Thứ Sáu, 24/03/2023, 12:20
31 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


TS Lê Đăng Doanh: “chuyển đổi công nghiệp quốc phòng sang nhà nước quản lý- càng sớm càng tốt”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TS Lê Đăng Doanh: “chuyển đổi công nghiệp quốc phòng sang nhà nước quản lý- càng sớm càng tốt”

TS Lê Đăng Doanh – Ảnh: Vietnamnet

(TBKTSG Online) – Chuyên gia kinh tế cao cấp, tiến sĩ Lê Đăng Doanh đã bày tỏ ý kiến hoan nghênh và ủng hộ việc sẽ ra đời Pháp lệnh công nghiệp quốc phòng, trong đó nói đến việc chuyển một phần công nghiệp quốc phòng về cho nhà nước quản lý thay vì quân đội quản lý. TBKTSG Online đã có cuộc trao đổi với ông.        

TBKTSG Online: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về sự chuyển đổi mô hình quản lý, đưa công nghiệp quốc phòng vốn do quân đội quản lý, sang nhà nước quản lý trong thời gian tới?          

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: Tôi hoan nghênh bước tiến tích cực này. Không nên để quân đội không có chuyên môn kinh doanh trong kinh tế thị trường như dân sự được vì quân đội có điều lệ, luật riêng. Bắt sĩ quan quân đội đi kinh doanh là gây khó khăn cho họ.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh nói rằng không giao đủ việc cho anh em thì họ không sống được.

Nhưng truyền thống của Việt Nam là quốc phòng toàn dân. Qua hai cuộc kháng chiến, các doanh nghiệp dân sự và dân công đều tham gia quân đội, vận tải hàng hoá… chứ không chỉ có quân đội thuần tuý làm việc này. Vậy thì đến thời bình, quân đội làm chủ khối tài sản lớn và tài sản đó cần được phát huy hiệu quả để phục vụ lại cho quân đội và cho nhân dân, cũng là minh bạch hoá các vấn đề về tài sản công.

Đây là giai đoạn hội nhập kinh tế thị trường và WTO, các ngành nghề ở Việt Nam phải tuân thủ các quy chế về thị trường, về doanh nghiệp. Nếu không chung sức thì sẽ gây lãng phí nên sự chuyển đổi này lại càng cần thiết.

Theo ông, sẽ có những tác động hiệu quả nào cụ thể hơn từ cuộc chuyển giao này?         

Tất cả các tài sản, đất đai do quân đội quản lý nếu không chỉ phục vụ cho mục đích quân sự sẽ phát huy có hiệu quả hơn khi được “cởi bỏ” khỏi cái áo quốc phòng. Các cơ sở kinh tế, công nghiệp của quân đội sẽ được lực lượng kinh tế hùng hậu, các doanh nghiệp toàn dân hỗ trợ. Nhiều hợp đồng kinh tế sẽ đến với họ. Và đó là cái hiệu quả nhất.           

Có những ví dụ cụ thể nào để chứng minh, nhiều quốc gia đã thành công khi chuyển các cơ sở công nghiệp quốc phòng về nhà nước quản lý?   

Trung Quốc là một ví dụ. Họ đã làm cách đây 5 năm. Quân đội Trung Quốc đã được trang bị tốt hơn nhiều so với trước khi chưa chuyển đổi. Đã có nhiều dự án phối hợp sản xuất giữa quân đội và dân sự mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ví như sản xuất tàu ngầm.         

Có nhiều ý kiến tranh luận về việc quân đội nên giữ lại những cơ sở nào và chuyển giao những cơ sở nào. Theo ý ông thì sao?         

Thực tế nếu chuyển được nhanh và tích cực thì chuyển càng nhiều càng tốt. Quân đội chỉ nên giữ lại các cơ sở sản xuất vũ khí. Còn lại các cơ sở mang tính dân sự nhiều hơn như khách sạn, nhà hàng, các doanh nghiệp làm kinh tế hiệu quả thấp… thì nên chuyển hẳn.        

Các tổ chức quốc tế sẽ đánh giá sự chuyển dịch này ở Việt Nam theo hướng nào, thưa ông?        

Tôi tin là quốc tế sẽ coi đây là một bước tiến tích cực của Việt Nam, nhằm công khai và minh bạch các vấn đề của nền kinh tế, phát huy được tiềm lực. Nói tóm lại là nên chuyển từng bước và càng sớm càng tốt.                                                                               

NGỌC LAN

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới