Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

TT Putin: “Giá dầu giảm là âm mưu chống lại Nga”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

TT Putin: “Giá dầu giảm là âm mưu chống lại Nga”

Phúc Minh

TT Putin:
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định giá dầu giảm là sự thao túng mang động cơ chính trị. Ảnh: AP

(TBKTSG Online) – Giá dầu thế giới giảm gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga và đây là một phần của sự thao túng mang động cơ chính trị – Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định như trên khi trả lời phỏng vấn truyền thông Trung Quốc.

Trong một văn bản được Điện Kremlin công bố ngày 6-11, ông Putin đã nói: “Tất nhiên, lý do rõ ràng của việc giá dầu thế giới giảm là  tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, đồng nghĩa tiêu thụ năng lượng giảm tại một loạt nước. Ngoài ra, yếu tố chính trị luôn xuất hiện trong vấn đề giá dầu”.

Ông Putin không đổ lỗi cho quốc gia cụ thể nào đã gây ra tình trạng giảm giá dầu. Tuy nhiên, một số nhà bình luận chính trị của Nga miêu tả việc giá dầu giảm như một âm mưu của Ả-rập Saudi và Mỹ nhằm chống lại Nga.

* Liên quan đến tình hình Ukraine, ngày 6-11, quân đội Ukraine bác bỏ cáo buộc của lực lượng đối lập là đã phát động cuộc tấn công mới ở miền đông, đồng thời khẳng định vẫn đang tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận ngừng bắn ký tại Minsk ngày 5-9.

Trước đó cùng ngày, Phó thủ tướng Cộng hòa tự xưng Donetsk Andrey Purgin cáo buộc quân đội Ukraine thực hiện cuộc chiến tranh quy mô nhằm vào lực lượng đối lập.

Sau khi hai bên ký thỏa thuận ngừng bắn, miền đông Ukraine vẫn chứng kiến các cuộc giao tranh hàng ngày. Thỏa thuận hòa bình có nguy cơ đổ vỡ khi các bên liên tiếp cáo buộc nhau vi phạm những điều khoản trong kế hoạch 12 điểm.

Kể từ khi bùng phát cuộc nổi dậy đòi ly khai ở miền đông sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga, hơn 4.000 người Ukraine đã thiệt mạng và hàng chục ngàn người bị thương, hàng chục ngàn gia đình phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.

Ngày 6-11, Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích chính quyền Ukraine vi phạm thỏa thuận hòa bình, cho rằng thay vì tìm biện pháp làm dịu tình hình, Ukraine lại tăng cường các cuộc tấn công quân sự nhằm vào lực lượng đối lập.

Trước phản ứng của Nga và phe đối lập Ukraine, giới phân tích cho rằng những thách thức với Ukraine còn nhiều sau hai cuộc bầu cử.

Tháng trước, Ukraine gấp rút tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội sớm với kết quả gần như biết trước: phe thân phương Tây gồm 4 đảng giành được đa số phiếu áp đảo (70%). Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, lực lượng đối lập ở miền đông đã tuyên bố tẩy chay cuộc bầu cử, sau đó tự tổ chức cuộc bầu cử riêng. Theo kết quả công bố ngày 3-11, các nhà lãnh đạo đối lập đã thắng lớn trong cuộc bầu cử ở miền đông và tuyên thệ nhậm chức bất chấp sự phản đối kịch liệt của chính phủ Ukraine và phương Tây.

Theo các nhà phân tích, mặc dù Nga vẫn chưa đưa ra quan điểm chính thức về hai cuộc bỏ phiếu vừa qua tại Ukraine nhưng sẽ không chịu bó tay trước một Ukraine đang ngày càng xích lại gần châu Âu. Khi nào quan hệ căng thẳng giữa Nga và phương Tây còn tiếp tục thì miền đông Ukraine vẫn còn là bãi chiến trường, thậm chí có thể sẽ đi tới chỗ tuyên bố độc lập và sẽ sáp nhập vào Nga như bán đảo Crimea.

Ngoài ra, Ukraine phải đối mặt với thách thức về kinh tế. Quốc hội Ukraine đã thông qua một loạt cải cách kinh tế triệt để. Tuy nhiên, nước này không thể thực hiện tất cả cải cách trong vài tháng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới