Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Từ chuyện nông dân thiếu đói

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Từ chuyện nông dân thiếu đói

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

(TBKTSG) – Theo số liệu tổng hợp từ 21 huyện, thị xã của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa thì vào đầu tháng 5-2011 cả tỉnh có tới 93.283 hộ (241.558 nhân khẩu) đang thiếu đói lương thực.

Các hộ thiếu đói mùa giáp hạt tập trung ở các huyện miền núi và vùng ven biển. Riêng bảy huyện miền núi nghèo nhất tỉnh là những địa phương có số hộ thiếu đói nhiều nhất. Một phó chủ tịch UBND huyện vùng cao biên giới Mường Lát – một trọng điểm thiếu đói lương thực ở Thanh Hóa, cho biết: “Ngoài số hộ ở các bản biên giới thiếu đói thường xuyên, hiện đang được trợ cấp gạo với mức 15 ki lô gam/nhân khẩu/tháng thì trên địa bàn huyện hiện có tới 1.878 hộ (9.049 nhân khẩu, chiếm gần một phần ba dân số của huyện) đang thiếu đói gay gắt”.

Toàn huyện Mường Lát hiện chỉ có 560 héc ta đất nông nghiệp cấy được lúa nước, trong khi có hơn 30.000 nhân khẩu ở nông thôn, nên thường xuyên thiếu lương thực. Còn diện tích nương rẫy gieo trồng ngô, lúa nương trong năm 2010 lại bị hạn hán kéo dài, mất mùa trên diện rộng.

Trong khi đó, tại các huyện ven biển, nông dân thiếu đói do diện tích đất nông nghiệp bị nhiễm mặn nặng, các loại cây trồng như lúa, ngô, đậu đều bị chết hoặc giảm năng suất. Ngay từ tháng 1-2011, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phải cấp 4.300 tấn gạo cứu đói cho 283.689 nhân khẩu trên địa bàn tỉnh trong dịp Tết Tân Mão.

Nhưng không chỉ có Thanh Hóa. Bộ Tài chính cũng đã bắt đầu cấp gần 5.000 tấn gạo cho năm địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Năm địa phương sẽ được hỗ trợ trong dịp giáp hạt năm 2011 và cứu đói cho hộ nghèo thiếu đói do hạn hán, gồm: Kon Tum, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái và Gia Lai.

Thật khó tin là hơn 20 năm sau đổi mới, khi Việt Nam đã trở thành một trong hai quốc gia hàng đầu về xuất khẩu gạo, đã được xếp vào hàng quốc gia có thu nhập trung bình thấp, và dù Chính phủ đã tiến hành không ít chương trình phát triển nông nghiệp – nông thôn, xóa đói giảm nghèo, tình trạng thiếu đói lại xảy ra ở không ít địa phương như vậy.

Điều đó cho thấy những thành quả đạt được trong các chương trình trên là thực sự chưa bền vững, bởi ngoài những hộ ở các bản vùng cao biên giới bị thiếu đói thường xuyên như lời ông phó chủ tịch huyện Mường Lát nói, thì ở những huyện vùng cao khác và những huyện ven biển chỉ cần đến mùa giáp hạt hoặc một đợt hạn hán, một đợt xâm nhập mặn là cái đói lại tới.

Chúng ta đang nói tới phát triển bền vững. Với khoảng 70% dân số sống ở nông thôn, tình hình nêu trên đặt ra những câu hỏi cần được trả lời nghiêm túc về sự phân bổ nguồn lực quốc gia, về chiến lược phát triển và mức độ đầu tư cho nông nghiệp – nông thôn cũng như về hiệu quả của những khoản đầu tư ấy, nếu không muốn “phát triển bền vững” chỉ là khẩu hiệu suông.

Bởi, trong khi nông dân dễ dàng rơi vào tình cảnh bấp bênh, thiếu đói như vậy thì Nhà nước cũng rất dễ dàng để mất hàng tỉ đô la cho những kế hoạch đồ sộ nhưng không mang lại hiệu quả, một số người giàu đô thị có thể tự cho phép mình mua những chiếc xe siêu sang. Và trong khi hàng trăm ngàn dân đang thiếu đói thì UBND tỉnh Thanh Hóa qua văn bản số 2747/UBND-CN (12-5-2011) vẫn đang có kế hoạch “đầu tư xây dựng trụ sở Ban Bảo vệ – Chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh Thanh Hóa”.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới