Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TSMC dự tính chi hơn 7 tỉ đô la cho nhà máy chip thứ hai ở Nhật Bản

Khánh Lan

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Công ty sản xuất bán dẫn Đài Loan (TSMC), nhà sản xuất chip gia công lớn nhất thế giới, có kế hoạch đầu tư hơn 1.000 tỉ yen (7,4 tỉ đô la) để xây dựng nhà máy chip thứ hai ở Nhật Bản. Nhà máy này được kỳ vọng giúp Nhật Bản hồi sinh ngành sản xuất chip bán dẫn cao cấp.

Nhà máy chip đầu tiên của TSMC ở Nhật Bản đang được xây dựng ở thị trấn Kikuyo, tỉnh Kumamoto. Ảnh: Kyodo

Nhật báo Nikkan Kogyo hôm 24-2 đưa tin nhà máy nói trên sẽ sản xuất chip cao cấp kích cỡ 5 nanometre (nm) và 10 nm, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào nửa cuối thập niên 2020. TSMC được cho là đang đàm phán để nhận trợ cấp của chính phủ Nhật Bản và đầu tư từ các khách hàng cho nhà máy này.

Khi được hỏi về bản tin nói trên, TSMC đã đề cập đến ý kiến ​​của Giám đốc điều hành TSCM C.C. Wei tại cuộc họp báo vào tháng 1 nói rằng TSMC đang xem xét xây dựng một nhà máy thứ chip hai tại Nhật Bản. Lúc đo, ông nhấn mạnh rằng nhu cầu của khách hàng tại Nhật Bản và sự hỗ trợ của Tokyo là lý do TSMC xem xét xây dựng nhà máy chip thứ hai ở nước này.

Hai nhà máy chip của TSMC, nhà sản xuất chip logic cao cấp hàng đầu thế giới, sẽ giúp Nhật Bản giải tỏa những lo ngại về chuỗi cung ứng trong bối cảnh cuộc chiến chip giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng gay gắt

John Beirne, Phó chủ tịch phụ trách bộ phận nghiên cứu tại Viện Ngân hàng phát triển châu Á, nhận định nếu Nhật Bản có thêm một nhà máy chip khác, điều này sẽ tạo ra tác động kích thích tích cực cho đất nước.

Ông nói: “Việc TSMC mở rộng sản xuất chip tại Nhật Bản có thể giúp tái tạo ngành công nghiệp bán dẫn và góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, đồng thời củng cố khả năng chống chịu của Nhật Bản trước những gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đang ảnh hưởng đến ngành này. Việc bảo đảm an ninh nguồn cung chip bán dẫn sẽ có tác động lan tỏa tích cực đối với lĩnh vực sản xuất ô tô và năng lực sản xuất nói chung của Nhật Bản”.

Nhà máy chip đầu tiên của TSMC ở Nhật Bản, đang được xây dựng ở thị trấn Kikuyo trên đảo Kyushu, sẽ bắt đầu sản xuất chip 12 nm và 16 nm vào năm tới. Chính phủ Nhật Bản đã trợ cấp 476 tỉ yen (3,43 tỉ đô la ) cho TSMC để xây dựng nhà máy. Con số đó chiếm khoảng một nửa chi phí xây dựng của dự án. Sony Group và hãng sản xuất phụ tùng ô tô Denso Corp của Nhật Bản vừa là khách hàng vừa là đối tác đầu tư của TSMC ở nhà máy này.

Nhật Bản, nước từng sản xuất hơn một nửa sản lượng chip của thế giới, giờ chỉ sản xuất khoảng 1/10 trong số đó. Tuy nhiên, Nhật Bản đang là nhà cung cấp quan trọng đối với các máy móc sản xuất chip cao cấp.

Hồi tháng 11 năm ngoái, chính phủ Nhật Bản tuyên bố sẽ đầu tư ban đầu 500 triệu đô la vào một liên doanh chip sản xuất chip thế hệ mới có tên gọi Rapidus. Liên doanh này gồm Toyota, Sony, hãng chip Kioxia, hãng điện tử và bán dẫn Tokyo Electron, Tập đoàn đầu tư SoftBank, hãng phụ tùng ô tô Denso, hãng viễn thông NTT, Tập đoàn công nghệ thông tin và điện tử NEC. Ban đầu, mỗi bên trong liên doanh đóng góp 1 tỉ yen, khoảng 7,4 triệu đô la Mỹ.

Khi công bố quyết định đầu tư vào Rapidus, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, thương mại và công nghiệp Nhật Bản, Yasutoshi Nishimura cho biết: “Chip bán dẫn sẽ trở thành thành phần quan trọng cho sự phát triển của các công nghệ hàng đầu mới như trí tuệ nhân tạo, công nghiệp kỹ thuật số và chăm sóc y tế”.

Chính phủ Nhật Bản có thể sẽ đầu tư thêm hàng tỉ đô la trong tương lai nhằm nỗ lực hồi sinh năng lực sản xuất chip trong nước.

Nhật Bản muốn đảm bảo các nhà sản xuất ô tô và công ty công nghệ của đất nước không thiếu chip khi Washington hạn chế quyền tiếp cận của Bắc Kinh đối với các công nghệ bán dẫn nhạy cảm.

Nhật Bản cũng muốn đảm bảo nguồn cung công nghệ chip cao cấp cần thiết để phát triển các lĩnh vực mới như trí tuệ nhân tạo (AI). Tháng trước, Nhật Bản cùng với Hà Lan đã đồng ý tham gia một thỏa thuận với Mỹ để hạn chế xuất khẩu công cụ sản xuất chip cao cấp sang Trung Quốc trong nỗ lực kìm tỏa tham vọng công nghệ và quân sự của Bắc Kinh.

TSMC được các chính phủ trên khắp thế giới, bao gồm cả Mỹ và châu Âu mời gọi đến xây dựng các máy chip ở nước họ. Washington đã thông qua một đạo luật trợ cấp hơn 50 tỉ cho hoạt động sản xuất cũng nghiên cứu phát triển tại Mỹ. TSMC đã cam kết đầu tư 40 tỉ đô la cho hai nhà máy chip ở bang Arizona, Mỹ, trong đó, một nhà máy đang được xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2024. Tháng 12 năm ngoái, Nikkei Asia đưa tin TSMC đang đàm phán với các nhà cung cấp về kế hoạch thành lập nhà máy đầu tiên ở châu Âu tại thành phố Dresden của Đức.

Theo Reuters, Asia Financial, Bloomberg

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới