Thứ Sáu, 22/09/2023, 11:35
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


TS Nguyễn Minh Châu: Nên hỗ trợ nông dân xây dựng GlobalGap

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TS Nguyễn Minh Châu: Nên hỗ trợ nông dân xây dựng GlobalGap

Ngọc Hùng thực hiện

Ông Nguyễn Minh Châu. Ảnh: Ngọc Hùng

(TBKTSG Online) – Nông dân trồng bưởi Năm Roi Mỹ Hòa ở huyện Bình Minh, Vĩnh Long, vừa mới đạt tiêu chuẩn GlobalGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) giờ muốn quay lại cách sản xuất truyền thống vì chi phí đầu vào cao nhưng giá bán như bưởi bình thường. Trong khi đó, ngành nông nghiệp thì đang vận động nông dân ứng dụng các tiêu chuẩn sản xuất sạch của GlobalGap, VietGap.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online đã trao đổi với tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (SOFRI) để lý giải những khúc mắc này.

– TBKTSG Online: Hiện một số nhà vườn sau một thời gian tham gia xây dựng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap giờ lại có tâm lý muốn buông ra để trở về cách sản xuất truyền thống. Theo ông đâu là nguyên nhân của vấn đề?

Ông Nguyễn Minh Châu: Theo quan điểm của tôi, việc một số nông dân không muốn sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap vì đầu vào quá cao chỉ là lý do của riêng họ mà thôi. Thoạt đầu ai cũng cho rằng do phí đầu vào để được chứng nhận GlobalGap là quá cao vì theo tiêu chí này người dân buộc phải xây nhà kho, nhà vệ sinh cùng nhiều hạng mục khác mà trước đó họ chưa có xây dựng. Tuy nhiên, phải hiểu rằng nhà vườn chỉ làm 1 lần nhưng dùng được cho nhiều năm sau đó.

Hiện tại, một khó khăn khác mà những nhà vườn đang đối diện là muốn được chứng nhận GlobalGap phải bỏ ra khoảng 7.000 đô la Mỹ cho diện tích 20-30 héc ta trong thời hạn 1 năm, một số tiền lớn với nông dân, nên đó chính là khó khăn của những nhà vườn này khi muốn được chứng nhận lần 2, hay lần 3.

Do đó, để giải quyết vần đề này, bước đầu nhà nước phải là người đứng ra hỗ trợ phần chi phí chứng nhận để nhà vườn yên tâm với GlobalGap. Nếu làm được thì sẽ tránh trường hợp đáng tiếc mà chúng ta vừa đề cập.

– Trước đây, một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp từng nói làm VietGap hay GlobalGap thì sản phẩm làm ra phải rẻ hơn sản phẩm thông thường chứ không thể quảng bá với thông điệp “cứ đạt tiêu chuẩn GlobalGap” thì giá bán sản phẩm sẽ cao. Ông nhận xét như thế nào về ý kiến đó?

GlobalGap là một quy trình buộc người thực hiện phải theo đúng quy trình được đề ra sẽ cho năng suất cao. Tôi lấy ví dụ về sản xuất khóm (dứa) theo GlobalGap của hợp tác xã Quyết Thắng (Tiền Giang) đã làm, do đó, nhờ áp dụng GlobalGap mà giá thành một trái khóm của hợp tác xã rẻ hơn trước khi chưa xây dựng theo tiêu chuẩn trên.

Không có gì sai trong việc hướng nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng VietGap, GlobalGap nhưng hiện ngành nông nghiệp của nước ta còn nhỏ lẻ và manh mún nên việc ứng dụng gặp phải khó khăn là điều hiển nhiên.

Một nguyên nhân khiến người nông dân vẫn chưa mặn mà với thực hành sản xuất tốt theo VietGap hay GlobalGap là những nơi được chứng nhận VietGap, GlobalGap đều ở dạng mô hình, trên một diện tích quá nhỏ với vài chục héc ta. Do vậy, khi sản phẩm làm ra thường có số lượng còn ít nên không thể xây dựng được một thị trường tiêu thụ lâu dài.

Theo tôi, việc xây dựng một ngành nông nghiệp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó, đạt tiêu chuẩn VietGap hay GlobalGap là một xu thế tất yếu. Chúng ta cần phải đi trước nhu cầu của xã hội nên trong giai đoạn đầu cần phải có sự hỗ trợ của nhà nước, để giúp người nông dân chuyển từ mô hình sản xuất truyền thống sang VietGap, GlobalGap được đại trà trong những năm sắp tới.

– Là một người có nhiều năm gắn bó với nông dân, nhất là triển khai các tiến bộ kỹ thuật cho nông dân trồng cây ăn trái, theo ông đâu là giải pháp để ngành nông nghiệp hướng đến VietGap hay GlobalGap một cách đại trà?

Nhà vườn cần phải liên kết lại để sản xuất VietGap, GlobalGap vì diện tích được chứng nhận càng lớn thì chi phí chứng nhận trên 1 héc ta càng ít lại. Hiện chi phí để chứng nhận diện tích từ 20-30 héc ta vào khoảng 7.000 đô la Mỹ, nhưng với diện tích 50 héc ta thì phí chứng nhận chỉ vào khoảng 8.000 đô la Mỹ. Như vậy, diện tích càng được chứng nhận một lần càng nhiều thì chi phí chứng nhận tính trên một đơn vị diện tích càng giảm xuống.

Tôi xin nói thêm, trước đây, muốn chứng nhận GlobalGap chúng ta phải trông chờ các tổ chức quốc tế đến và chứng nhận nhưng nay Việt Nam cũng có thể chứng nhận được GlobalGap. Đây là một tín hiệu tốt cho ngành nông nghiệp nước ta vì có nhiều tổ chức tham gia chứng nhận thì chắc chắn chi phí chứng nhận sẽ giảm xuống. Tôi xem đó là một bước chạy đà tốt, giúp ngành nông nghiệp nước ta tiến gần với VietGap hay GlobalGap.

– Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới