(KTSG Online) - Từ đầu năm 2025, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 sẽ có hiệu lực và quy định tài xế phải học bằng B2 trở lên để hành nghề lái xe sẽ không còn. Theo dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ đang được lấy ý kiến ban hành, để được lái xe vận tải kinh doanh, có thể tài xế phải có chứng nhận tập huấn nghiệp vụ vận tải.
- Những thay đổi về bằng lái xe cần chú ý kể từ đầu năm 2025
- Phân lại hạng bằng lái: Đừng gây bất lợi và tốn kém cho người dân
Ngày 13-9, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Luật Giao thông đường bộ 2008 chia bằng lái xe hạng B thành ba loại gồm B1 số tự động, B1, và B2. Trong đó, bằng lái xe B1 số tự động và B1 dành cho người không hành nghề lái xe; bằng lái xe B2 cấp cho người hành nghề lái xe.
Tuy nhiên, từ 1-1-2025 khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ 2024 có hiệu lực thì bằng lái B1 số tự động, B1 và B2 sẽ được gộp chung thành bằng lái xe hạng B và quy định hành nghề lái xe kèm theo bằng lái cũng không còn.
Theo ông Thống, từ năm 2025, bằng lái xe được cấp theo hạng loại xe mà tài xế đủ điều kiện điều khiển. “Để được hành nghề lái xe thì tài xế phải tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ vận tải theo quy định về điều kiện kinh doanh vận tải”, ông Thống nói và cho biết thêm, quy định này đang được Bộ Giao thông Vận tải lấy ý kiến tại dự thảo Nghị định quy định về hoạt động vận tải đường bộ.
Theo điều 11 của dự thảo này, đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ phải có bộ phận quản lý an toàn, xây dựng và thực hiện các quy định bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ; chỉ sử dụng lái xe điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải có bằng lái xe phù hợp loại xe theo quy định tại Điều 57 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và lái xe đã được cấp giấy chứng nhận đã hoàn thành tập huấn nghiệp vụ vận tải.
Điều 12 quy định về các nội dung liên quan đến hoạt động tổ chức tập huấn nghiệp vụ vận tải cho lái xe kinh doanh vận tải gồm: đối tượng tập huấn; khối lượng kiến thức tối thiểu và thời gian tập huấn; thời điểm tập huấn; đơn vị tổ chức tập huấn; tổ chức kiểm tra và cấp giấy chứng nhận.
Hiện Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến để xây dựng Nghị định, Thông tư quy định về điều kiện kinh doanh vận tải để việc thi hành luật được đồng bộ. Theo đó, cơ sở đào tạo lái xe hoặc doanh nghiệp kinh doanh vận tải là tổ chức được phép mở lớp tập huấn nghiệp vụ vận tải cho tài xế.
Bên cạnh đó, việc có tiếp tục tổ chức đào tạo, sát hạch bằng lái xe hạng B cấp cho người lái điều khiển ô tô số tự động từ năm 2025 cũng là nội dung đang lấy ý kiến đóng góp để Chính Phủ và Bộ Giao thông Vận tải ban hành Nghị định, Thông tư.
Doanh nghiệp và lái xe đã áp lực lắm rồi, còn phát sinh thêm nhiều loại giấy phép con kèm theo thật là mệt.
Tôi hiện tại GPLX đấu D, có chứng chỉ đào tạo LX để chở khách rồi vậy có cần CC gì nữa.? Sao phát sinh nhiều việc chồng chéo thế nhỉ..!?
Trong bài viết chỉ có B và B1 ,bạn đọc kỹ
Vẫn giữ quy định cũ cho lành, ai học để vận tải thì hạng bằng lái riêng ra cho dễ.
Có bằng lái được trung tâm đào tạo lái xe xác nhận là đã lái được xe rồi còn cần chứng chỉ lái xe chi nữa.
Là người làm việc lâu năm trong nghề đào tạo lái xe, tôi thấy công tác đào tạo lái xe là đào tạo cho người học biết điều khiển xe đúng kỹ thuật và đúng quy định của Luật GTĐB. Còn muốn làm người lái xe chuyên ngành gì người lái xe phải tham gia khoá đào tạo chuyên sâu để có chứng chỉ hành nghề lái xe chuyên ngành đó (taxi, vận tải hàng hoá, vận chuyển xăng dầu..) Theo tôi, quy định đó là đúng. Hiện nay việc các cá nhân, gia đình và kể cả các doanh nghiệp mua xe số tự động, xe ô tô điện đang là xu hướng, là đa số vì vậy vẫn nên duy trì việc đào tạo lái xe số tự động song song với đào tạo lái xe số sàn. Buộc người học phải học xe số sàn là gây khó, không cần thiết và không sát thực với nhu cầu xã hội. Việc ra các Nghị định, Thông tư điều chỉnh công tác đào tạo, sát hạch lái xe gần đây đang dần bám sát thực tế hơn, rất hoan nghênh! Tuy nhiên tôi thấy công tác quản lý đào tạo lái xe nên tập trung vào quản lý chất lượng sân tập lái, xe tập lái, đội ngũ giáo viên. Không nên đi quá chỉ tiết vào quá trình đào tạo mà nên lấy đầu ra là công tác sát hạch lái xe để kiểm soát chất lượng đào tạo. Hãy đưa ra các bài thi sát hạch đủ khó như tiến lùi chữ chi, ghép ngang, ghép dọc, quay trở đầu xe đường hẹp,… và giao quyền chủ động về nội dung, phương pháp, thời lượng cho các trung tâm đào tạo lái xe.
Cho em hỏi t11 khai giảng thì sang năm đc cấp c1 hay C ạ
Lắm loại thủ tục chả đâu vào đâu
Tại sao không đưa vào giáo trình đào tạo lái xe mà phải bắt buột có thêm chứng chỉ để làm gì???
Vì bằng lái nhiều nơi đào tạo dễ dãi, nên có nhiều tài xế xe tải mà không hiểu biết về luật giao thông, thiếu đạo đức tối thiểu gây tai nạn.
Tôi học lái xe năm 2004 , trước khi thi lái , thì phải thi chứng chỉ nghề , vậy cái đó gọi là nghề lái xe được không ? Còn bây giờ đòi phải có chứng chỉ nghề vận tải ?? Vậy tôi hỏi mấy ông , bên taxi họ đào tạo chuyên ngành phục vụ hành khách là do họ muốn tốt cho cty họ , bên cty chuyên vận tải hàng thì họ cũng đào tạo tx theo mặt hàng cty họ . Vậy mấy ông mở lớp đào tạo về cái gì ? Đào tạo lái xe phải biết vác hàng , xếp hàng lên xe ???.
Riêng vấn đề này thì ủng hộ tuyệt đối.
Ngày trước học lái xe đã có 50 tiết học Nghiệp vụ vận tải và 50 tiết sửa chữa cơ bản rồi. Trước khi được thi quốc gia để cấp GPLX, thì phải có bằng Tốt nghiệp của trường gồm có 4 môn : Nghiệp vụ vận tải, Thực hành sửa chữa, Luật GT đường bộ và Thực hành lái xe.
Chuẩn rôi
Càng ngày càng kiếm sống khó lại hay bổ sung luật!!!!