Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Từ chuyện miếng ăn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Từ chuyện miếng ăn

Hồng Phúc

(minh họa: Khều).

(TBKTSG) – Trong cuốn “Khách không mời” của nhà văn nữ Trung Quốc Geling Yan có kể chuyện anh công nhân thất nghiệp Đan Đông sống với cô vợ Tiểu Mai tại vùng ngoại ô bẩn thỉu của Bắc Kinh. Một lần đi xin làm bảo vệ khách sạn, anh đã “phát hiện” ra nghề đóng giả nhà báo đi ăn tiệc và lấy phong bì. Và qua nghề ăn tiệc, anh mới phát hiện ra nhiều con rệp ăn tiệc khác nữa.

Tất cả đều không cưỡng nổi cám dỗ của những đầu càng cua, lườn chim câu, tôm viên tuyết hoa hay vây cá mập… Chúng quá ngon so với món cháo đậu chát triền miên ở quê anh, so với những bữa cơm chỉ có canh suông.

Đan Đông có dịp biết đến những của ngon vật lạ mà người có tiền cũng chưa hẳn được ăn. Khi run rẩy gắp món ăn làm từ một-ngàn-đầu-càng-cua, chỉ chực làm rơi trước khi đưa tới miệng, Đan Đông nhớ lại những bữa khoai lang mót mà anh đã phải bới đi bới lại toạc cả móng tay trên cánh đồng sau thu hoạch, không dám dùng xẻng để khỏi xén vào khoai.

Đan Đông nhớ đến món “cao lương mỹ vị” ở quê chỉ là châu chấu nướng và lời mẹ bảo cứ uống nước nửa đêm nếu con thấy đói bụng; nhớ đến việc anh quyết tâm đi bộ đội chỉ vì nghe nói ở bộ đội thường xuyên có bánh bao nhân thịt; nhớ đến hàng xóm của anh có đặc sản là đồ hộp hết hạn. Lương tháng của họ chưa bằng một cốc bia ở trong những hội trường này.

Câu chuyện của Đan Đông liệu có khác ở Việt Nam? Tôi cũng đã từng có cơ hội đến các bữa tiệc, nơi mà như cách nói của một đồng nghiệp, là có “con tôm to bằng cái điện thoại”.

Cả đời tôi quả chưa từng thấy con tôm thật như thế, nhưng tôi dám chắc, hầu hết những người đang ngồi trong những bữa tiệc sang trọng đang diễn ra hàng ngày kia đã từng đi qua những bữa ăn chỉ một bát cơm độn bắp, bo bo hay khoai mì, đi qua những ngày xếp hàng đợi gạo mọt hay mỡ bò viện trợ. Có những người sẵn sàng mắng chị bán rau vì bán đắt vài trăm đồng nhưng không hề tiếc tiền để nhậu nhẹt với hóa đơn hàng triệu đồng.

Còn có bao nhiêu bữa tiệc như anh chàng Đan Đông đã tham dự? Chiêu đãi nhân dịp phát động phong trào bảo vệ loài cầm điểu nhưng món ăn lại toàn thịt chim quý mà món tinh túy nhất là thịt chim công. Nhưng tan tiệc, kết thúc những bữa giao lưu hoành tráng, chẳng ai dám gói thức ăn thừa ngồn ngộn mang về.

Các cụ có câu “miếng ăn là miếng nhục”, vì thế người Việt mình vốn sĩ diện, ít động đến cái ăn, trừ ông Nam Cao. Nhưng không chỉ thời bao cấp, đến bây giờ miếng ăn vẫn là chuyện lớn của những người nghèo.

Cô bé giúp việc hồi mới tới nhà tôi chỉ thích ăn mì tôm. Ở nhà cháu ốm mới được ăn mì tôm, nên có lần thèm quá cháu phải giả vờ bị ốm. Nó ăn sáng, thậm chí ăn trưa bằng mì tôm liền suốt mấy tháng trời.

Hôm vừa rồi về quê ăn Tết, cô chú hỏi mẹ mổ mấy con gà, nó buồn thiu bảo “không có con mô”. Ba con bò bị ốm chết trước Tết, đùng một cái mất hàng chục triệu đồng, mẹ nó phát ốm vì tiếc của. Tết mà nhà chỉ có tý thịt lợn. Đến khi ăn thịt gà, nó khóc bảo cháu thương em cháu ở nhà không có thịt gà ăn. Nhà nó chỉ có hai bữa cơm, sáng và chiều, ai đói ăn thêm khoai, sắn. Thức ăn thường xuyên là món cá nục loại nhỏ, giá 5.000 đồng/ki lô gam. Cái gì cũng phải  tiết kiệm, một tháng nhà nó chỉ hết 7.000 đồng tiền điện.

Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo ở Việt Nam được công bố giảm, nhưng thực tế, chất lượng sống của nhiều gia đình đã được đưa ra khỏi danh sách nghèo dường như chưa thay đổi nhiều. Giá cả tăng, hay suy thoái kinh tế dường như dễ hiểu hơn với người thu nhập thấp bởi nó hiển hiện trong bữa ăn hàng ngày.

Nếu một gia đình trung lưu ở thành phố chi bình quân 100.000 đồng/ngày cho tiền thức ăn thì ở nông thôn, một lần đi chợ chỉ dưới 20.000 đồng. Nhiều công nhân Việt Nam vẫn phải ăn những suất ăn dưới 10.000 đồng/ngày, hiển nhiên nó không đảm bảo chất lượng và sức khỏe.

Theo Viện Dinh dưỡng – Bộ Y tế, dân thành phố hiện dùng sữa nhiều gấp bốn lần so với dân nông thôn. Và ở  Tây Bắc, chỉ có 3,1% trẻ được sử dụng thịt hơn một lần trong ngày.

Không chỉ bất cân bằng về chất lượng bữa ăn, người thành phố đang có xu hướng ăn uống thiếu khoa học hơn. Trước đây chất béo chỉ chiếm 6% năng lượng khẩu phần trong bữa ăn của người Việt Nam, nhưng nay con số này đã vượt trên 25% đối với một bộ phận cư dân đô thị. Về lượng thịt, cư dân một số thành phố vẫn ăn tới 150 gram thịt đỏ/ngày, trong khi con số phù hợp chỉ dưới 100 gram/ngày/người.

Một nhà kinh tế nói với tôi rằng ông nghi ngờ hiệu quả kích cầu ở nông thôn bởi kích làm sao khi bản thân nông dân không có tiền. Và cũng chính vì sức mua của nông dân quá yếu, nên mặc dù Việt Nam hiện có tới năm bộ và 1.157 văn bản quy phạm pháp luật để quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng người nghèo dù biết “tiêu” thì vẫn phải “dùng”, dù không đảm bảo chất lượng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới