Từ cơn sốt giá vàng, ngoại tệ vừa qua
Đỗ Thiên Anh Tuấn
![]() |
(TBKTSG) – Những năm qua tài khoản vốn của Việt Nam đã trở nên mở hơn và dòng vốn nước ngoài có tính lưu động hơn đã tạo nên rất nhiều thách thức mới về mặt quản lý và điều tiết vĩ mô.
Nhớ lại những năm tăng trưởng nóng 2006-2007, dòng vốn nước ngoài chảy vào mạnh đã tạo áp lực tăng giá nội tệ gây bất lợi lên cán cân thương mại, trong khi những năm khủng hoảng kinh tế 2008-2010 vừa qua thì sự chững lại của dòng vốn nước ngoài là tác nhân chính gây nên căng thẳng tỷ giá và áp lực suy giảm dự trữ ngoại hối quốc gia.
Nói chung, bất kể theo chiều hướng chu chuyển nào của vốn nước ngoài cũng tạo nên sự biến động của tỷ giá hối đoái. Sự thay đổi của tỷ giá là một phản ứng mang tính tự điều chỉnh cho các cân bằng đối ngoại trước các dòng chu chuyển vốn quốc tế của một quốc gia. Khi đó, nếu muốn duy trì tỷ giá cố định, ngân hàng trung ương buộc phải can thiệp ngoại hối, như vậy là sự độc lập của chính sách tiền tệ đã không còn. Tùy theo quan điểm của các nhà hoạch định chính sách, mục tiêu của chính sách vĩ mô, sự sẵn có của các nguồn lực và các phí tổn kinh tế liên quan mà Chính phủ quyết định có nên can thiệp vào thị trường ngoại hối hay không. Điều này nói lên rằng, cơ chế tỷ giá phụ thuộc rất lớn vào các mục tiêu chính sách vĩ mô, nhưng các chính sách đó lại dựa trên các cân đối vĩ mô hiện tại của nền kinh tế như thâm hụt cán cân thương mại, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách, lạm phát, tăng trưởng kinh tế và vấn đề công ăn việc làm.
Đối với Việt Nam, những mất cân đối này đều hiện hữu cả, hơn nữa lại luôn có những nhóm lợi ích đại diện cho các quyền lợi đi kèm và từ đó chi phối đến khả năng điều chỉnh các cân đối, nên lại tạo thêm nhiều khó khăn và thách thức cho các quyết sách vĩ mô.
Đối với Việt Nam, khi lạm phát trở thành mối lo thường trực thì đòi hỏi về tính độc lập của chính sách tiền tệ phải được ưu tiên hàng đầu. |
Chẳng hạn để cải thiện cán cân thương mại, Chính phủ có thể giảm giá đồng nội tệ để tạo lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu trên thị trường quốc tế. Chính sách này cũng sẽ làm tăng giá thành nhập khẩu của các doanh nghiệp mà tác động dài hạn của nó là để hạn chế nhập khẩu và thay thế bởi hàng sản xuất trong nước, kích thích sản xuất nội địa. Nói chung, tính cả trên hai phương diện xuất và nhập khẩu đều giúp cải thiện trạng thái bất lợi của cán cân thương mại.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn thật khó tránh khỏi làn sóng kêu ca, chỉ trích và phản đối của các doanh nghiệp nhập khẩu. Bên cạnh đó, gánh nặng trả nợ nước ngoài của quốc gia cũng sẽ tăng lên và sự phản ứng đối với chính sách giảm giá đồng tiền như vậy sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
Những áp lực như thế tất yếu sẽ gây trở ngại không nhỏ cho các nhà hoạch định chính sách cũng như quá trình thực thi chính sách. Với tư duy nhiệm kỳ, người ta có động cơ giữ nguyên hiện trạng, tìm cách trì hoãn khó khăn và cuối cùng là chuyển hết trách nhiệm cho thế hệ kế cận.
Thử hỏi, có ai đánh giá được một cách đúng đắn và nghiêm túc tính hiệu quả của những khoản vay nợ trước đây và chịu trách nhiệm đối với gánh nặng trả nợ hiện nay? Đứng trên góc độ vĩ mô nói chung, nếu nói rằng các khoản vay đó có hiệu quả thì tại sao việc trả nợ hiện nay lại khó khăn và gây tốn kém cho cả nền kinh tế như vậy? Cũng như thế, những ai đang hoặc sẽ đặt bút ký các khoản vay hiện nay có ý thức rằng nó sẽ tạo nên những áp lực chính sách cho các thế hệ sau này, giống như những gì mà chúng ta đang phải đối mặt hiện nay hay không? Cũng lưu ý rằng, vay nước ngoài thì phải trả được nợ, và cần phải tính đến khả năng là điều kiện vĩ mô lúc đó bất lợi cho hoạt động trả nợ, chẳng hạn như áp lực tăng tỷ giá hiện nay.
Hãy nhìn vào hiện tượng sốt giá vàng và ngoại tệ thời gian qua, dễ nhận thấy có một phần nguyên nhân quan trọng là do niềm tin của thị trường vào những động thái cũng như khả năng thực hiện các cam kết thực thi chính sách của Ngân hàng Nhà nước bị suy giảm. Thông tin không rõ ràng, kém minh bạch là cơ hội tốt cho những kẻ chỉ thích ngồi chờ sự bất ổn để đầu cơ. Phục hồi niềm tin thị trường là hết sức quan trọng nhưng nếu không có tầm nhìn dài hạn cũng như sự nhất quán và đồng bộ trong phối hợp chính sách vĩ mô thì một lần nữa niềm tin lại mất đi, sự trả giá lại càng đắt đỏ hơn. Để có được chính sách nhất quán, trước hết cần phải lựa chọn mục tiêu chính sách rõ ràng, không thể lập lờ và ham muốn cái gì cũng phải đạt được.
Đối với Việt Nam, khi lạm phát trở thành mối lo thường trực thì đòi hỏi về tính độc lập của chính sách tiền tệ phải được ưu tiên hàng đầu. Cơ chế tỷ giá cần chuyển dần cho thị trường quyết định nhằm giảm phí tổn ngoại hối quốc gia, đồng thời cũng nhằm tránh những nguy cơ bị tấn công tiền tệ theo các lý thuyết khủng hoảng tiền tệ mà chúng tôi đã có dịp phân tích trong những bài viết trước đây (xem lại bài Chi phí cho việc duy trì cơ chế tỷ giá hiện nay trên TBKTSG, ngày 5-11-2009). NHNN chỉ can thiệp chủ động trong trường hợp có sự điều chỉnh bất lợi đến hoạt động ngoại thương như trong nửa đầu năm 2007.
Bên cạnh đó cũng cần hướng đến xây dựng một ngân hàng trung ương độc lập hơn, đặc biệt NHNN cần phải được cách ly ra khỏi các quy trình ngân sách như hiện nay. Các công cụ chính sách tiền tệ hơn lúc nào hết cũng cần phải được hoàn thiện theo hướng nâng cao tính hiệu lực và khả năng phản ứng chủ động trong những tình huống cần sự can thiệp như thời điểm năm 2007 trước áp lực lạm phát. Luật NHNN sửa đổi tháng 6-2010 đã cho phép NHNN được độc lập trong việc sử dụng các công cụ chính sách nhằm đạt được các mục tiêu chính sách tiền tệ do Quốc hội đề ra. Do vậy, điểm tiến bộ này của Luật là cơ hội để NHNN chứng tỏ năng lực của mình trong bước đường tiến đến một ngân hàng trung ương độc lập hơn, hiện đại hơn và hiệu quả hơn.