Thứ Bảy, 5/10/2024
35.6 C
Ho Chi Minh City

Từ căn gác áp mái

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Từ căn gác áp mái

(minh họa: Khều)

(TBKTSG) - Mỗi lần đưa con về quê ngoại, thị trấn Vị Xuyên nhỏ bé bên dòng sông Lô (Hà Giang), là một lần tôi được trở lại thế giới thần tiên của mình. Đó là căn gác áp mái nhà. Chỗ đứng thoải mái nhất là nơi chính giữa, nối hai mái nhà với nhau, nhưng cũng chỉ cần giơ tay là chạm tới những viên ngói nâu, viên lành nằm lẫn với viên nứt.

Bên ngoài ô cửa nhỏ xíu mà bố tôi lắp bằng một mảnh kính, cách một vài ngọn cây là rừng mả (nghĩa địa của người Tày). Đứng ở đó, nhìn ra có thể thấy rất rõ những chú sóc đẹp như trong truyện cổ tích với cái đuôi rất dài, mắt tròn xoe, đen óng ánh, gặm một cách vội vã những thứ quả kiếm được.

Tôi còn một chiếc hòm gỗ trên đó. Trong hòm là một vài cuốn vở lớp mười hai, lưu bút, một tập báo “Hoa học trò” những số đầu tiên, một ít truyện thiếu nhi - phần nhiều là truyện của nhà văn Vũ Tú Nam, mấy cuốn văn học nước ngoài: Ông già Khốt ta bít, Cuộc phiêu lưu của Carích và Valya, Bác sỹ Bôvarít, và đặc biệt là Chó hoang Đingô... Đó là những cuốn sách tôi đã đọc ít nhất ba lần.

Những năm cuối thập kỷ 1980, ở quê tôi mua được một cuốn sách hay rất hiếm. Thỉnh thoảng vào cuối vụ thu hoạch cam, bố mẹ tôi mang cam lên chợ huyện bán bằng xe đạp. Vào Chủ nhật, tôi có thể được đi theo. Bán xong hai sọt cam, bao giờ bố cũng dẫn tôi vào hiệu sách Nhân dân nằm ở trung tâm thị xã.

Người bán sách là một cô rất xinh, xởi lởi. Có cuốn sách thiếu nhi nào mới là cô lại mang ra. Nhưng chúng tôi không có nhiều tiền, nên mỗi lần chỉ mua được một ít, thường là những cuốn nhỏ xíu như Chú lính chì dũng cảm, Bầy chim thiên nga, Alixơ ở xứ sở diệu kỳ... thỉnh thoảng mới được mua một cuốn dày độ hai ba trăm trang.

Thế là tôi đọc hết, nghiến ngấu từ thế giới cổ tích sang vụ án, điều tra, và cả sách khoa học... Đến khi lên lớp 4, tôi chỉ mơ ước sau này được làm công an. Tôi sẽ xông pha những nơi nguy hiểm, đối mặt với tội phạm, đưa chúng ra trước pháp luật. Lớn thêm vài tuổi nữa, tôi chuyển ước mơ trở thành nhà văn. Tự tôi sẽ viết sách, đầu tiên là viết cho bố mẹ và các anh tôi, để... họ khỏi phải mất tiền mua.

Căn gác áp mái bây giờ chỉ dùng để đồ cũ. Một cái hòm gỗ rất to, với một ổ khóa cũng rất to. Đặt cạnh cái hòm to của mẹ là hòm của tôi. Cái hòm đựng những cuốn sách vốn là tài sản quý giá nhất mà tôi nâng niu suốt những năm tháng tuổi thơ. Còn có cả một tập hàng chục cuốn sách mini, tôi cẩn thận đóng lại với nhau, ở trang 3 cuốn đầu tiên tôi ghi danh sách những cuốn có trong tập. Dưới cùng ghi: “Sách của Thúy, nghiêm cấm xâm phạm”. Sau này, khi thằng cháu lấy ra xem, nó cười ha ha: Có mà cho cháu thèm vào. Bây giờ toàn sách xịn, cháu lấy cho mà xem!

Sàn gác lát bằng gỗ gạo, trên mặt sàn bây giờ toàn phân gián, thạch sùng chạy hàng đàn loạt soạt ngay trên đầu. Đầu hồi còn có một ô cửa sổ có miếng kính có thể kéo ra, đóng vào. Lúc nhỏ, tôi thường nằm ngửa ra trên sàn, thò hai chân qua hai khe lan can, đong đưa bên ngoài và gặm nhấm từng trang sách cũ. Thỉnh thoảng tôi còn mang cả một đống ổi xanh lên để bên cạnh vừa đọc sách, ăn ổi vừa để gió rừng len qua lan can lùa vào mát rượi.

Tôi tha hồ đọc, nghĩ lẩn thẩn: Tại sao con thạch sùng lại trong veo đến mức nhìn thấy hết cả ruột gan, thịt nó như thế nào, hay nó không có thịt, người nó là một túi bằng nước? Tại sao buổi sáng thì gió thổi từ ngoài sông vào, buổi trưa và chiều lại thổi từ trong khe ra? Chúng tôi khi ấy chưa biết điện là gì nên mẹ tôi thường không thể hiểu nổi vì sao tôi lại cứ ở lỳ trên gác - nơi nóng nhất trong nhà. Làm sao mà mẹ hiểu được. Nói ra có khi còn bị mắng là lẩn thẩn. Nên tôi thường im lặng, nhe răng cười.

Cuốn sách của tôi vẫn nằm đó, trong chiếc hòm đã bị mọt đục thủng một góc. Những con thạch sùng vẫn tắc lưỡi từng tràng dài trên mái, từng đám phân gián vung vãi. Lâu rồi mẹ tôi ít dọn căn gác này vì bà bị đau khớp, leo trèo rất khó khăn. Giờ thì tôi không còn thò được hai chân qua khe lan can nữa vì nó trở nên quá chật, nhưng gió từ trong khe núi lùa ra thì vẫn tràn vào được căn gác, không gian chật hẹp bỗng chốc trở nên rộng mênh mông.

Giờ thì tôi đã có thể tự viết được một cuốn sách. Nhưng buồn làm sao, bố mẹ thì đã già, mắt mờ, tư duy cũng không còn linh hoạt nữa. Các anh tôi thì bận việc gia đình, vợ con, sự nghiệp. Các cháu tôi thì thích truyện Nhật Bản, truyện Mỹ... Cái ước mơ bé bỏng khi xưa trở thành hiện thực, nhưng mục đích của nó thì khác, viết cho mình trước, có ai rảnh rỗi thì cùng chia sẻ.

Dẫu sao, như bố tôi nói với mẹ mỗi khi bà thắc mắc việc tôi ở lỳ trên căn gác: “Mặc kệ nó. Sau này, nó lớn rồi thì bà sẽ biết tại sao”. Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu nổi tại sao bố tôi lại có thể biết trước được rất nhiều điều sẽ đến trong cuộc đời của mấy anh em chúng tôi. Khi tôi tuyệt vọng vì thi trượt đại học, nằm bò trên căn gác viết những câu chuyện trẻ con vớ vẩn và gửi một cách mù quáng đi các báo, bố nói: Đấy mới chính là công việc của con, đấy mới chính là con đường mà sau này con sẽ đi.

Con đường mà tôi đang đi đã được bắt nguồn từ căn gác áp mái chật hẹp ấy, và từ bên ngoài, luôn có những đôi mắt sóc nhìn vào đầy ngụ ý.

ĐỖ BÍCH THÚY

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới