Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Truyền hình trả tiền hướng về nông thôn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Truyền hình trả tiền hướng về nông thôn

Vân Oanh

Truyền hình trả tiền hướng về nông thôn
K+ đã điều chỉnh các gói cước để hy vọng thu hút thêm khách hàng ở khu vực tỉnh lẻ. Ảnh: Sao Mai.

(TBVTSG) – Sau một thời gian rơi vào tình trạng bão hòa về lượng khách thuê bao ở các thành phố lớn, các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đang có những động thái hướng đến khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, thị trường hứa hẹn có nhiều chuyển biến với sự tham gia của một số thương hiệu mới.

Theo các báo cáo của các đơn vị thống kê, ở Việt Nam hiện có hơn 20 triệu hộ dân cư xem truyền hình. Trong đó, chỉ có khoảng 13,5% khách thuê bao dịch vụ truyền hình trả tiền, so với tỷ lệ ở các quốc gia khác trong khu vực là 40-60%. Giới chuyên gia nhận định thị trường này vẫn còn tiềm năng và có thể sẽ có thêm nhiều nhà cung cấp dịch vụ mới nhập cuộc.

Thị trường có thêm gương mặt mới

Ngay ngày đầu năm nay, thương hiệu truyền hình An Viên (AVG) do Công ty cổ phần Nghe nhìn Toàn cầu đầu tư đã chính thức tham gia thị trường với việc cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. AVG sử dụng công nghệ truyền hình số mặt đất và truyền hình số vệ tinh tại hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TPHCM, giới thiệu ba gói cước là 33.000, 66.000 và 88.000 đồng. Hiện AVG có 55 kênh sử dụng công nghệ truyền hình số mặt đất và 58 kênh truyền hình số vệ tinh, trong đó có nhiều kênh chương trình riêng của mình là văn hóa phương Đông (kênh An Viên), nhạc trẻ (VietTeen), phim truyện (Phim hay), thể thao-giải trí (NCM), thiếu nhi (SAM) và năm kênh âm nhạc chọn lọc.

Do tham gia thị trường sau nên AVG cho biết sẽ tập trung đầu tư vào chất lượng dịch vụ. Cụ thể, chỉ riêng việc phát sóng thử nghiệm trong một năm đã cần khoản chi 2,5 triệu đô la Mỹ.

Chủ tịch Hội đồng quản trị AVG, ông Phạm Nhật Vũ, cho biết kênh truyền hình này đặt mục tiêu sau ba năm sẽ thu hút lượng khách thuê bao từ 500.000 đến 3 triệu. Theo tính toán, AVG phải có 1 triệu khách thuê bao trở lên thì mới hòa vốn. Tính đến thời điểm bắt đầu cung cấp dịch vụ, AVG đã đầu tư cho kênh truyền hình này 1.500 tỉ đồng, nếu nhanh thì sẽ hòa vốn sau 4-5 năm, chậm thì sau 7-8 năm.

Ngoài AVG, Viettel cũng được xem là cái tên mới trên thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền. Hiện Viettel đã cung cấp dịch vụ truyền hình qua giao thức Internet (IPTV). Tuy nhiên, theo đánh giá của giới chuyên gia thì nhà cung cấp này chưa thu hút được nhiều khách thuê bao, nguyên nhân xuất phát từ đặc thù công nghệ của dịch vụ IPTV.

Ông Dương Văn Tính, Phó tổng giám đốc Viettel, tại một cuộc hội thảo đã cho biết kinh doanh dịch vụ truyền hình cáp là một trong những nhiệm vụ mới mà Viettel đặt ra để thực hiện trong năm nay. Qua khảo sát, công ty này thấy rằng tỷ lệ hộ gia đình sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền ở Việt Nam còn thấp so với mặt bằng chung trong khu vực. Do đó, việc tham gia vào một thị trường mới với nhiều cơ hội cũng là giải pháp mà Viettel phải thực hiện để đạt được mục tiêu tăng doanh thu. Năm 2012 này, Viettel đặt ra chỉ tiêu doanh thu 140.000 tỉ đồng, tăng 20.000 tỉ đồng so với năm ngoái. Việc đầu tư sang lĩnh vực truyền hình cáp có thể giúp Viettel mở rộng thị trường và tăng doanh thu.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, sự xuất hiện của Viettel trên lĩnh vực truyền hình trả tiền có thể làm cho các đối thủ cảm thấy e ngại, nhất là khi doanh nghiệp này có lợi thế về hạ tầng truyền dẫn cáp quang băng thông rộng phủ đến tận cấp phường xã. Đây là yếu tố quan trọng để Viettel có thể nhanh chóng cung cấp dịch vụ truyền hình cáp trên toàn quốc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ di động, bao gồm cả các khu vực nông thôn và vùng xa.

Thị trường mới

Thực tế cho thấy, khi Viettel bắt đầu việc cung cấp dịch vụ di động thì thị trường này đã gần như bão hòa về lượng khách thuê bao tại các khu đô thị và thành phố lớn. Chính vì vậy mà doanh nghiệp đã phải tập trung mạnh vào thị trường nông thôn và xây dựng những chiến lược cụ thể để bám trụ và thành công tại vùng đất mới. Do đó, khi tham gia cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, Viettel cũng xác định sẽ hướng mạnh đến thị trường nông thôn.

Trao đổi với Thời báo Vi tính Sài Gòn, Tổng giám đốc tập đoàn Viettel Hoàng Anh Xuân nói rằng doanh nghiệp sẽ phải tìm nhiều phương thức linh hoạt để cả những khách hàng có thu nhập thấp cũng có thể xem được truyền hình cáp. Có khả năng Viettel sẽ đưa ra nhiều gói cước khác nhau để phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng ở khu vực nông thôn. Ngoài ra, Viettel cũng sẽ nghiên cứu để ứng dụng nhiều công nghệ khác nhau.

Về phía AVG, ngay từ khâu chuẩn bị công ty này đã ký hợp đồng tổng đại lý với Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost). VNPost sẽ tham gia phát triển lượng khách thuê bao, phân phối thiết bị thu tín hiệu truyền hình số và thu phí hộ AVG tại các bưu cục và tại nhà khách hàng. AVG kỳ vọng với đội ngũ nhân lực lớn cùng mạng lưới 16.000 bưu cục rộng khắp trên toàn quốc về tới tận phường xã, VNPost sẽ giúp AVG mở rộng địa bàn cung cấp dịch vụ, thu hút khách thuê bao.

Sau động thái chọn đối tác kể trên, từ ngày 1-3, AVG đã mở rộng việc cung cấp dịch vụ đến một số tỉnh thành như Hưng Yên, Bắc Ninh, Nam Định, Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Long An, Đồng Nai và Bình Dương.

Thương hiệu truyền hình liên doanh K+ cũng đã có những động thái hướng đến đối tượng khách hàng nông thôn. Sau một thời gian cung cấp dịch vụ, K+ đã có sự điều chỉnh các gói cước (giảm giá, tăng kênh) để phù hợp với thị trường. Hiện K+ đang cung cấp cho khách hàng ba gói cước Access+, Premium+, HD+ với mức thuê bao hằng tháng tương ứng là 50.000, 190.000 và 270.000 đồng. Ông Cao Văn Liết, Tổng giám đốc VSTV – chủ đầu tư thương hiệu truyền hình K+, nói rằng gói cước Access+ với mức phí 50.000 đồng/tháng đã thu hút nhiều khách hàng ở khu vực tỉnh lẻ.

Không tiết lộ lượng khách thuê bao hiện tại, nhưng ông Liết cho biết năm ngoái K+ đã đạt mức tăng trưởng khách thuê bao 100% và tỷ lệ khách hàng trung thành trên 90%.

Theo nhận xét của giới chuyên gia, thị trường truyền hình trả tiền ở Việt Nam đang đi theo xu hướng của thị trường viễn thông cách đây vài năm. Khi lượng khách thuê bao ở các thành phố lớn bắt đầu bão hòa thì vùng nông thôn sẽ trở thành một mảnh đất màu mỡ cho nhà cung cấp dịch vụ.

Theo thống kê của Sách trắng Công nghệ thông tin 2011, 90% hộ gia đình ở Việt Nam hiện đều có ti vi. Trong khi đó, theo số liệu điều tra của một công ty nghiên cứu thị trường thì Việt Nam hiện có hơn 20 triệu hộ gia đình xem truyền hình. Trong số này chỉ có gần 14% hộ gia đình là khách thuê bao dịch vụ truyền hình trả tiền, một tỷ lệ khá thấp so với mức khoảng 60% của các nước trong khu vực.

Thị trường dịch vụ truyền hình trả tiền ở Việt Nam đã có 10 năm phát triển với hàng trăm kênh truyền hình trong và ngoài nước tham gia kinh doanh. Hiện có khoảng 50 thương hiệu đang cung cấp dịch vụ, bao gồm VTC, HTVC, VSTV (K+), SCTV, VNPT, FPT, Viettel, AVG và một loạt thương hiệu truyền hình cáp địa phương.

Tính trên bình diện cả nước, mỗi tỉnh thành có ít nhất một mạng truyền hình cáp. Theo ước tính của một chuyên gia, hiện Việt Nam có khoảng 3 triệu khách thuê bao truyền hình trả tiền, trong đó SCTV chiếm thị phần lớn nhất với khoảng 1,2 triệu khách, VSTV (K+) có hơn 300.000 và AVG có khoảng 500.000…

Trong khi 80% dân số Việt Nam chủ yếu sống ở khu vực nông thôn thì phần lớn hộ gia đình sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền lại tập trung ở các đô thị lớn hoặc ở khu trung tâm các tỉnh, thành phố. Trong tổng số các gia đình sử dụng dịch vụ truyền hình trả tiền, có khoảng 50% ở khu vực thành thị thuê bao dịch vụ truyền hình cáp, khoảng 20% sử dụng truyền hình số vệ tinh…

Các nhà cung cấp dịch vụ còn phát triển và ứng dụng nhiều công nghệ khác nhau để tạo nét đặc trưng và đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ của mình. Ví dụ VTC và AVG ứng dụng công nghệ truyền hình kỹ thuật số mặt đất và kỹ thuật số vệ tinh, K+ ứng dụng công nghệ truyền hình số vệ tinh, còn VNPT, Viettel và FPT thì ứng dụng công nghệ truyền hình di động, truyền hình qua giao thức Internet (IPTV)… mang lại nhiều sự lựa chọn cho khách hàng.

Oanh Nguyễn

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới