist và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV). Đây cũng là lần đầu tiên hàng loạt kênh truyền hình nước ngoài thông qua dịch vụ của SCTV bắt đầu “đổ bộ” vào Việt Nam một cách chính thức và trên diện rộng.

Mặc dù truyền hình cáp đưa lại nhiều lợi thế như độ nét cao, ít bị nhiễu sóng và đặc biệt thu được nhiều kênh hơn nhưng phải mất khá nhiều năm sau đông đảo người xem mới chấp nhận. Lý do đơn giản là vì họ phải trả tiền cho dịch vụ CATV trong khi trước nay được xem truyền hình miễn phí.

Ông Nguyễn Tấn Khoa, Phó phòng Kế hoạch và Đầu tư SCTV, cho biết đến nay đơn vị này đã thu hút được khoảng 300.000 thuê bao. Như vậy, với mức thu 66.000-88.000 đồng/thuê bao/tháng chỉ tính riêng phí thuê bao mỗi tháng SCTV đã thu về từ 20-26 tỉ đồng (chưa kể phí lắp đặt, tiền quảng cáo…). Một con số hấp dẫn!

CATV đã châm ngòi cho sự bùng nổ trên thị trường truyền hình, nhất là kể từ khi Chính phủ cho phép áp dụng cơ chế tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp có thu trong lĩnh vực văn hóa, y tế, thể thao… cách đây ba năm.

Các nhà đài trên cả nước hoặc tự mình hoặc liên kết với các doanh nghiệp bên ngoài ồ ạt đầu tư vào dịch vụ CATV. Đài Truyền hình TPHCM (HTV) thì có Trung tâm Truyền hình cáp TP (HTVC); VTV thì ngoài việc liên doanh với Saigon Tourist còn lập ra Trung tâm Kỹ thuật cáp Việt Nam (VCTV) và hầu như nhà đài nào cũng có một trung tâm dịch vụ truyền hình cáp bên cạnh.

Cuộc cạnh tranh không chỉ dừng giữa các đơn vị trong việc cung cấp dịch vụ CATV mà còn kéo theo một cuộc chạy đua quyết liệt với nhiều lực lượng khác. Điển hình như tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) đầu tư 200 triệu đô la vào vệ tinh Vinasat-1 và thông qua VTC bành trướng vào lĩnh vực truyền hình bằng việc khai thác dịch vụ truyền hình kỹ thuật số mặt đất và vệ tinh. VTC cũng vừa tuyên bố chính thức đưa lên sóng tám kênh truyền hình độ nét cao nhất (full HD) qua vệ tinh.

Ngoài ra, còn phải kể đến hàng loạt hình thức đầu tư khác như truyền hình trên điện thoại di động, truyền hình trên Internet (điển hình là một số tổ chức báo chí, truyền thông)…

Một trong những nguồn thu trên các kênh truyền hình được các nhà đầu tư triệt để khai thác chính là quảng cáo. Từ đây, hình thành một thị trường “mua”, “bán” hay nói một cách dễ lọt tai hơn là “xã hội hóa” kênh truyền hình, chủ yếu đối với các kênh chuyên về giải trí như phim, âm nhạc, thời trang, mua sắm, du lịch… nhằm thu hút quảng cáo.

Một trong những nguồn thu trên các kênh truyền hình được các nhà đầu tư triệt để khai thác chính là quảng cáo. Từ đây, hình thành một thị trường “mua”, “bán” hay nói một cách dễ lọt tai hơn là “xã hội hóa” kênh truyền hình, chủ yếu đối với các kênh chuyên về giải trí như phim, âm nhạc, thời trang, mua sắm, du lịch… nhằm thu hút quảng cáo.

Theo tính toán, đến thời điểm hiện nay có ít nhất trên 100 kênh truyền hình, cả trong và ngoài nước, đang có mặt tại Việt Nam. Thị trường này hoạt động dưới hình thức liên kết tay ba: nhà đài (bên “bán” kênh nhưng về mặt pháp lý vẫn phải chịu trách nhiệm về nội dung) – đơn vị tham gia sản xuất chương trình (bên “mua” sóng, chủ yếu là các công ty quảng cáo, truyền thông) – đơn vị cho thuê đường truyền.

Tham gia vào công đoạn sản xuất chương trình truyền hình, hàng loạt công ty với nhiều thành phần ra đời như Công ty truyền thông Đại Dương; Smedia, PV Media (thuộc tập đoàn Dầu khí Việt Nam), Green Media (có vốn của tập đoàn Than và Khoáng sản), VIT Media (thuộc tập đoàn VIT), FPT Media (thuộc tập đoàn FPT), Công ty VEC, Cát Tiên Sa, Lasta, BHD, Kiết Tường…

Với việc tài trợ cho game show “Đối mặt” phát trên VTV3 vào tháng 10-2007, Công ty Viễn thông Điện lực (EVN Telecom) cũng không giấu giếm tham vọng bành trướng vào lĩnh vực truyền hình, truyền thông. Vào tháng 5 năm rồi, Quỹ Đầu tư DFJ VinaCapital L.P. (DFJV) cũng tuyên bố đã ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư với Yeah1 để phát triển các sản phẩm và dịch vụ giải trí dành riêng cho thanh thiếu niên, trong đó có kênh truyền hình Yeah1…

Hấp dẫn nhờ quảng cáo

Việc kết hợp tay ba với nhiều lợi ích đan xen trong đó có nguồn thu quảng cáo đã làm cho cuộc đua “mua” sóng truyền hình càng trở nên khốc liệt. Lãnh đạo một hãng truyền thông tiết lộ kể từ ngày 1-11-2008, họ đã có cơ hội sở hữu 60% thời lượng sản xuất chương trình phát sóng và gần như có toàn quyền kêu gọi quảng cáo trên kênh VCTV12, là kênh truyền hình cáp tiếng Việt thứ 11 (chuyên về lối sống) của VTV. Đổi lại, đối tác này mang về cho VTV khoảng 6 tỉ đồng/năm.

Trước đó, các kênh Info TV (chuyên về kinh tế – tài chính – chứng khoán) hay Shopping TV (chuyên về mua sắm), O2 TV (chuyên về sức khỏe) đã “xã hội hóa” từng phần hoặc toàn bộ kênh cho các công ty truyền thông, quảng cáo tham dự. Với các kênh truyền hình cáp của VTV, hình thức “xã hội hóa” này mới bắt đầu được vài năm nay nhưng diễn ra khá mạnh, sau khi “người anh em” của nó là VTV3 (thể thao – giải trí và thông tin kinh tế) đã có 13 năm chiếm lĩnh thị trường và chứng tỏ tính hiệu quả về kinh tế không thể chối bỏ được qua hình thức “xã hội hóa” từng chương trình.

Theo báo cáo của một công ty nghiên cứu thị trường nước ngoài có trụ sở tại TPHCM cho một đài truyền hình, ở thời điểm tháng 10-2007, thời điểm mà nền kinh tế đang tăng trưởng ở mức cao nhất trong nhiều năm qua thì tổng doanh thu quảng cáo của các kênh truyền hình trên cả bốn thị trường lớn nhất Việt Nam (TPHCM, Hà Nội, Cần Thơ và Đà Nẵng) đạt hơn 33,8 triệu đô la Mỹ và tốc độ gia tăng mỗi tháng khoảng 2 triệu đô la.

Trong số này, doanh thu quảng cáo trên các kênh của VTV đạt hơn 11,6 triệu đô. Trên các kênh địa phương ở thị trường TPHCM là 14,2 triệu đô, Hà Nội khoảng 2,5 triệu đô, Đà Nẵng là 543.000 đô và Cần Thơ chừng 2,7 triệu đô. Có thể nói, bên cạnh các kênh truyền hình chính thống phục vụ cho mục đích tuyên truyền chính trị thì việc ồ ạt ra đời các kênh truyền hình “xã hội hóa” đã phần nào thỏa mãn nhu cầu quảng cáo của các doanh nghiệp ở một đất nước đang trong quá trình tăng trưởng “nóng”.

Ngoài nguồn thu quảng cáo, một số công ty “mua” kênh còn đặt mục tiêu dài hơi hơn trong việc thông qua sự nắm giữ các kênh truyền hình để khuyếch trương cho thương hiệu của mình. Đây cũng là chiến lược của Công ty Siêu Sao khi liên kết với VTV và SCTV đầu tư vào kênh Yeah1, một thương hiệu với các sản phẩm dành cho thanh thiếu niên như Yeah1.com, khu vui chơi giải trí Yeah1 Teen Zone, tạp chí Yeah1…

Ông Đào Phúc Trí, Giám đốc điều hành công ty này cho biết. Giám đốc một công ty truyền thông khác cũng cho TBKTSG biết lý do tại sao ông đã “mua” một phần và trọn gói hai kênh phát sóng hiện đang khá ăn khách trên truyền hình cáp VCTV: “Ở thời điểm nền kinh tế phát triển, truyền hình là một trong số các công cụ tiếp cận khách hàng nhanh nhất nên chúng tôi không thể bỏ qua”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến dự báo rằng, năm 2009 sẽ là một năm khó khăn của thị trường truyền hình. Chi phí quảng cáo sẽ bị cắt giảm mạnh và không loại trừ một số công ty quảng cáo, truyền thông có khả năng rơi vào phá sản. Cách để vượt qua cơn hiểm nghèo, theo các chuyên gia, là các chương trình truyền hình cần phải được đầu tư chiều sâu và nâng chất lượng lên để hấp dẫn quảng cáo, thay vì ra đời ồ ạt theo kiểu “mì ăn liền” như hiện nay.

“Chúng tôi đã chuẩn bị dự phòng tài chính cho năm 2009 với việc xác định chưa thể huề vốn. Trong giai đoạn này, chúng tôi cố gắng xây dựng thương hiệu bằng cách nâng chất lượng các chương trình của Yeah1 lên; sau đó mới bắt đầu tính đến chuyện khai thác kinh doanh” – ông Đào Phúc Trí nói về kế hoạch đường dài của việc đầu tư vào kênh Yeah1.

NGỌC LAN – NGUYÊN TẤN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới