Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Từ 2-2009, hàng dệt may vào Mỹ khó khăn hơn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Từ 2-2009, hàng dệt may vào Mỹ khó khăn hơn

Bà Bà Nancy Nord, Chủ tịch CPSC thông tin với báo chí về những quy định mới để hàng dật may Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ – Ảnh: Kinh Luân

(TBKTSG Online) – Ngày 16-9, Ủy ban an toàn sản phẩm tiêu dùng Hoa Kỳ (CPSC) đã công bố với các doanh nghiệp dệt may tại TPHCM về những quy định mới nhất về xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ.

Bà Nancy Nord, Chủ tịch CPSC cho biết Quốc hội Mỹ vừa thông qua luật mới về an toàn sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ kể từ ngày 14-8-2008. Luật này có nhiều quy định và các quy định có lộ trình hiệu lực khác nhau.

Theo đó, tất cả các sản phẩm dệt may xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ tuân thủ theo những quy định mới chính thức có hiệu lực từ tháng 2-2009.

Theo bà Nord, ủy ban này sẽ tăng cường giám sát nghiêm ngặt hơn nữa các quy định an toàn sản phẩm như tính dễ cháy của vải, cấm tuyệt đối các sản phẩm có dây thắt ở vùng cổ trên áo, đặc biệt là áo trẻ em.

“Nếu trước đây luật quy định buộc tái xuất các sản phẩm vi phạm an toàn khi nhập khẩu vào Mỹ thì nay quy định mới cho phép CPSC có quyền tiêu hủy các sản phẩm vi phạm về tính an toàn”, bà Nord cho hay.

Ngoài ra, mức phạt đối với các nhà nhập khẩu hàng dệt may của Mỹ khi vi phạm cũng sẽ tăng lên đến 15 triệu đô la Mỹ, trước đây mức phạt này tối đa là vài triệu đô la Mỹ.

Bà Nord cho rằng, sở dĩ các quy định mới nghiêm ngặt hơn là do các vi phạm về an toàn của sản phẩm nhập khẩu có chiều hướng gia tăng trong 18 tháng gần đây.

Khi mà những quy định mới được áp dụng một cách nghiêm ngặt hơn đối với nhà nhập khẩu của Mỹ cũng đồng nghĩa các nhà nhập khẩu tại Mỹ sẽ đặt ra những yêu cầu cao hơn về chất lượng và tính an toàn của hàng dệt may. Đây là điều mà các nhà sản xuất hàng dệt may Việt Nam cần lưu ý.

Theo thông tin từ CPSC, các nhà sản xuất hàng dệt may Việt Nam cần cập nhật những thông tin cần thiết về các quy định mới và ngày có hiệu lực đối với hàng dệt may khi xuất khẩu vào Mỹ trên trang web của CPSC là www.cpsc.gov, chẳng hạn như yêu cầu mới về tính dễ cháy của vải sẽ có hiệu lực từ ngày 22-9-2008.

Luật mới ban hành đặt nặng tính an toàn đối với quần áo trẻ em, không chỉ đối với loại vải, tính dễ cháy mà còn đối với dây kéo, dây nơ, tua, ren trang trí trên áo trẻ em.

Bà Nord còn cho hay, mặc dù luật đã cấm quần áo có dây thắt nhập khẩu vào Mỹ từ lâu, nhưng thời gian qua vẫn có nhiều loại quần áo trẻ em có dây thắt được nhập vào Mỹ. Luật mới nghiêm khắc cấm điều này nên các nhà sản xuất Việt Nam phải chấm dứt sản xuất hàng có dây thắt.

Các sản phẩm được đánh giá là an toàn sau khi thí nghiệm bởi một tổ chức hoặt phòng thí nghiệm. Phòng thí nghiệm phải được Tổ chức công nhận chất lượng phòng thí nghiệm Hòa Kỳ (ILAC – International Laboratory Accreditation Cooperation) công nhận thì kết quả thí nghiệm mới hợp lệ và được công nhân. Hiện ILAC đã công nhận một số phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn tại Việt Nam.  

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào Mỹ đạt 4,5 tỉ đô la Mỹ năm 2007. Dự kiến giá trị xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào Mỹ đạt 6,1 tỉ đô la năm 2008. Trong kế hoạch xuất khẩu năm 2008 của Việt Nam sẽ đạt kim ngạch 9,5 tỉ đô la Mỹ đối với mặt hàng dệt may.

Theo Chủ tịch CPSC, luật mới ban hành vào ngày 14-8-2008 về an toàn sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ có quy định các sản phẩm đồ chơi trẻ em nhập khẩu vào thị trường Mỹ sẽ hoàn toàn không chứa chì, các sản đồ gỗ như nôi, ghế bập bênh và các đồ chơi khác bằng gỗ phải có cấu trúc vững chắc và an toàn.

Bà Nord cũng cảnh báo cho dù nhà sản xuất theo hợp đồng mới hay hợp đồng cũ đã ký trước đây thì từ tháng 2-2009, nếu sản phẩm bị phát hiện chứa hàm lượng chì cao hơn mức luật mới quy định thì sẽ không được nhập vào nước Mỹ.

VĂN NAM 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới