Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Từ 26-3: Lãi suất huy động còn 7,5%

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Từ 26-3: Lãi suất huy động còn 7,5%

Thanh Thương

Từ 26-3: Lãi suất huy động còn 7,5%
Lãi suất huy động giảm. Ảnh: Kinh Luân.

(TBKTSG Online) – Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất huy động sẽ chính thức hạ xuống thêm 0,5 điểm phần trăm, về mức 7,5%, một số mức lãi suất chủ chốt cũng giảm 1 điểm phần trăm.

>> Một số ngân hàng giảm nhẹ lãi suất huy động

Như vậy, lãi suất tối đa với các khoản tiền kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 12 tháng còn 7,5%/năm; lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung cầu vốn của thị trường.

Cụ thể lãi suất tái cấp vốn từ 9%/năm xuống còn 8%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 7%/năm xuống 6%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 10%/năm xuống 9%/năm.

Trong khi đó, quy định về lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, NHNN quy định lãi suất tiền gửi không kỳ hạn đến dưới 1 tháng là 2%/năm (không đổi so với trước).

Đồng thời, NHNN cũng ban hành Thông tư số 09/2013/TT-NHNN ngày 25-3 quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng tiền đồng của tổ chức tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên còn 11%/năm, thay vì 12%/năm trước đó.

Trước đó, một số ngân hàng đã công bố hạ lãi suất huy động kể cả ngắn hạn và dài hạn, và cho biết để đón đầu xu hướng giảm lãi suất của NHNN.

Theo một doanh nghiệp ngành tiêu dùng, việc giảm lãi suất huy động đã được ngân hàng nơi ông gửi tiền thực thi từ tuần trước, mức lãi suất mà ông được nhận đã điều chỉnh giảm xuống từ 11% xuống còn 10,5%/năm.

Hiện tại, ở nhiều ngân hàng có 100% vốn nước ngoài áp dụng biểu lãi suất với rất nhiều mức khác nhau. Tại HSBC Việt Nam, lãi suất dao động từ gần 5% đến 8%. Tuy vậy, ở các ngân hàng này, đa phần các mức lãi suất thấp hơn khá nhiều so với trần quy định. Như tại Standard Chactered, lãi suất huy động chỉ từ 3,8% cho kỳ hạn 1 tháng và lên đến 6,51% cho kỳ hạn 9 tháng. Lãi suất kỳ hạn dài cao nhất cũng chỉ 8,28%.

Còn các ngân hàng trong nước, nhiều ngân hàng đã đưa lãi suất về tiệm cận mức quy định mới, như Vietcombank, ACB, Eximbank…

Trong Bản tin café sáng hôm nay, Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng, hiện tại có nhiều cơ sở để tiến hành giảm trần lãi suất huy động. Nếu căn cứ vào lạm phát, có thể thấy dư địa giảm trần lãi suất huy động hiện còn trên 1%. Tuy nhiên, theo định hướng điều hành chính sách tiền tệ được Thống đốc NHNN nêu lên từ đầu năm, mức giảm cho 1 lần chỉ khoảng 0,5%. Ngoài ra, với kỳ vọng lạm phát đang tiệm cận mức đáy, và sẽ đảo chiều trở lại trong nửa cuối năm, VDSC cho rằng năm nay sẽ là năm biến động thường xuyên của lãi suất huy động với các lần tăng/giảm đan xen.

Việc gỡ trần lãi suất huy động có thể sẽ được cân nhắc trong nửa cuối năm 2013, nhưng VDSC cho rằng trần lãi suất huy động không còn là ưu tiên hàng đầu của chính sách tiền tệ cũng như là mối quan tâm lớn trong năm 2013. Thực tế diễn biến năm 2012 cho thấy, mặc dù trần lãi suất huy động đã giảm mạnh (14% xuống dưới 8%), lãi suất cho vay cũng về phổ biến ở mức khoảng 15% vào cuối năm, nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức khá thấp. Dòng vốn huy động kẹt lại trong hệ thống ngân hàng và ngân hàng phải chuyển sang kênh tín phiếu, trái phiếu chính phủ.

Ngoài ra, hiện tượng cạnh tranh huy động bằng lãi suất không còn và một số ngân hàng (chủ yếu là ngân hàng lớn) đã giảm lãi suất các kỳ hạn về dưới mức trần hiện tại, trong khi một số ngân hàng nhỏ cũng đã giảm lãi suất huy động kỳ hạn dài về dưới 12%/năm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới