Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Từ 1-1-2009, thực hiện bảo hiểm thất nghiệp

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Từ 1-1-2009, thực hiện bảo hiểm thất nghiệp

Người lao động sẽ đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng 1% tiền lương tháng – Ảnh: LÊ TOÀN

Luật Bảo hiểm sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2009, trong đó chính sách bảo hiểm thất nghiệp lần đầu tiên được thực hiện. Đây là loại hình bảo hiểm bắt buộc đối với người lao động là công dân Việt Nam có hợp đồng lao động 12-36 tháng hoặc không xác định thời hạn.

Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm cơ quan Nhà nước, cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có sử dụng từ 10 lao động trở lên.

Theo ông Phạm Đỗ Nhật Tân, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội – Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, để nhận được trợ cấp thất nghiệp, người lao động phải có những điều kiện:

Thứ nhất, bị mất việc làm, chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động hay Pháp lệnh cán bộ công chức mà chưa tìm được việc làm. Thứ hai, trong vòng 24 tháng trước khi bị thất nghiệp, đã đóng bảo hiểm thất nghiệp được 12 tháng trở lên. Thứ ba, phải đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội. Thứ tư, chưa tìm được việc làm sau ít nhất 15 ngày kể từ ngày đăng ký thất nghiệp với tổ chức bảo hiểm xã hội.

Nếu có đủ điều kiện nêu trên thì ngoài việc được hưởng trợ cấp thất nghiệp do tổ chức bảo hiểm xã hội chi trả, người lao động còn được tham gia các khóa học nghề, được tư vấn, giới thiệu tìm việc làm và được hưởng chế độ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Hàng năm trên cả nước có hơn 1 triệu người bước vào tuổi lao động, nhưng khả năng thu hút lao động của nền kinh tế lại có hạn. Mặt khác, một bộ phận không nhỏ lao động bị mất việc. Bảo hiểm thất nghiệp ra đời sẽ góp phần ổn định đời sống và hỗ trợ cho người lao động được học nghề và tìm việc làm, sớm đưa họ trở lại làm việc.

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định như sau: người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp bằng 1% tiền lương, tiền công tháng; người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng; hàng tháng Nhà nước hỗ trợ từ ngân sách bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và mỗi năm chuyển một lần.

Mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp là 3 tháng nếu có đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; 6 tháng nếu có từ đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; 9 tháng nếu có đủ từ 72 tháng đến dưới 144 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp; 12 tháng nếu có từ đủ 144 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trở lên.

Theo trang web Chính phủ

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới