Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Từ ‘3 tại chỗ’ nghĩ đến chính sách khuyến khích làm ký túc xá cho công nhân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Từ ‘3 tại chỗ’ nghĩ đến chính sách khuyến khích làm ký túc xá cho công nhân

Song Nghi

(KTSG) – Sau một tháng áp dụng, doanh nghiệp ở nhiều địa phương phía Nam đã lần lượt đề nghị với chính quyền về việc ngừng mô hình sản xuất “3 tại chỗ” (sản xuất, ăn, ở tại chỗ). Ngoài việc không kham nổi chi phí phát sinh, vướng mắc lớn khiến mô hình này gần như bị phá sản là quy định “ở tại chỗ”. Từ điều này, cần nghĩ đến giải pháp căn cơ hơn là công nhân phải ở gần nhà máy. Muốn như vậy, cần tháo gỡ ba vướng mắc chính trong việc phát triển nhà ở cho họ là thủ tục, quỹ đất và nguồn vốn.

Từ '3 tại chỗ' nghĩ đến chính sách khuyến khích làm ký túc xá cho công nhân
Khu nhà ở Định Hòa do Tổng công ty Becamex IDC xây dựng tại Bình Dương. Ảnh: N.K

Trên thực tế, quy định bắt buộc ở tại chỗ – dù nghiêm ngặt đến mức buộc chủ doanh nghiệp cũng phải ở lại cùng công nhân – cuối cùng vẫn không ngăn chặn được các ca nhiễm Covid-19 phát sinh trong nhà máy. Như vậy, mục tiêu kỳ vọng là không phát sinh ca nhiễm với mô hình sản xuất khép kín của “3 tại chỗ” đã không đạt được(1).

Điều này cũng dễ hiểu vì trừ một số ít công ty công nghệ cao có ít công nhân hay doanh nghiệp sản xuất có mặt bằng chưa sử dụng còn rộng, hầu hết các công ty, nhà máy không thể thiết kế thêm khu vực cho công nhân ở dài hạn.

Sự thất bại của mô hình “3 tại chỗ” liên quan đến chỗ ở cho công nhân xới lên một vấn đề đã tồn tại hàng chục năm nay: nhà ở/ký túc xá cho công nhân tại các khu công nghiệp (KCN).

Mở KCN, “bỏ quên” nơi lưu trú công nhân

Trên thực tế các doanh nghiệp sử dụng nhiều công nhân trong KCN hiện nay đều gặp khó khăn ở chỗ không có đủ nguồn cung lao động tại chỗ. Nhiều nhà máy ở TPHCM phải tổ chức xe đưa đón công nhân từ các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Long An đi về hàng ngày. Chỉ riêng cụm nhà máy giày Pouyuen ở quận Bình Tân, TPHCM đã có tới 70.000 lao động. Để hỗ trợ đi lại, công ty này đã bố trí khoảng 500 xe đưa đón công nhân ở tỉnh đến làm việc mỗi ngày(2).

Ban quản lý các KCN tỉnh Long An cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 31 KCN với 140.000 người lao động. Trong số này chỉ có bốn KCN có quy hoạch thêm khu dân cư đi kèm, đáp ứng được 6.000 chỗ ở cho người lao động, nhiều KCN không thu hút được nhà đầu tư do không đáp ứng được chỗ lưu trú cho công nhân(3).

Tình trạng nhiều KCN, nhiều công nhân nhưng rất ít ký túc xá kèm theo cũng tương tự ở phía Bắc. Toàn bộ bán đảo Đình Vũ – Cát Hải của Hải Phòng có năm KCN nhưng vẫn chưa có nhà ở cho công nhân. Doanh nghiệp phải sử dụng xe đưa đón công nhân từ các tỉnh lân cận như Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương.

Kết quả khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2019 cho thấy, tỷ lệ lao động nhập cư ở các KCN vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là trên 50%. Một số địa phương như TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương, lao động ngoại tỉnh chiếm tới 70% tổng số lao động trong các KCN. Cũng theo số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến tháng 7-2021, có 116 dự án nhà ở cho công nhân khu công nghiệp trên cả nước đã đưa vào sử dụng, phục vụ cho 330.000 người. Với ngành có nhiều công nhân như dệt may, số liệu năm 2020 của công đoàn ngành này cho thấy, toàn ngành chỉ có 15 ký túc xá công nhân với 750 phòng, đủ chỗ ở cho 3.200 người.

Những vướng mắc không khó tháo gỡ

Trong nhiều năm qua, ba vướng mắc chính trong việc phát triển nhà ở cho công nhân ở KCN nằm ở thủ tục, quỹ đất phù hợp và nguồn vốn vẫn chưa được khơi thông.

Đầu tiên là vấn đề thủ tục nhiêu khê. Hiện nay, các khu nhà ở cho công nhân và tiện ích đi kèm như nhà trẻ, trạm y tế, nhà trẻ, khu sinh hoạt văn hóa – thể thao… phải tách ra dự án riêng, không được để trong tổng thể KCN đã được phê duyệt. Tuy nhiên, thủ tục tách thửa đất rất phức tạp và mất nhiều thời gian đi lại nên nhiều doanh nghiệp không muốn làm.

Quỹ đất trống ở gần nơi doanh nghiệp đặt nhà máy không còn là cản trở thứ hai. Một số doanh nghiệp có đông công nhân sẵn sàng chi tiền xây nhà ở cho công nhân nhưng lại không có quỹ đất ở gần. Đơn cử như công ty Taekwang Vina ở Đồng Nai có 35.000 công nhân, phải thuê nhà ở cho công nhân ở huyện Nhơn Trạch rồi thuê xe đưa rước công nhân lên thành phố Biên Hòa làm việc. Do đường xa gần 30 ki lô mét, một số công nhân không thu xếp được phải nghỉ việc. Công ty liên hệ chính quyền địa phương tìm quỹ đất ở thành phố Biên Hòa nhưng không còn(4).

Trong khi đó, Bộ Xây dựng cho biết còn thiếu nguồn vốn để phát triển nhà ở công nhân. Đến hết năm 2020, Ngân hàng Chính sách xã hội mới được phân bổ 2.163/9.000 tỉ đồng, chỉ mới đáp ứng 24% nhu cầu vốn thực hiện chính sách nhà ở xã hội đến năm 2020(5).

Mô hình sử dụng lao động như hiện nay đã bộc lộ nhiều bất cập và dễ đổ vỡ khi dịch bệnh lan rộng. Trong khi đó, quy định “3 tại chỗ” cũng không thể giải quyết được vấn đề vì đa số doanh nghiệp đuối sức không tổ chức được.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 trên diện rộng lần này khiến mô hình lưu chuyển lao động liên tỉnh bị cắt đứt và đảo lộn. Từ thực tế này, việc đặt lại vấn đề mô hình nhà ở/ký túc xá cho công nhân ở gần các khu công nghiệp trở nên hết sức cấp bách trong bối cảnh sản xuất vẫn phải tiếp tục, doanh nghiệp không có sự lựa chọn nào khác ngoài thích ứng với dịch bệnh để tồn tại và phát triển.

Xây dựng các khu nhà ở/ký túc xá cho công nhân nằm gần KCN có lẽ là lựa chọn tốt nhất để không gián đoạn sản xuất. Muốn như vậy thì cần tập trung tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục. Song song đó, cần có thêm biện pháp khuyến khích đầu tư như ban hành chính sách ưu đãi cho việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Chỉ cần Nhà nước có chính sách và ban hành quy chuẩn, người dân và doanh nghiệp sẽ tham gia đầu tư xây dựng ký túc xá công nhân hiện đại thay cho các khu nhà trọ lụp xụp khi họ thấy có lợi.

Nên có chính sách ưu đãi cho tư nhân tham gia xây dựng ký túc xá quy mô nhỏ như quy hoạch khu vực được cho phép xây (thuận tiện đường đi, quy mô không quá nhỏ, đáp ứng các quy định quản lý…) kèm theo cơ chế tài chính như cho vay ưu đãi, miễn giảm thuế, giảm giá điện, nước, Internet…

Đây là mô hình phù hợp với thực trạng quỹ đất để xây nhà ở công nhân không còn tại các KCN hiện hữu. Đối với các KCN còn quỹ đất, nhà nước cần thay đổi thủ tục để doanh nghiệp có thể dễ dàng xây ký túc xá/nhà ở cho công nhân.

Việc có chỗ ở ổn định, an toàn sẽ giữ chân công nhân lâu dài. Việc hình thành từng cụm dân cư nhỏ bên cạnh KCN còn dễ quản lý an ninh trật tự, dịch bệnh và cả hạn chế được tệ nạn xã hội. Khi công nhân sống trong các khu dân cư nhỏ chung quanh nhà máy thì việc tổ chức làm việc trong bối cảnh dịch bệnh sẽ không quá khó khăn như hiện nay.

Muốn “lót ổ đón đại bàng”, tranh thủ đón sự chuyển dịch đơn hàng sản xuất thì điều then chốt là giải quyết vấn đề nguồn lao động ổn định. Nếu sản xuất tiếp tục đứt gãy vì thiếu nhân công như hiện nay thì chẳng những đại bàng không đến mà đơn hàng hiện có cũng dần mất đi.

(1) https://www.thesaigontimes.vn/319197/doanh-nghiep-phia-nam-lan-luot-xin-cham-dut-3-tai-cho.html
(2) https://nld.com.vn/cong-doan/doanh-nghiep-khong-man-ma-xay-nha-cho-cong-nhan-2019101110240029.htm
(3) https://chatluongvacuocsong.vn/xay-nha-cho-cong-nhan-da-it-lai-con-kho-lam-d75967.html
(4) https://laodong.vn/cong-doan/doanh-nghiep-muon-xay-nha-o-cho-cong-nhan-nhung-vuong-du-duong-895708.ldo
(5) https://moc.gov.vn/vn/tin-tuc/1184/65551/ca-nuoc-co-202-du-an-nha-o-danh-cho-cong-nhan.aspx

4 BÌNH LUẬN

  1. Ký túc xá cho công nhân là việc làm mà các nước tiên tiến họ đã thực hiện cách đây hàng chục năm nên người lao động họ đi làm xa không phải lo lắng chuyện ăn ở (miễn phí nhà ở). Ngay hiện nay các lao động nước ta đi lao động nước ngoài cũng được hưởng quyền lợi đó ( khộng mất tiền nhà ở).

    Các khu công nghiệp của chúng ta mọc lên nhan nhản mà khâu quy hoạch khu nhà ở cho công nhân hầu như “không quan tâm” nếu không nói là “thiếu tư duy”, nghĩa là người lao động phải “tự túc nhà ở”, rõ ràng gây nên sự “lo lắng” cho người lao động là phải tìm nhà trọ, phải trả tiền nhà trọ (một khoản tiền không hề nhỏ) và rõ ràng sự quản lý của ông chủ (công ty) là khó trong mọi vấn đề (rủi ro nhiều hơn lợi).

  2. Ký túc xá hay là nhà ở cũng vậy, phải đảm bảo tiện nghi và hạ tầng phục vụ cuộc sống của con người ở mức hợp lý. Rất nhiều nơi cũng hô hào làm ký túc xá, nhà ở… cho người lao đông, nhưng rốt cuộc chỉ có phần cứng (beton) là chính, còn phần mềm (tiện ích) thì chả có gì. Cuối cùng không ai muốn ở, ở cũng chẳng lâu dài, chưa kể càng ở thì càng mau hỏng.

  3. Tôi hoàn toàn ủng hộ chính sách làm nhà ở giá rẻ cho công nhân. Mỗi khu công nghiệp nên có một vài khu nhà ở cao tầng, giá rẻ như vậy. Người công nhân đến làm thì được thuê nhà ở đó, căn hộ khép kín với đầy đủ tiện nghi tối thiểu. Khi nào người công nhân đó khống làm việc ở đó nữa thì trả lại nhà cho Ban quản lý. Như vậy vừa đỡ nhếch nhác, tạm bợ trong các khu nhà trọ tư nhân hiện nay, vừa phòng chống các loại dịch bệnh tốt.

  4. Ký túc xá cho công nhân là đúng vì xây dựng chất lượng tốt duy tu, bảo dưỡng thường xuyên thì nó tồn tại hàng trăm năm, mà xây kiểu nhà ký túc xá nên không tốn nhiều, có dịch bệnh gì thì ở trong đó, đi làm tại nhà máy không ra ngoài sẽ an toàn vô cùng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới