(KTSG) – Trong thời gian dịch bệnh và giãn cách xã hội thì công nghệ và tài xế xe công nghệ ở Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng giúp giao nhận hàng hóa cho người tiêu dùng. Hoạt động giữa mùa dịch bệnh tiềm ẩn nhiều rủi ro lây bệnh, song các tài xế xe công nghệ chủ yếu chấp nhận vì dù sao cũng là công việc để có thu nhập mùa dịch.
Trong bối cảnh đó, trên thế giới vụ kiện của tài xế Uber ở Anh và Hà Lan được tuyên thắng kiện Uber, theo đó các tài xế được công nhận là nhân viên và vị thế của họ đã khác trước.

Vẫn còn nhớ hồi tháng 2-2021, tài xế Uber ở Anh đã thắng kiện Uber. Theo Phán quyết của tòa án cấp cao Anh, tài xế Uber đã được thừa nhận là người lao động. Nay Uber lại thua kiện tại tòa án khu vực Amsterdam, Hà Lan.
Theo phán quyết của Tòa án tại Amsterdam, mối quan hệ giữa các tài xế và hãng xe công nghệ “phù hợp với tất cả các đặc điểm của hợp đồng lao động”. Việc các tài xế được công nhận là nhân viên thay vì một cộng tác viên hay đối tác đồng nghĩa với việc các tài xế có tư cách rõ ràng và được hưởng các quyền lợi của người lao động trong mối quan hệ lao động với người sử dụng lao động.
Thấy gì từ “đối tác tài xế” của các hãng xe công nghệ tại Việt Nam?
Hiện nay, các tài xế xe công nghệ được công ty xe công nghệ gọi là “đối tác tài xế”. Qua tham khảo một số trang web của các công ty xe công nghệ tại Việt Nam cho thấy điều kiện trở thành đối tác tài xế cũng không phức tạp.
Tài xế chuẩn bị hồ sơ cá nhân, phương tiện xe và đăng ký thông tin trực tuyến cá nhân để trở thành đối tác tài xế cũng như được cấp đồng phục riêng của công ty xe công nghệ. Với ưu điểm chỉ cần bật ứng dụng là có thể kết nối với khách hàng, có thể tự chủ thời gian làm việc và có thu nhập, các hãng xe công nghệ đã thu hút được một lực lượng lớn cá nhân trở thành “đối tác tài xế” của hãng.
Về quyền lợi được hưởng, vì chỉ được coi là “đối tác tài xế” thay vì người lao động, các tài xế chỉ được nhận số tiền từ mỗi cuốc xe thành công sau khi trừ đi chiết khấu, phí nền tảng, xăng xe. Có những thời điểm mức chiết khấu tăng và bị tính thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân khiến các tài xế rơi vào tình cảnh thu nhập bấp bênh.
Chính vì vậy, không ít tài xế xe công nghệ cũng mong chờ các phúc lợi(1) như một người lao động. Mong muốn trở thành người lao động của công ty để có thu nhập ổn định hơn, được hưởng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và thậm chí hiện tại là mong muốn được chi trả chi phí xét nghiệm Covid-19 cho tài xế, âu cũng là chính đáng, nhất là khi các ứng dụng gọi xe đã thành lập pháp nhân dưới hình thức công ty tại Việt Nam.
Đã thấy “bóng dáng” của mối quan hệ lao động theo pháp luật
Dưới góc độ pháp luật lao động, về mặt nội dung, hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa nguời lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động(2).
Mối quan hệ của tài xế công nghệ và công ty xe công nghệ được thiết lập bởi thỏa thuận của tài xế và công ty xe công nghệ thông qua ứng dụng gọi xe, trong đó công việc tài xế phải thực hiện là vận chuyển hàng hóa hoặc chở khách. Tài xế sẽ nhận được tiền thù lao là một mức chiết khấu nhất định hãng xe trả cho tài xế trên số tiền khách hàng trả cho mỗi cuốc xe.
Bên cạnh yếu tố nội dung thì Bộ luật Lao động 2019 cũng quan tâm tới khía cạnh hình thức để xác định quan hệ lao động. Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.
Cho dù giữa tài xế và hãng xe chỉ gọi tên là hợp đồng hợp tác hay tên gọi khác thì mối quan hệ này vẫn có các đặc điểm định hình của một quan hệ lao động như việc làm – vận chuyển hàng hóa cho người mua hoặc chở khách. Bên cạnh đó, hãng xe công nghệ cũng quản lý tài xế thông qua chính ứng dụng gọi xe, các thông tin cá nhân của tài xế, lộ trình giao nhận hàng hóa đều được công ty quản lý. Hơn nữa, việc mặc đồng phục đặc trưng riêng của hãng cũng là một cách thức để nhận diện và thuận tiện trong quản lý hoạt động của tài xế.
Ngoài ra, Bộ luật Lao động 2019 cũng bước đầu chấp nhận hợp đồng lao động điện tử. Hợp đồng điện tử(3) là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu, tức là được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử. Nền tảng điện tử ngày càng được sử dụng phổ biến giúp việc xác lập các giao dịch được thuận tiện và nhanh chóng.
Việc xác lập thỏa thuận giữa tài xế và hãng xe công nghệ ngay trên ứng dụng của hãng gọi xe công nghệ dường như không làm thay đổi bản chất của một thỏa thuận việc làm ràng buộc giữa tài xế và công ty xe công nghệ mà còn củng cố thêm bản chất quản lý của công ty công nghệ trong việc điều hành tài xế và các giao dịch vận chuyển cho khách hàng.
Ở khía cạnh người tiêu dùng, có vấn đề phát sinh trong việc giao nhận hàng với tài xế, thông thường người tiêu dùng sẽ liên hệ đến các công ty xe công nghệ để phản ánh về sự việc cũng như tìm kiếm sự giải quyết của các công ty xe công nghệ.
Từ các điểm trên có thể thấy “bóng dáng” của một mối quan hệ lao động giữa tài xế và công ty xe công nghệ theo pháp luật lao động hiện hành.
Cơ hội thiết lập lại mối quan hệ với công ty xe công nghệ?
Một điểm chung của các vụ kiện ở Anh và Hà Lan nói trên là tài xế “người trong cuộc” là người khởi kiện hãng xe công nghệ ra trước tòa án. Quay trở lại Việt Nam, hiện nay, chưa ghi nhận vụ kiện của tài xế kiện công ty xe công nghệ tại tòa án để yêu cầu công nhận hợp đồng lao động.
Có quan điểm cho rằng việc tài xế khởi kiện như ở nước ngoài là không thể do tòa án Việt Nam sẽ xem xét liệu tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp này không vì Bộ luật tố tụng dân sự 2015(4) chỉ liệt kê các tranh chấp/yêu cầu về lao động thuộc thẩm quyền của tòa án, tức phải xác định mối quan hệ của tài xế và công ty xe công nghệ là quan hệ lao động trước khi tòa án thụ lý giải quyết vụ án, lại thành ra bài toán “con gà có trước hay quả trứng có trước”.
Ngược lại, có quan điểm lại cho rằng Bộ luật tố tụng dân sự cũng đã có quy định tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng(5) cũng như nguyên tắc giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp chưa có điều luật để áp dụng thì có thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật, án lệ hay lẽ công bằng(6) cho nên nếu có vụ kiện tài xế kiện công ty xe công nghệ thì có thể tòa án vẫn thụ lý giải quyết.
Bên cạnh đó, cũng có quan điểm cho rằng thanh tra lao động có quyền kiến nghị xác định mối quan hệ giữa tài xế và công ty xe công nghệ là quan hệ lao động vì Bộ luật Lao động tại chương 16 có quy định về nội dung thanh tra lao động trong đó có nội dung thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật lao động; xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về lao động.
Một khi thanh tra cho rằng mối quan hệ giữa tài xế và công ty tồn tại quan hệ lao động nhưng các bên đã không tuân thủ quy định về pháp luật lao động thì họ có quyền xử lý vi phạm trong thẩm quyền.
Thiết nghĩ, trên thế giới việc xác định mối quan hệ tài xế và công ty xe công nghệ đã nghiêng dần hẳn về quan hệ lao động và tài xế đã là nhân viên chính thức, song tài xế công nghệ trong nước vẫn là lao động tự do “đối tác tài xế” và vẫn tiếp tục mong chờ các phúc lợi. Câu chuyện có thể chưa ngã ngũ khi người trong cuộc chưa lên tiếng cũng như chưa có sự can thiệp từ cơ quan có thẩm quyền hoặc chưa có quy định của pháp luật rõ ràng hơn cho mối quan hệ này.
(*) Công ty Luật TNHH ADK & Co Việt Nam Lawyers
(1) https://tuoitre.vn/tai-xe-xe-cong-nghe-cho-phuc-loi-20210324230618229.htm
(2) Điều 13.1 của Bộ luật Lao động 2019.
(3) Điều 33 của Luật giao dịch điện tử 2005.
(4) Điều 32 và điều 33 của BLTTDS 2015.
(5) Điều 4.2 của BLTTDS 2015.
(6) Điều 45 của BLTTDS 2015.