(KTSG Online) – Với phương châm “Vì cộng đồng, phát triển địa phương”, Tập đoàn Thành Thành Công (TTC) đã có bề dày cống hiến hơn 40 năm trong công tác thiện nguyện xã hội, giáo dục đào tạo thông qua các hoạt động thiết thực, đa dạng, được tổ chức định kỳ với quy mô ngày càng sâu rộng.
Xuất phát điểm là cơ sở sản xuất cồn có số vốn điều lệ 100 triệu đồng và 20 cán bộ nhân viên được hình thành bởi hai nhà sáng lập là doanh nhân Đặng Văn Thành và Huỳnh Bích Ngọc, đến nay TTC là tập đoàn đầu tư đa ngành trong các lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng, bất động sản, bất động sản công nghiệp, du lịch và giáo dục, hoạt động tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Singapore… quy mô hơn 120 công ty có vốn đầu tư.
Kinh doanh song hành mục tiêu phát triển bền vững
Trong vai trò nhà đầu tư chuyên nghiệp đối với nhiều lĩnh vực trọng điểm, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong định hướng hoạt động trên toàn hệ thống 26 công ty thành viên và hơn 160 chi nhánh trực thuộc của TTC trên khắp cả nước.
Theo đó, TTC định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh theo tiêu chí Xanh – Sạch – Hiệu quả và Bền vững, tiên phong trong việc nghiên cứu ứng dụng và khuyến khích thúc đẩy công nghệ – quy trình xanh, gần gũi với thiên nhiên; chú trọng cải tiến và nâng cao tiêu chuẩn hoạt động theo các chuẩn mực tiên tiến thế giới nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường; đầu tư hệ thống xử lý nước thải hiện đại và tái sử dụng nguồn nước giúp tiết kiệm tài nguyên.
Cụ thể, trong mảng mía đường, lĩnh vực cốt lõi của TTC, doanh nghiệp luôn nhất quán với mục tiêu trở thành công ty nông nghiệp công nghệ cao, cung cấp giải pháp sản phẩm nông nghiệp có nguồn gốc và bền vững hàng đầu khu vực.
Theo đó, Công ty Cổ phần Thành Thành Công – Biên Hoà (TTC AgriS), sở hữu thương hiệu Đường Biên Hòa trên 50 năm, chiếm gần 50% thị phần Việt Nam, đã không ngừng áp dụng khoa học kỹ thuật và các hoạt động hiện đại hóa mạnh mẽ nhằm đẩy mạnh khung quản trị ESG.
Hoạt động quản trị bao gồm các chủ đề về bền vững chuyên biệt, các chỉ số tài chính sẽ phấn đấu đến những chỉ số tài chính “xanh” và thiết lập một hệ thống triển khai đồng bộ nhằm tăng tính minh bạch và cung cấp thông tin rõ ràng hơn nữa cho các bên liên quan, hướng tới phát triển nền kinh tế xanh, bền vững.
Gần đây nhất, tại Hội nghị Phát triển bền vững 2023 diễn ra hồi tháng 4 vừa qua, bà Đặng Huỳnh Ức My, Phó Chủ tịch TTC AgriS, khẳng định trong suốt hơn 5 thập kỷ hoạt động doanh nghiệp luôn kiên định với chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững. Không nằm ngoài xu hướng đầu tư bền vững của thế giới, TTC AgriS tiên phong dẫn đầu xu hướng tuần hoàn chuỗi giá trị nông nghiệp trong tất cả các hoạt động quản lý từ nông trường đến sản xuất, phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Theo bà Ức My, hoạt động sản xuất nông nghiệp bên cạnh việc giảm thiểu phát thải còn cần trung hòa lượng phát thải ra môi trường với mức tối đa tiến đến Net Zero. Do đó, trong quá trình sản xuất, TTC AgriS đã tối ưu chuỗi giá trị cây nông nghiệp như mía, dừa, chuối,… ngay từ các công đoạn đầu tiên góp phần giúp TTC AgriS cân bằng hoạt động phát thải và hấp thu các loại khí nhà kính như CO2.
Riêng trong nhánh mía đường, hiện nay, lượng phát thải của TTC AgriS đang ở mức 0,45 kg CO2e/kg đường, thấp hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn 0,96 kg CO2e/kg (theo FAO). Ngoài ra, công ty cũng áp dụng hàng loạt giải pháp khác như ưu tiên sử dụng nhiên liệu sinh khối Biomass, nhiêu liệu sinh học Biofuels trong quá trình sản xuất, áp dụng công nghệ Cacbonat hóa nhằm tận dụng lượng khí CO2 sinh ra trong lò hơi tái sử dụng vào tinh chế sản xuất.
TTC AgriS cũng đang triển khai quy trình sản xuất “xanh” từ nông trại đến bàn ăn, chủ động nghiên cứu và áp dụng giải pháp nông nghiệp thân thiện như ong mắt đỏ Abi phòng trừ sâu bệnh từ thiên địch, không gây tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên nông sản,…
Ngoài ra, một trong những giải pháp TTC AgriS đang thực hiện là ứng dụng IoT để triển khai dự án quan trắc về biến đối khí hậu, giúp quan sát tốc độ sinh trưởng của cây trồng, đồng thời ứng dụng công nghệ canh tác số thông qua nền tảng quản trị FRM (Farmer Relationship Management) hỗ trợ cho nông dân.
Trong lĩnh vực giáo dục, triết lý kết hợp hài hòa giữa “Giáo dục thành nhân” và “Giáo dục hội nhập” được doanh nghiệp áp dụng xuyên suốt hệ thống đào tạo từ bậc mầm non đến cao đẳng, đại học của TTC, với nhiều chương trình đào tạo cải tiến, giàu tính nhân văn, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có năng lực trình độ và chuyên nghiệp, thúc đẩy hợp tác với những tổ chức quốc tế nhằm áp dụng phương pháp giáo dục tiên tiến, tạo cơ hội việc làm ổn định cho thế hệ trẻ.
Trong đó, “TTC – Nâng bước thành công” là một trong những chương trình học bổng khuyến học được Tập đoàn TTC tổ chức và duy trì liên tục từ năm 1985 đến nay. Năm 2022, Tập đoàn đã trao tặng tổng cộng 551 suất học bổng với tổng số tiền tài trợ gần 700 triệu đồng. Theo đó, qua 37 năm, chương trình đã trao tặng gần 20 tỷ đồng thông qua nhiều hoạt động như trao tặng học bổng, trang thiết bị học tập, đầu tư vào giao thông nông thôn,… đồng hành cùng các em học sinh.
Cuối năm ngoái, TTC cũng đã khánh thành Thư viện Đặng Huỳnh tại huyện Mỏ Cày Nam, tỉnh Bến Tre. Đây là thư viện tư nhân đầu tiên và duy nhất của tỉnh được xây dựng và phục vụ bạn đọc từ năm 2004, đến nay TTC đã đầu tư xây dựng hoàn toàn mới thư viện trên nền diện tích 757m2, có công suất phục vụ bình quân 50 lượt bạn đọc/ngày, với tổng mức đầu tư gần 5 tỉ đồng.
Tập đoàn này cũng đã mua lại Trường Đại học Yersin Đà Lạt, là bước khởi đầu để tái lập ngành giáo dục. Đây là thương vụ M&A mới nhất, giúp TTC sở hữu lại trường đại học trước đây là thành viên trong hệ sinh thái của Tập đoàn. Trong tương lai TTC sẽ có chiến lược mở rộng các trường đại học tại các tỉnh thành khác trên cả nước.
Ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC từng chia sẻ: “Đã là doanh nhân thì phải đóng góp cho cộng đồng – xã hội, đặc biệt là hoài bão đóng góp lớn cho ngành giáo dục nước nhà. Đây là một ngành nhân văn và là danh mục TTC quan tâm vì liên quan mật thiết đến các vấn đề xã hội”.
Tiếp nối thương vụ M&A này, Tập đoàn TTC đã tổ chức chương trình “TTC Day – Kiến tạo tương lai” nhằm tạo động lực, nguồn cảm hứng để sinh viên – học sinh tiếp cận những giá trị của nhà trường, định hướng về nghề nghiệp, cơ hội được thực tập và làm việc tại Tập đoàn TTC.
Ông Đặng Huỳnh Anh Tuấn, Thành viên Hội đồng Quản trị Tập đoàn TTC, cho biết với phương châm tái đầu tư ngành giáo dục một cách nghiêm túc và bài bản, “chuyến tàu” mà TTC đồng hành cùng sinh viên – học sinh không chỉ dừng lại ở bến đỗ mang tên “tốt nghiệp” mà TTC còn mang đến nhiều cơ hội để các bạn có thể tiếp xúc gần hơn với các kinh nghiệm thực tế ở góc độ những yêu cầu từ người sử dụng lao động. Và đặc biệt hơn, là các cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với các vị trí thực tập và việc làm, ngay trong hệ sinh thái của Tập đoàn TTC và xa hơn sẽ là các doanh nghiệp, tổ chức là đối tác chiến lược của TTC.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, Tập đoàn TTC đã trao học bổng “TTC – Nâng bước thành công” cho 30 sinh viên của Trường Đại học Yersin Đà Lạt với tổng giá trị 300 triệu đồng.
Bên cạnh đó, TTC cũng tích cực triển khai các hoạt động xã hội như cung cấp nước sạch cho các hộ gia đình tại Bến Tre, Gia Lai, trồng cây xanh hưởng ứng ngày Môi trường Thế giới, tài trợ học bổng cho các học sinh-sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, xây dựng cầu dân sinh, tổ chức hiến máu tình nguyện,…
Tiếp tục hành trình vì cộng đồng
Năm 2022, TTC AgriS được nhận biểu dương năm thứ hai liên tiếp là Top 10 “Doanh nghiệp Phát triển Kinh tế xanh bền vững”. Việc liên tục có mặt trong danh sách Doanh nghiệp Phát triển Kinh tế xanh bền vững cho thấy nỗ lực nghiêm túc của TTC AgriS trong chiến lược phát triển toàn diện chuỗi giá trị bền vững, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam theo chiều sâu, đề cao chất lượng và hiệu quả.
Hiện TTC AgriS đang là doanh nghiệp mía đường sở hữu vùng nguyên liệu lớn nhất, với tổng diện tích là 68.000 ha tại Việt Nam, Úc, Lào và Campuchia.
Trong chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, tháng 8-2022 vừa qua, sau thời gian nghiên cứu của đội ngũ nhân sự giàu chuyên môn, TTC AgriS đã nhận thấy tiềm năng của bang Queensland, Úc về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và giá trị kinh tế, chính vì vậy, công ty đã quyết định đầu tư và sở hữu thành công hơn 1.200 ha tại Tully, bang Queensland, Úc.
Đồng thời đặt mục tiêu đạt 5.000 ha trong niên độ 2022-2023, tiến tới hoàn thành chiến lược trong vòng ba năm tới đạt mục tiêu 20.000 ha tại Úc.
Đối với kế hoạch giai đoạn 2025 – 2030, TTC AgriS đặt mục tiêu đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất nước mía với công suất 72 triệu lít/năm với công nghệ zero discharge, sử dụng 100% biomass làm chất đốt tại tất cả nhà máy và phát triển thành công bao bì giấy từ bã mía bằng công nghệ sinh học vào năm 2025, tiến tới mục tiêu đạt Net Zero carbon vào năm 2035.
Bên cạnh đó, với tôn chỉ “Kinh doanh là sứ mệnh không phải là quyền lợi”, Tập đoàn TTC tiếp tục thực hiện nhiều hoạt động thiết thực và lan tỏa nghĩa cử cao đẹp, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp Việt với cộng đồng, xã hội.
Điển hình như Quỹ từ thiện Thành Ngọc (thuộc Tập đoàn TTC) cùng các đơn vị trực thuộc đã thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa với mong muốn góp phần động viên kịp thời, giúp đỡ các hộ gia đình, hoàn cảnh khó khăn từng bước vươn lên trong cuộc sống.
Gần đây nhất, TTC đã phối hợp cùng Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam trao tặng 900 phần quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn và gia đình chính sách, có công với cách mạng trên địa bàn huyện Gò Dầu (tỉnh Tây Ninh) với tổng ngân sách thực hiện là 450 triệu đồng và 400 phần quà trị giá 200 triệu đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn TP HCM nhân dịp Xuân Quý Mão năm 2023.
Đặc biệt, tại tỉnh Bến Tre, trong tháng 2 vừa qua, TTC đã ủng hộ hơn 700 triệu đồng và hiện vật để gây quỹ từ thiện cho công tác an sinh xã hội của địa phương. Đây cũng là nơi TTC đã tổ chức nhiều chương trình trao tặng học bổng, trang thiết bị học tập, đầu tư vào giao thông nông thôn, hiện thực hóa hàng nghìn ước mơ của các em học sinh hiếu học…