Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Từ câu chuyện Sony, nghĩ về ngành ô tô

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Từ câu chuyện Sony, nghĩ về ngành ô tô

Lắp ráp ô tô tại Nhà máy Toyota Việt Nam – Ảnh: HÙNG LÊ

(TBKTSG Online) – Sự kiện Sony, một thương hiệu điện tử toàn cầu tuyên bố đóng cửa nhà máy sản xuất ở Việt Nam mới đây đã gây sự chú ý của nhiều người. Qua việc này, không ít người liên tưởng đến tương lai của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Lý do thực sự

Lãnh đạo một liên doanh sản xuất hàng điện tử quy mô lớn của Việt Nam đã phì cười khi Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online hỏi ý kiến của ông về thực hư lý do Sony đóng cửa nhà máy ở Việt Nam. Theo ông, tuyên bố này của Sony là quá muộn so với kế hoạch đặt ra ban đầu kể từ khi họ đặt chân đến thị trường Việt Nam cách đây 14 năm.

Theo giấy phép ban đầu, Sony (Nhật Bản) liên doanh với Công ty cổ phần Tân Bình (Viettronics Tân Bình) thành lập Nhà máy Sony Việt Nam từ năm 1994, trong đó phía nước ngoài chiếm 70% vốn với thời hạn xin phép chỉ 10 năm. Nghĩa là nhà máy của liên doanh dự kiến kết thúc vào năm 2004. Tuy nhiên hai bên đã thống nhất tiếp tục duy trì và gia hạn hai lần đến năm 2010. Đến nay chưa hết thời gian gia hạn thì nhà máy của liên doanh này đã chấm dứt hoạt động.

Tương tự, một số công ty điện tử của Nhật khác chuyên sản xuất các sản phẩm nghe nhìn cũng xin giấy phép hoạt động trong thời gian là 10 năm, có thể kể đến như JVC, Toshiba, Matsushita… Ngay từ khi xin phép lập nhà máy lắp ráp ở Việt Nam, các công ty điện tử Nhật này đã tính đến thời điểm đóng cửa những nhà máy của họ ở khoảng thời gian từ năm 2004 đến 2006, sớm hơn một chút hoặc đúng vào thời điểm Việt Nam gia nhập hoàn toàn vào khu vực tự do thương mại ASEAN (AFTA).

Không phải ngẫu nhiên mà các doanh nghiệp Nhật đều xin thời hạn hoạt động cho liên doanh của mình chỉ có 10 năm, ngắn hơn nhiều so với các công ty đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc… Bởi khi đó, theo lộ trình gia nhập AFTA, thuế nhập khẩu hàng điện tử nguyên chiếc của Việt Nam giảm dần xuống còn 0-5% vào năm 2006 so với mức thuế trước đó từ 40% trở lên.

Theo phân tích của các chuyên gia, như vậy các doanh nghiệp điện tử của Nhật đến Việt Nam trong thời gian 10 năm đăng ký hoạt động chủ yếu là mở nhà máy lắp ráp trong nước để lách chínhh sách thuế nhập khẩu. Đây cũng là khoảng thời gian để họ củng cố thị phần bởi vì thuế nhập khẩu linh kiện rời không đồng bộ khi đó chỉ ở mức từ 7-15%.

Hơn 10 năm qua, ngành sản xuất linh kiện Việt Nam vẫn bị các nhà đầu tư đánh giá còn yếu kém, giá sản phẩm lại còn cao hơn nhiều so với linh kiện nhập. Trong khi đó, các nhà sản xuất điện tử nước ngoài có mặt ở Việt Nam chủ yếu chỉ làm công đoạn cuối là lắp ráp sản phẩm, đóng gói với những sản phẩm. Những linh kiện sản xuất các liên doanh sử dụng để lắp ráp chủ yếu đến từ việc nhập khẩu.

Mặc dù nằm trong kế hoạch ban đầu là sẽ ngưng việc lắp ráp sản xuất ở Việt Nam cách đây 3-4 năm nhưng các liên doanh này vẫn chưa dừng hoạt động được bởi lộ trình mở cửa cho các nhà đầu tư nước ngoài hoạt động lĩnh vực phân phối vẫn chưa được rộng rãi. Mặt khác, thị trường tiêu thụ của Việt Nam trong lĩnh vực này luôn tăng trưởng cao. Do đó, các liên doanh này vẫn duy trì hoạt động, nhưng mức độ đầu tư thêm, mở rộng sản xuất thì dường như dậm chân tại chỗ.

Từ năm 2009, theo lộ trình cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam cho phép thương nhân và công ty nước ngoài thực hiện chức năng nhập khẩu. Sony và các công ty điện tử Nhật khác muốn tận dụng chính sách này để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của mình tại Việt Nam, sử dụng sản phẩm được sản xuất ở các nhà máy khác của Sony toàn cầu để cung cấp cho thị trường này. Mặt khác, phần lớn sản phẩm ti vi được sản xuất tại nhà máy của Sony đặt tại quận Bình Thạnh (TPHCM) là tiv i bóng đèn hình, trong khi nhu cầu ti vi màn hình LCD đang tăng lên.

Không chỉ Sony có kế hoạch này mà ngay cả Tập đoàn Matshushita với thương hiệu Panasonic cũng đã đi trước một bước cho kế hoạch chuyển hướng này. Tập đoàn này đã thành lập Công ty TNHH Panasonic Việt Nam – công ty mẹ-con 100% vốn nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam từ năm 2005.

Bên cạnh việc sản xuất, từ năm 2005, Panasonic Việt Nam cũng đảm nhận các hoạt động tiếp thị, bán hàng, cũng như nhập khẩu các sản phẩm từ các công ty Panasonic thuộc tập đoàn. Nhờ chức năng tiếp thị và bán hàng đối với các sản phẩm nhập khẩu của Panasonic Việt Nam, Panasonic sẽ cung cấp cho thị trường nhiều chủng loại sản phẩm hơn.

Các chuyên gia nhận định rằng điện tử là ngành tự động hóa cao nên giá nhân công rẻ hầu như không mang lại lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, mà sức cạnh tranh nằm ở khả năng sản xuất và cung cấp linh kiện. Vậy, việc có mặt của các liên doanh lâu nay đã đóng góp gì cho ngành điển tử Việt Nam?  Với tình hình này, rõ ràng sắp tới đây, hàng điện tử nghe nhìn của các hãng điện từ này vào Việt Nam sẽ được nhập khẩu từ Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia…

Lo cho ngành ô tô

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường ngành điện tử nghe nhìn của Việt Nam rất lớn và có mức tăng trưởng ổn định cao mỗi năm, nhưng đến nay các nhà sản xuất điện tử hàng đầu của Nhật gần như chỉ tính đến việc nhập khẩu để kinh doanh.

So sánh với thị trường ô tô – không phải là một thị trường rộng lớn như ngành điện tử. Bên cạnh đó, công nghiệp phụ trợ cho ngành ô tô cũng không hơn gì so với ngành điện tử. Vậy, cơ hội để các nhà sản xuất ô tô phát triển, mở rộng sản xuất tại thị trường Việt Nam hay không còn phải xem xét lại.

Sự kiện hãng xe đến từ Nhật Bản Daihatsu tuyên bố đóng cửa nhà máy tại Việt Nam năm 2007 cùng với việc hãng xe nổi tiếng của Đức – BMW (đã ra đi trước đó), quay trở lại Việt Nam bằng con đường nhập khẩu xe nguyên chiếc đang cho thấy một hướng đi mới của các nhà sản xuất ô tô thế giới ở thị trường Việt Nam. Nhiều chuyên gia dự báo rằng, có thể sẽ còn nhiều doanh nghiệp lắp ráp khác nối gót Daihatsu sau khi Việt Nam hoàn tất cắt giảm thuế theo cam kết WTO.

Hiện nay, có ít nhất hai nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới là Mercedes-Benz và Toyota đã nhận được giấy phép nhập khẩu ô tô tại Việt Nam. Nguồn tin riêng của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online cho biết nhiều nhà sản xuất ô tô lớn khác ở Việt Nam cũng đang xin giấy phép nhập khẩu.

Mặc dù các số doanh nghiệp này cam kết rằng họ sẽ chỉ nhập các loại xe chưa lắp ráp ở Việt Nam hoặc xe cao cấp với quy mô thị trường nhỏ, nhưng điều này cũng dấy lên nỗi lo ngại cho tương lai ngành công nghiệp ô tô. Cụ thể là nếu hàng rào thuế quan nhập khẩu ô tô đang ở mức cao chót vót như hiện nay sẽ bị tháo dỡ hoàn toàn theo lộ trình cam kết với WTO của Việt Nam.

Như BMW, sau khi quyết định chia tay với đối tác Việt Nam là VMC vào năm 2005 đã quay trở lại Việt Nam thông qua nhà nhập khẩu chính thức là Công ty Euro Auto với nhiều kỳ vọng sẽ tạo ra diện mạo mới cho nhãn hiệu này tại Việt Nam. Sau một năm hoạt động, Euro Auto đã nhanh chóng mở ba phòng trưng bày tại Hà Nội và TPHCM với việc giới thiệu những chiếc xe mới nhất mà BMW toàn cầu vừa tung ra. Công ty cũng đang đầu tư một phòng trưng bày hiện đại đạt tiêu chuẩn của BMW toàn cầu tại Khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Một doanh nghiệp lớn khác đến Việt Nam gần đây qua con đường nhập khẩu xe nguyên chiếc phải kể đến là hãng Nissan (Nhật Bản). Tập đoàn này nhận được giấy phép đầu tư lắp ráp và sản xuất ô tô ở Việt Nam đặt nhà máy tại Đà Nẵng từ năm 1996 với số vốn đăng ký lên đến 110 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên, do nhiều lý do, đến nay Nissan cũng vẫn chưa tiến triển trong việc triển khai dự án của mình ở Việt Nam.

Tổng giám đốc điều hành của Nissan ông Carlos Ghosn đã vài lần lặng lẽ đến Việt Nam để khảo sát thị trường. Cho đến giờ, nhà máy lắp ráp của Nissan vẫn chưa được triển khai mà chỉ thấy thị trường có thêm nhiều nhà nhập khẩu xe nguyên chiếc của hãng. Hãng đã có năm phòng trưng bày ở TPHCM, Hà Nội và Vinh.

Theo tính toán, quy mô thị trường ô tô phải ở mức hàng trăm ngàn xe/năm mới đảm bảo đầu tư có hiệu quả. Theo các chuyên gia trong ngành, trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập WTO, Chính phủ sẽ không bắt buộc các doanh nghiệp lắp ráp ô tô nội địa hóa nữa nhưng do sức ép cạnh tranh với nhau ngày càng lớn, doanh nghiệp không muốn mất thị phần sẽ phải tìm cách nâng tỷ lệ phụ tùng sản xuất trong nước nhằm hạ giá thành sản phẩm. Nhưng điều này chỉ thích hợp đối với những hãng xe đã có thị phần tương đối lớn.

Có thể sự ra đi của BMW và Daihatsu chưa đủ để khái quát cho một xu hướng mới, song việc trở lại của BMW bằng con đường nhập khẩu xe nguyên chiếc để bán cũng như các hãng xe khác như Nissan, Porsche và một số hãng đã đến trước như Hyundai, Kia, Land Rover, Peugeot rõ ràng đang tạo ra một phân khúc xe nhập khẩu và  chứng tỏ một thực tế là ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang bắt đầu tự thanh lọc.

QUỐC HÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới