Thứ Tư, 17/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Truyền hình OTT cần sân chơi công bằng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Truyền hình OTT cần sân chơi công bằng

Chánh Trung

(TBKTSG Online) – Dù chiếm số lượng nhiều hơn trên thị trường nội địa song trên thực tế, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình thu phí trong nước (truyền hình OTT) đang bị các nhà cung ứng nước ngoài (dịch vụ xuyên biên giới) “lấn sân” hoàn toàn. Trong cuộc cạnh tranh đầy gian nan, các nhà cung ứng nội địa cho rằng cần phải có sự thay đổi mạnh mẽ về cơ chế để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dùng và doanh nghiệp trong nước.

Doanh nghiệp nội đang… “lép vế”

Theo đánh giá của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, cơ bản thị trường truyền hình tại Việt Nam hoạt động ổn định. Tuy nhiên, các doanh nghiệp quy mô nhỏ đang gặp nhiều khó khăn, trong thời gian tới, một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ không vượt qua được khó khăn sẽ phải rút lui khỏi thị trường.

Truyền hình OTT cần sân chơi công bằng
Truyền hình OTT đang rất thu hút khán giả nhất là giới trẻ nhưng đang bị cạnh tranh chưa sòng phẳng bởi doanh nghiệp xuyên giới, truyền hình lậu. Ảnh DNCC

Đại diện MobiFone, đơn vị sở hữu ứng dụng truyền hình trả tiền MobiTV, cho rằng các doanh nghiệp truyền hình trong nước hiện đang gặp phải khó khăn rất lớn từ các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới. Doanh nghiệp xuyên biên giới vừa có thế mạnh về công nghệ lại vừa giàu tiềm lực tài chính cũng như nội dung.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hơn cả là các doanh nghiệp xuyên biên giới hiện nay lại phải không tuân thủ các các quy định pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này như giấy phép, đóng thuế, phí và kiểm duyệt nội dung, trong khi các doanh nghiệp trong nước thì chấp hành rất nghiêm chỉnh.

Nếu tình trạng này kéo dài, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ thua trên sân nhà về cả lượng khách thuê bao lẫn về doanh thu. Bên cạnh đó, điều quan trọng là nội dung phải được kiểm soát và quản lý, bởi việc các nền tảng Internet lợi dụng công cụ của mình để cung cấp các nội dung trái thuần phong mỹ tục và vi phạm luật pháp tại Việt Nam không phải là điều hiếm hoi. Điều này là rất nguy hiểm về lâu dài.

VinaPhone, đơn vị sở hữu ứng dụng truyền hình trả tiền MyTV cũng nhận định, việc cạnh tranh với các doanh nghiệp không chính thống tại Việt Nam là một trong những vấn đề “đau đầu” với họ trên nhiều khía cạnh. Thứ nhất, về mặt nội dung, các ứng dụng lậu, vi phạm bản quyền hiện đang có số thuê bao và lượt xem cao hơn các ứng dụng chính thống, do có nguồn phim lậu nhiều, cập nhật nhanh, thậm chí bằng tiến độ phát sóng của tài khoản VIP ở nước ngoài.

Trong khi đó họ không cần phải đầu tư cho bản quyền, nộp thuế cho nhà nước… dẫn tới việc các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc về bản quyền rất khó cạnh tranh và dành ưu thế ngay tại chính “sân nhà” của mình. Thứ hai, về mặt cơ chế và thuế, các ứng dụng xuyên biên giới hiện chưa thực hiện các thủ tục nhập khẩu, kiểm duyệt nội dung, nộp các loại thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp,…) cho Nhà nước. Nên việc kinh doanh tại thị trường Việt Nam về cơ bản có thể nói là có lợi thế và có hiệu quả hơn nhiều so với đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam. Điều này giúp cho các doanh nghiệp nước ngoài sẽ có “sức bền” để đầu tư kho nội dung phong phú hơn, tạo nên sự cạnh tranh bất bình đẳng đối với doanh nghiệp trong nước, đại diện VinaPhone cho hay.

Mới đây nhất vào tháng 9, Hiệp hội Truyền hình thu phí (VNPayTV) đã gửi đơn cầu cứu Thủ tướng nhằm kiểm soát sự phát triển của dịch vụ OTT xuyên biên giới. Theo VNPayTV, dịch vụ truyền hình OTT nói chung thực chất là các video nội dung chương trình truyền hình. Hiện nay hầu như tất cả các đài truyền hình và các đơn vị truyền hình trả tiền, đơn vị viễn thông trong nước đều có ứng dụng truyền hình OTT này và đã được sự quản lý nội dung theo Luật Báo chí, Luật Điện ảnh. Tuy nhiên, dịch vụ truyền hình OTT xuyên biên giới của các đơn vị nước ngoài hoạt động tại Việt Nam như Netflix, WeTV, iFlix, Amazon TV… lại chưa được quản lý về nội dung như các OTT trong nước .

Nhận thấy điều bất cập này, ngay từ đầu, VNPayTV đã nhiều lần có các văn bản kiến nghị đến Văn phòng Chính phủ; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Tư pháp. Với quan điểm nhất quán là kiến nghị chưa thực hiện việc cấp phép cho các đơn vị nước ngoài khi chưa hội đủ các điều kiện công tác quản lý, kiểm soát, kiểm duyệt biên dịch, biên tập nội dung chương trình như quy định Luật Báo chí Việt Nam, để đảm bảo yêu cầu an ninh thông tin truyền thông trên mạng Internet và nhất là tạo sự công bằng đối với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung chương trình trong nước, tránh tình trạng “bảo hộ ngược”.

Tuy nhiên, hồi giữa năm 2019, một số tổ chức phi chính phủ như Hiệp hội Internet. Hiệp hội phát thanh truyền hình châu Á – Thái Bình Dương (ABU), Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ có ý kiến không đồng ý kiểm duyệt nội dung chương trình dịch vụ OTT xuyên biên giới. Thực chất là muốn lách luật, không đúng tinh thần của Luật Báo chí, Luật Điện ảnh hiện tại tại Việt Nam, việc này sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị truyền hình, truyền hình trả tiền trong nước đã và đang tuân thủ nghiêm các quy định về kiểm duyệt nội dung, VNPayTV lo ngại.

Cần sân chơi công bằng, bình đẳng

Cần sân chơi sòng phẳng hơn trên thị trường truyền hình OTT. Ảnh DNCC

Hiện nay, dịch vụ truyền hình OTT của các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp xuyên biên giới chưa được cấp phép cung cấp tại Việt Nam, nội dung trên các dịch vụ chưa tuân thủ quy định biên tập theo quy định pháp luật hiện hành. Hơn nữa, phần lớn các dịch vụ truyền hình OTT xuyên biên giới áp dụng phương thức thanh toán cước thuê bao bằng chuyển khoản điện tử, người sử dụng trả tiền trước, vì vậy, khi gặp vấn đề về chất lượng kỹ thuật, nội dung không phù hợp… người sử dụng sẽ không được bảo đảm quyền lợi chính đáng khi sử dụng dịch vụ.

Như vậy, để người dân cả nước có thể tiếp cận các dịch vụ truyền hình OTT phù hợp quy định pháp luật Việt Nam, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử khuyến nghị người dân sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp trong nước, lường trước các rủi ro khi sử dụng các dịch vụ truyền hình OTT xuyên biên giới của doanh nghiệp nước ngoài.

Trước hết, với các doanh nghiệp nước ngoài, muốn hoạt động tại Việt Nam cũng phải tuân thủ luật pháp Việt Nam từ nội dung, thanh toán, giấy phép và đóng thuế, phí. Tiếp theo, nhìn nhận từ góc độ hội nhập quốc tế, chúng ta có hành lang pháp lý để cả doanh nghiệp nước ngoài và trong nước có thể cộng tác lẫn nhau, cung cấp dịch vụ truyền hình vừa đảm bảo nội dung phong phú vừa phù hợp luật pháp Việt Nam. Nhà nước cần tạo sân chơi bình đẳng giữa doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước trong việc cung cấp truyền hình trả tiền để các doanh nghiệp trong nước có cơ hội phát triển.

“Vừa yếu về nội dung, tiềm năng tài chính lại vừa phải tuân thủ các cơ chế chặt chẽ, dẫn đến sức cạnh tranh của các truyền hình OTT Việt Nam “yếu” đi rất nhiều. Việc xây dựng cơ chế chặt chẽ với hành lang pháp lý và chế tài là điều cần thiết. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong và ngoài nước phải được đối xử bình đẳng, công bằng, thậm chí có thể hợp tác lẫn nhau để khai thác thị trường. Ở một số quốc gia, các dịch vụ xuyên biên giới có thể hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ trong nước để cung cấp các nội dung phù hợp trên nền tảng hạ tầng công nghệ và thanh toán, đem lại những trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng và phù hợp với văn hóa, cũng như pháp luật nước sở tại”, đại diện nhà mạng MobiFone bức xúc cho biết.

Trong khi đó đại diện nhà mạng VinaPhone cho rằng việc xây dựng cơ chế, chế tài quản lý chặt chẽ, sòng phẳng đối với tất cả các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lậu, với các công ty kinh doanh xuyên biên giới tại lãnh thổ Việt Nam sẽ giúp cho thị trường truyền hình trả tiền OTT Việt Nam phát triển bền vững, công bằng hơn. Đặc biệt trong đó cần đề cập tới sự quản lý về giá để tránh việc bán phá giá ảnh hưởng chung tới thị trường. Trên cơ sở đó, người dùng cũng sẽ có lợi hơn khi được thưởng thức các nội dung có bản quyền, chất lượng đẹp thay vì các hình ảnh chất lượng kém do các ứng dụng lậu lấy tín hiệu không có bản quyền từ trong nước và nước ngoài.

Đối với doanh nghiệp xuyên biên giới, ngoài việc cần thực hiện nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ đối với nhà nước. Họ cũng cần phải được kiểm duyệt chặt chẽ về nội dung cung cấp tới khách hàng, để đảm bảo không vị phạm thuần phong mỹ tục.

“Chúng tôi mong muốn cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành quy chế quản lý dịch vụ OTT trong nước và xuyên biên giới, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp xuyên biên giới phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ như doanh nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, cần có biện pháp mạnh để ‘dẹp’ các ứng dụng lậu một cách hiệu quả, không để xảy ra tình trạng khóa website này lại lập tức xuất hiện website khác tương tự”, đại diện VinaPhone chia sẻ.

Khuyến nghị hoàn thiện chính sách để bảo vệ doanh nghiệp Việt

VNPayTV cho biết đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, các Bộ, ngành liên quan xem xét và hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật đủ sức chế tài quản lý và xử phạt các vi phạm về nội dung chương trình các kênh phát thanh truyền hình xuyên biên giới. Theo đó VNPayTV kiến nghị nếu khối lượng nội dung chương trình từ nước ngoài quá lớn chưa có công cụ quản lý hữu hiệu của nhà nước thì tạm thời chưa cấp phép cung cấp dịch vụ OTT trực tuyến xuyên biên giới của các đơn vị nước ngoài tại Việt Nam như Netflix, iFlix, Amazon, Facebook (Mỹ), WeTV, iQiyi (Trung Quốc).

Đồng thời, VNPayTV kiến nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2016/NĐ-CP tại khoản 4, Điều 5 tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung để làm cơ sở cấp phép, quản lý nội dung cho tất cả đối tượng trong cũng như ngoài nước.

Theo đó cần quản lý việc cung cấp nội dung thông tin trên dịch vụ phát thanh, truyền hình theo quy định của pháp luật về báo chí. Cần quản lý hạ tầng kỹ thuật truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình theo quy định của pháp luật về viễn thông. Mọi hoạt động quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ phát thanh, truyền hình tại Việt Nam phải tuân thủ theo quy định tại Nghị định số 06/2010/NĐ-CP và nghị định này. Và các dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet cung cấp xuyên biên giới tới người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân theo quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật liên quan”.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới