Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Từ chuyện Tăng Sâm đến Chigurh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Từ chuyện Tăng Sâm đến Chigurh

(TBKTSG) – Cũng như biết bao người, hắn tin (nhiều khi cố tin) và sống theo niềm tin mộc mạc, giản dị như vậy, dù thực tế có khi trái ngược, dù có bị cho là ảo tưởng, xa thực tế. Bởi một lẽ vô cùng đơn giản: không lẽ lại tin vào cái xấu, cái ác?

Chuyện thời Xuân Thu

Thời Xuân Thu bên Tàu có chuyện “Tăng Sâm giết người”. Chuyện kể rằng bà mẹ Tăng Sâm đang ngồi dệt vải thì có người hớt hải chạy vào báo rằng Tăng Sâm giết người. Bà vẫn bình tĩnh ngồi dệt tiếp vì không tin rằng đứa con ngoan hiền của mình lại phạm tội tày đình như vậy. Một lúc sau lại có người vào báo như vậy, bà vẫn yên lặng ngồi dệt. Nhưng đến lần thứ ba nghe báo tin đó thì bà hốt hoảng vứt cả thoi, chạy đi tìm con để tìm hiểu sự việc. Hóa ra có người trùng tên với con bà phạm tội giết người. Sau này Tăng Sâm trở thành một đại môn đồ của Khổng Tử, lập ra học phái Tăng Tử.

Như tuyệt đại đa số người mẹ trên thế gian, bà mẹ của Tăng Sâm rất tin vào bản chất hiền lành, lương thiện của con mình. Nhưng lòng tin ấy không phải là tuyệt đối, vô điều kiện: nó có thể lung lay, thậm chí sụp đổ trong tình huống nào đó. Ở đây chính là thông tin “rất khó tin” được lặp đi lặp lại nhiều lần.

Điều rất hạnh phúc cho bà mẹ Tăng Sâm là sự lung lay niềm tin đó chỉ diễn ra cấp thời, và có lẽ sau cái vụ “trùng tên” đó bà càng tin tưởng con hơn nữa.

Chỉ bất hạnh cho những người bị rơi vào cơn khủng hoảng niềm tin kéo dài triền miên.

Chuyện của Tchekhov

 Tchekhov là bậc thầy kể chuyện bằng văn xuôi không chỉ của nước Nga mà của cả thế giới. Một lần, ông kể “Chuyện đời vặt vãnh”: anh chàng Beliaev sống cảnh “già nhân ngãi, non vợ chồng” với bà Olga – một phụ nữ đã ly dị chồng, có hai con là Aliosha và Sonia. Lần nọ đến nhà tình nhân, không gặp ai ngoài Aliosha, anh chàng lân la hỏi chuyện cậu bé. Tin vào lời hứa “không giận” và “giữ bí mật” của ông người lớn Beliaev, cậu bé ngây thơ kể hết những lần đến thăm bố, được bố cho ăn uống thỏa thích – và “nguy hiểm” hơn nữa – cậu bé còn tiết lộ rằng bố cậu nói ông Beliaev đã “làm khổ, làm hại đời mẹ”! Thế là anh chàng đùng đùng nổi giận, vứt bỏ ngay lời hứa, sỉ vả mẹ cậu bé một trận đã đời và còn chỉ đích danh cậu bé đã nói hết mọi chuyện. Aliosha khi ấy mặt tái xanh, méo xệch vì sợ hãi; cậu ta run lên và thều thào với Beliaev: “Bác đã hứa rồi kia mà!” rồi chạy nấp vào một xó và khóc với chị.

 “Đó là lần đầu tiên trong đời cậu bé chạm trán sự lừa dối thô bạo đến thế; trước kia cậu chưa biết rằng trên thế gian này, ngoài những trái lê ngọt ngào, những chiếc bánh rán và đồng hồ đắt tiền, còn có biết bao điều khác nữa không có tên gọi trong ngôn ngữ trẻ con” – Tchekhov kết chuyện.

Những anh chàng như Beliaev có nhiều hay ít? Thật khó nói được. Nhưng chắc chắn những cậu bé tội nghiệp như Aliosha thì quá nhiều. Trẻ con hồn nhiên dễ tin người và do vậy, cũng dễ bị lừa gạt. Nhưng nào phải chỉ với trẻ con mà cả với những ai trong sáng, chất phác.

 

Chuyện những quả táo

Lâu rồi nhà hắn hầu như không ăn táo, lê, đào… – nói chung là những thứ trái cây nhập từ Trung Quốc. Sợ ăn luôn cả hóa chất bảo quản, thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc trừ sâu! Báo chí trong nước ngoài nước nói về vụ này đã nhiều, thậm chí hắn còn nghe những mẩu chuyện ớn da gà xoay quanh những thứ trái cây này. Có anh bạn kể: một lần ăn táo, để sót lại một trái trong góc tủ đựng thức ăn, nhiều ngày sau lượm ra trái táo vẫn cứ tươi hơn hớn, có điều cứng ngắc! Trời, nghe vậy ai còn dám đem lục phủ ngũ tạng mình ra kiểm nghiệm, thành ra tránh đi là vừa. Ăn những đu đủ, chuối, dưa hấu, bưởi… vừa yên bụng vừa được tiếng ủng hộ trái cây nội địa.

Nói vậy nhưng cũng không tránh được. Hôm nọ, có em học trò cũ đến biếu giỏ táo. Sau khi khách ra về, cả nhà cứ nhìn nhau: sao đây? Cô con gái săm soi và khẳng định: “Táo nhỏ chắc là táo trồng ở Lạng Sơn xứ mình”. Cậu con trai nhíu mày: “Có gì làm chắc?”. Mẹ chúng vốn kinh nghiệm nội trợ đầy mình cũng ngờ ngợ: “Ờ ờ, cũng không biết sao!”. “Thôi để tôi” – hắn ta ăn đại một trái. Còn lại chẳng ai đụng đến, cứ héo dần héo dần.

Tốt xấu, thật giả lẫn lộn, những trái táo bẽ bàng (vô số trái táo bẽ bàng) bị hủy hoại, nỗi nghi ngại lo lắng cứ nằng nặng trong lòng, con mắt nhìn sự vật xám úa – cái giá của niềm tin bị đánh cắp quá đắt. Và không chỉ với táo, lê, đào… mà còn cả với rau cải, trứng vịt trứng gà… và mới đây nhất là sữa nhiễm melamine.

Chuyện hồi kết

Hồi đầu năm ngoái, khi cuốn phim “No country for old men” (bản dịch “Không chốn nương thân”) của anh em nhà Coen được trao bốn giải Oscar, nhiều người háo hức tìm xem, nhưng xem xong thì ngơ ngác, ngỡ ngàng với cái kết của phim. Tên sát thủ máu lạnh Anton Chigurh giết người không ghê tay, giết người theo kiểu tung đồng xu sấp ngửa chơi trò may rủi, cuối cùng chẳng hề sa lưới pháp luật, vẫn sống nhăn giữa đời – đúng ra hắn chỉ bị thương. Một cái kết thúc vô hậu ít thấy trong phim ảnh – kể cả phim hành động Mỹ, và không như nhiều người mong đợi. Ngơ ngác, ngỡ ngàng là phải.

Xem xong, hắn cũng có cảm giác như vậy. Hình như hắn thuộc loại những khán giả mộc mạc, cổ hủ, chỉ thích một thứ kết thúc có hậu, “người tốt phải được tưởng thưởng, kẻ xấu phải bị trừng trị”, giống như các bà, các má khi xem cải lương, hát bội.

Cũng là lạ ở chỗ, hắn từng chứng kiến bao lần trong cuộc đời thực những tai nạn, oan khiên cứ giáng xuống người lương thiện; từng thấy nhan nhản những kẻ tham lam, độc ác nhởn nhơ vui thú; từng nhiều lần chới với vì mất niềm tin và gượng lại được, hoặc từng làm quen với những trào lưu văn chương triết học “đặt vấn đề” buộc người đọc đối mặt với thực tại phi lý của cuộc sống, vậy mà…

Có lẽ cái tâm lý ấy đã hình thành từ nền văn hóa lấy niềm tin vào con người, vào lẽ phải, vào điều tốt đẹp làm giá trị nền tảng cho cách sống ở đời. “Ở hiền gặp lành”, “Gieo gió thì gặt bão”, “Có vay, có trả”, “Lưới trời lồng lộng, thưa mà khó thoát”… – ca dao, tục ngữ, chuyện cổ tích, những lời răn dạy của ông bà, cha mẹ, những điều giáo huấn của các bậc hiền giả, những tấm gương trong lịch sử, sách vở nhà trường… vẫn dạy như thế từ hàng ngàn năm.

Cho nên cũng như biết bao người, hắn tin (nhiều khi cố tin) và sống theo niềm tin mộc mạc, giản dị như vậy, dù thực tế có khi trái ngược, dù có bị cho là ảo tưởng, xa thực tế. Bởi một lẽ vô cùng đơn giản: không lẽ lại tin vào cái xấu, cái ác?

CÔNG THẮNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới