Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Từ chuyện câu cú, ngôn từ…

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Từ chuyện câu cú, ngôn từ…

Nguyên Tấn

Minh họa: Khều.

(TBKTSG) – Một thông tư quy định về kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật đang được Bộ Tư pháp soạn thảo và lấy ý kiến đóng góp. Vấn đề nghe qua tưởng bình thường nhưng dự thảo thực chất đang động đến một vấn đề không nhỏ: chất lượng văn bản nhìn từ hình thức, câu cú, ngôn từ…

Những khái niệm đánh đố

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, trong một hội thảo bàn về chính sách, pháp luật, đã bức xúc phát biểu: “Nhiều văn bản luật hiện nay chất lượng rất kém, câu cú tối nghĩa, nội dung mâu thuẫn, đọc cứ lộn tùng phèo…”.

Tâm trạng của ông Kiệt cũng là tâm trạng chung của không ít người. Một trường hợp được luật sư Trần Thanh Tùng, Công ty Luật P&P, dẫn ra là quy định gây tranh cãi mới đây về cổ phần. Về bản chất cũng đều là một loại cổ phần nhưng Luật Doanh nghiệp 2005 thì gọi là “cổ phần được quyền chào bán” nhưng đến Nghị định 102/2010/NĐ-CP thì bỗng dưng được biến thành cách gọi khác – cổ phần được quyền phát hành. Nghị định 43/2010/NĐ-CP lại đưa ra một quy định hết sức khó hiểu “vốn điều lệ công ty cổ phần không bao gồm giá trị của số cổ phần được quyền chào bán”.

Luật sư Nguyễn Thanh Tâm kể một trường hợp liên quan đến vụ việc doanh nghiệp kiện cơ quan quản lý thị trường do đã tịch thu hàng hóa trái pháp luật. Khi bắt tay vào tư vấn, các luật sư đã phát hiện hàng loạt sự tùy tiện trong việc sử dụng ngôn ngữ trong các văn bản pháp luật. Ví dụ, Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính 2002 quy định: tang vật vi phạm hành chính thuộc loại “cấm lưu hành” thì bị tịch thu. Thế nhưng, xuống các văn bản hướng dẫn thì khái niệm này bị biến hóa thành những khái niệm mới như: hàng hóa “cấm lưu thông” (Nghị định 175/2004/NĐ-CP); hàng hóa “cấm kinh doanh” (Nghị định 59/2006/NĐ-CP)… Các khái niệm nói trên đều khác nhau về ngữ nghĩa. Lưu hành là “đưa ra dùng ở khắp nơi”; lưu thông là “chuyển dễ dàng từ nơi này đến nơi khác” (theo “Từ và ngữ Việt Nam”, Nguyễn Lân); còn kinh doanh là “quá trình đầu tư… nhằm mục đích sinh lợi” (Luật Doanh nghiệp 2005).

Hoặc một quy định cũng đang gây nhiều thắc mắc do quá chung chung là điều 22, Pháp lệnh Ngoại hối. Điều luật này nói rằng “trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối…”. Rất khó có thể xác định khái niệm “giao dịch” – ở đây có nghĩa là gì khi bản thân Pháp lệnh Ngoại hối và các văn bản hướng dẫn đều không giải thích rõ. Xét theo cú pháp, khái niệm này có thể được hiểu là tập hợp những hành vi khác với hành vi thanh toán, niêm yết, quảng cáo vì những khái niệm này đều được xếp ngang hàng, độc lập với nhau trong câu trên (!). Nếu đúng như thế thì quả là vô lý!

“Vẫn còn tồn tại một số lượng không nhỏ văn bản quy phạm pháp luật được trình bày và thể hiện thiếu thống nhất; ngôn ngữ sử dụng trong văn bản chưa thực sự dễ hiểu…”. Trong tờ trình về dự thảo thông tư về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật từ cấp Chính phủ trở xuống (gọi tắt là dự thảo thông tư), Vụ Pháp luật hình sự-hành chính của Bộ Tư pháp cũng đã thừa nhận như trên. Đây cũng là lý do dẫn đến sự cần thiết phải xây dựng dự thảo thông tư nói trên, vụ này cho biết.

Sai chuẩn, xử lý ra sao?

Nhiều chuyên gia cho rằng mục tiêu của dự thảo thông tư là tốt. Tuy nhiên, vẫn có một vấn đề gây băn khoăn.

“Dự thảo đặt ra các quy chuẩn phải có của một văn bản pháp luật. Vậy thì giả sử một văn bản pháp luật được ban hành mà không đảm bảo những quy chuẩn ấy thì sao? Nó có bị vô hiệu hay không và cơ chế nào để xử lý việc đó?”, TS. Nguyễn Vân Nam, Giám đốc Công ty Luật Nam Hùng, đặt vấn đề. Đúng là dự thảo thông tư đã không có phần chế tài. Trong khi đó, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2008, cơ chế để phát hiện sai sót nhằm sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản thường thông qua việc kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, những sai sót ấy phải là những sai sót mang tính trái pháp luật (ví dụ, ban hành trái thẩm quyền; nội dung trái luật, trái Hiến pháp; trái loại văn bản được quy định…), còn liên quan đến trình bày, câu chữ, ngôn từ thì luật không quy định. Như vậy, quy định chế tài như thế nào đối với những hành vi này xem ra không đơn giản vì khó có cơ sở pháp luật để xử lý?

Theo luật sư Đặng Dũng, Văn phòng Luật sư Đặng Dũng & Ninh Hòa, với tình trạng pháp luật mù mờ như hiện nay, nên thúc đẩy một cơ chế giải thích pháp luật hoạt động hiệu quả. Hiện nay, chỉ có Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới có thẩm quyền giải thích luật, Hiến pháp nhưng cơ quan này rất hiếm khi sử dụng chức năng của mình. “Nếu tôi nhớ không lầm thì chỉ mới một lần duy nhất trong khóa XI, có ra một nghị quyết giải thích một điều khoản của Luật Thương mại, xuất phát từ đề nghị của đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng”, luật sư Dũng phát biểu. Cũng theo ông Dũng, quy định hiện hành chỉ mới cho phép đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án Nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao được quyền yêu cầu giải thích luật. “Cần phải mở rộng quyền này cho tất cả người dân, các tổ chức, trong đó có các văn phòng luật sư, các doanh nghiệp”, ông Dũng đề nghị.

Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Vân Nam, ở các nước phát triển chỉ có tòa án mới có thẩm quyền giải thích luật và xét xử các tranh chấp liên quan đến vấn đề này. “Ngay cả Đức là nước có nền lập pháp rất phát triển nhưng vẫn có những văn bản sai sót, kể cả sai sót về câu chữ. Điều quan trọng là họ có cơ chế để xử lý những sai sót ấy”, ông Nam nói. Cả ông Nam và ông Dũng đều cho rằng chất lượng văn bản pháp luật muốn được nâng cao thì việc nên làm là thu hút các chuyên gia giỏi vào việc soạn thảo luật, thay vì giao cho các bộ “tự biên tự diễn” như hiện nay. Về lâu dài, cần nâng chất lượng đào tạo trong các trường luật để tạo nguồn nhân lực. “Tôi còn nhớ có một giáo sư rất giỏi ở Đức thường nói với sinh viên khi họ mới bắt đầu vào học rằng “luật học trước hết là một môn khoa học của ngôn ngữ”. Sinh viên trường luật của họ được đào tạo rất kỹ về ngôn ngữ. Trong khi nhiều sinh viên luật ra trường của ta hiện nay viết không nổi một đơn kiện…”, TS. Nam kể.

– Văn bản phải sử dụng ngôn ngữ viết; cách diễn đạt phải rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu.

– Trong văn bản có thuật ngữ chuyên môn cần phải làm rõ nội dung thì thuật ngữ đó phải được giải thích.

-Từ ngữ được sử dụng trong văn bản phải thể hiện chính xác nội dung cần truyền đạt, không làm phát sinh nhiều cách hiểu; trường hợp dùng từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa thì phải giải thích theo nghĩa được sử dụng trong văn bản.

– Câu văn phải đầy đủ về nội dung, hoàn chỉnh về hình thức và bảo đảm tính liên kết giữa các bộ phận của câu văn.

– Câu văn phải ngắn gọn, trong sáng; không dùng từ thừa trong câu. (Trích dự thảo Thông tư về thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ và văn bản quy phạm pháp luật liên tịch)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới