(KTSG) - Nếu như các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước một thời luôn đứng đầu bảng xếp hạng về quy mô vốn điều lệ thì trật tự đó đã bắt đầu có sự thay đổi trong những năm gần đây, trước sự vươn lên của một số NHTM tư nhân. Hệ quả là tỷ trọng vốn của nhóm NHTM tư nhân trong tổng vốn của toàn hệ thống ngày càng gia tăng và bỏ xa nhóm thứ 2 là các NHTM nhà nước.
- Vietcombank tổ chức Hội nghị công bố các Quyết định về nhân sự cấp cao
- Vietcombank cảnh báo hình thức lừa đảo mạo danh nhân viên ngân hàng hỗ trợ cập nhật sinh trắc học nhằm đánh cắp thông tin dịch vụ ngân hàng
Bức tranh tăng vốn gần 10 năm qua
Chính phủ mới đây đã đề xuất đầu tư bổ sung 20.695 tỉ đồng để Vietcombank tăng vốn điều lệ, dựa trên tỷ lệ sở hữu của Nhà nước tại Vietcombank hiện ở mức gần 75% và đề xuất của chính Vietcombank được tăng vốn điều lệ thêm 27.666 tỉ đồng bằng hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt đến hết năm 2018 và lợi nhuận còn lại năm 2021.
Dù là ngân hàng luôn dẫn đầu về lợi nhuận trong những năm qua, nhưng việc tăng vốn của Vietcombank gặp không ít trắc trở. Cụ thể, trong giai đoạn ba năm từ 2019-2021, vốn điều lệ của ngân hàng này giữ nguyên ở mức 37.089 tỉ đồng, trước khi được tăng thêm 10.236 tỉ đồng trong năm 2022 và tăng tiếp 8.566 tỉ đồng trong năm 2023, hiện ở mức 55.891 tỉ đồng.
Mức vốn điều lệ này của Vietcombank chỉ đang đứng thứ 4 trong toàn hệ thống tính đến ngày 30-6-2024, xếp sau một NHTM nhà nước khác đứng ngay phía trên là BIDV (hơn 57.000 tỉ đồng) và hai NHTM tư nhân là Techcombank (70.450 tỉ đồng) và VPBank (79.339 tỉ đồng). Trong đó, đáng lưu ý là Techcombank đã tăng mạnh vốn điều lệ thêm 34.150 tỉ đồng trong nửa đầu năm nay cũng thông qua giải pháp chia cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại.
Nếu như các NHTM nhà nước một thời luôn đứng đầu bảng xếp hạng về quy mô vốn điều lệ thì trật tự đó đã bắt đầu có sự thay đổi trong những năm gần đây, trước sự vươn lên của một số NHTM tư nhân. Hệ quả là tỷ trọng vốn điều lệ của nhóm NHTM tư nhân trong tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống ngày càng gia tăng và bỏ xa nhóm thứ 2 là các NHTM nhà nước.
Vào cuối năm 2015, quy mô vốn điều lệ của nhóm NHTM tư nhân là 193.977 tỉ đồng, chiếm 42% tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống và gấp 1,4 lần của nhóm NHTM nhà nước - với 137.093 tỉ đồng, chiếm 30%. Nhưng đến ngày 30-6-2024, tỷ trọng vốn điều lệ của các NHTM tư nhân tăng lên đến 55%, ngược lại tỷ trọng của nhóm NHTM nhà nước giảm chỉ còn 21%. Sự chênh lệch giữa hai nhóm theo đó cũng được mở rộng từ 1,4 lần lên gần 2,6 lần.
Nếu xét theo tốc độ tăng trưởng giai đoạn từ cuối năm 2015 đến ngày 30-6-2024, trong khi tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống tăng thêm 1,3 lần, chủ yếu nhờ mức tăng hơn 2 lần của nhóm NHTM tư nhân, thì nhóm NHTM nhà nước chỉ tăng chưa đến 0,7 lần - còn thấp hơn cả mức tăng hơn 0,8 lần của nhóm ngân hàng liên doanh, nước ngoài.
Nguyên nhân và hệ quả
Không chỉ Vietcombank, việc tăng vốn điều lệ gặp nhiều thách thức cũng là thực trạng chung của các NHTM nhà nước còn lại trong nhiều năm qua, từ những ngân hàng chưa thể cổ phần hóa như Agribank cho đến các ngân hàng đã niêm yết từ khá sớm.
Đơn cử như vốn điều lệ của Agribank nằm trong khoảng 30.591-34.447 tỉ đồng trong bốn năm 2019-2022, trước khi tăng thêm 6.822 tỉ trong năm 2023 và gần 10.350 tỉ đồng trong sáu tháng đầu năm 2024. Hay như BIDV, vốn điều lệ giữ nguyên ở mức 40.220 tỉ đồng trong năm 2019 và 2020, sau đó tăng lên mức 50.585 tỉ đồng trong năm 2021 và giữ nguyên trong năm 2022, trước khi tăng lên 57.004 tỉ đồng trong năm 2023. Tương tự, vốn điều lệ của VietinBank nằm yên ở mức 37.234 tỉ đồng trong hai năm 2019 và 2020, rồi tăng lên mức 48.058 tỉ đồng trong năm 2021 và 2022, tiếp đó tăng lên 53.700 tỉ đồng trong năm 2023.
Dù đã có sự tăng trưởng kể từ năm 2021 đến nay, nhưng tốc độ tăng vốn của nhóm NHTM nhà nước vẫn được cho là chậm hơn so với nhóm NHTM tư nhân.
Một số NHTM tư nhân dù niêm yết trong giai đoạn sau này nhưng đã tận dụng tốt cơ hội thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ thời kỳ 2017-2019, như VPBank, Techcombank, HDBank, VIB... Chẳng những định giá cổ phiếu thành công và hút được một lượng vốn lớn trong giai đoạn đầu mới niêm yết, về sau các NHTM cổ phần đều tăng thêm vốn định kỳ mỗi năm qua hình thức chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu hoặc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư.
Ngược lại, các NHTM nhà nước đều có những hạn chế trong các giải pháp, vì chịu sự chi phối lớn từ cổ đông Nhà nước và phụ thuộc vào quyết định của cổ đông lớn này.
Như việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, có giai đoạn vì áp lực ngân sách nên Bộ Tài chính yêu cầu nhóm NHTM nhà nước phải chia cổ tức bằng tiền mặt để đảm bảo nguồn thu ngân sách. Chính sách phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu đặt ra yêu cầu Nhà nước phải bỏ thêm tiền đầu tư nếu không muốn bị giảm tỷ lệ sở hữu, nhưng cũng gặp rào cản ngân sách. Với cơ chế phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược, khó khăn nằm ở tỷ lệ sở hữu chi phối của Nhà nước cũng như mức định giá khi đàm phán.
Hệ quả là một số ngân hàng như Vietcombank hay BIDV những năm gần đây đều có kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cổ đông chiến lược nhưng vẫn chưa thể thực hiện theo phương án đặt ra. Trong khi đó, như tại VPBank, vào cuối năm 2022, ngân hàng này đã tăng vốn thêm 22.000 tỉ đồng khi phát hành cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận chưa chia và các quỹ với tỷ lệ đến 50%. Tiếp đó vào năm 2023, VPBank lại phát hành gần 1,2 tỉ cổ phiếu cho cổ đông chiến lược Sumitomo, tăng vốn thêm gần 12.000 tỉ đồng, vươn lên dẫn đầu bảng xếp hạng về vốn từ đó đến nay.
Trong đề xuất của mình, Vietcombank cho biết đã nghiên cứu các nguồn bổ sung vốn tự có như phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư riêng lẻ; phát hành trái phiếu và phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư riêng lẻ và phát hành trái phiếu tăng vốn không khả thi. Vì vậy, ở thời điểm này, VCB đề xuất cho phép được sử dụng lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập dự phòng để tăng vốn điều lệ thông qua hình thức trả cổ tức bằng cổ phiếu.
Với tốc độ tăng vốn chậm hơn, hệ số an toàn vốn (CAR) của nhóm NHTM nhà nước luôn đứng trước nguy cơ chạm ngưỡng quy định, nên cũng “níu chân” các hoạt động phát triển kinh doanh, cụ thể là ở hoạt động tín dụng. Thời điểm cuối năm 2015, hệ số CAR của nhóm NHTM nhà nước là 9,42%, trong khi của nhóm NHTM tư nhân là 12,74%. Tính đến ngày 30-6-2024, hệ số CAR tính theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN của nhóm NHTM nhà nước là 9,99%, cũng thấp hơn nhiều so với mức 11,86% của nhóm NHTM tư nhân.
Kết quả cho thấy thị phần tín dụng của nhóm này đã sa sút so với nhóm NHTM tư nhân trong những năm qua. Cụ thể, vào cuối năm 2015, tổng dư nợ cho vay của bốn NHTM nhà nước (Agribank, BIDV, VietinBank và Vietcombank) là hơn 2,5 triệu tỉ đồng, chiếm đến 54% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống, nhưng đến ngày 30-6-2024 mặc dù quy mô đã tăng 1,55 lần lên hơn 6,4 triệu tỉ đồng nhưng thị phần của nhóm NHTM nhà nước so với toàn hệ thống đã giảm xuống chỉ còn 45%.