Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tự do hóa thị trường điện cần có thời gian

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tự do hóa thị trường điện cần có thời gian

Ông Tạ Văn Hưởng

(TBKTSG) – Tăng giá điện chỉ là biện pháp cuối cùng và sẽ được xem là bình thường nếu Việt Nam có thị trường điện cạnh tranh tự do thực sự. Nhưng hiện tại nó lại được đẩy ra thành biện pháp đầu tiên cho lộ trình tái cơ cấu thị trường. Ông Tạ Văn Hường, Vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công Thương), đã trả lời phỏng vấn TBKTSG xung quanh vấn đề này.

TBKTSG: Thưa ông, Bộ Công Thương có nắm được tiến độ những dự án trọng điểm về nguồn điện bổ sung cho mùa khô năm 2009 đang ở mức nào không?

– Vụ trưởng Tạ Văn Hường: Cho đến nay chưa thấy dự án nào báo cáo về việc lùi tiến độ, nghĩa là các dự án đang được đầu tư vẫn diễn ra bình thường như kế hoạch. Tuy nhiên, theo đánh giá thực tế có nhiều dự án không thể đảm bảo đúng như kế hoạch đã đăng ký với bộ. Có thể có những dự án gặp trục trặc không thể nói trước.

TBKTSG: Về đầu tư cho nguồn điện, vấn đề được đề cập nhiều trong năm qua là những khó khăn trong việc thu xếp tài chính cho hơn 10 dự án, rồi việc tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) xin rút khỏi 13 dự án. Xin ông cho biết thêm về tình hình thu xếp vốn cho những dự án này?

– Việc thu xếp vốn là vấn đề lớn nhất mà các chủ đầu tư dự án điện gặp phải, bởi mỗi dự án cần hàng tỉ đô la. Nguồn vốn đầu tư đó thường được Chính phủ bảo lãnh. Từ tháng 7-2008 đến nay, Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc riêng với lãnh đạo Bộ Công Thương và EVN để chỉ đạo, đốc thúc tiến độ các dự án điện nhằm thu xếp vốn cho các dự án. Những việc này đang có hướng giải quyết cụ thể.

TBKTSG: Việc phê duyệt giá bán điện theo cơ chế thị trường đã được Chính phủ công bố vào cuối tuần qua nhưng đây chỉ là đoạn đầu của quá trình xây dựng thị trường điện cạnh tranh thực sự. Từ nhiều năm nay, lĩnh vực phát điện đã được mở cửa, thử nghiệm nhưng việc đầu tư cũng không dễ. Bộ Công Thương có gợi ý gì để lĩnh vực này thu hút nhiều nhà đầu tư hơn?

– Có hai tiêu chí của việc tạo ra thị trường cạnh tranh: 1. Nhà đầu tư đưa ra được giá điện rẻ nhất cho người tiêu dùng. 2. Đảm bảo hệ thống điện vận hành ổn định và an toàn. Đây là hai điều kiện sống còn và có giá trị như nhau, không cái nào thấp hơn cái nào trong quá trình tái cơ cấu thị trường ngành điện.

Nếu giá điện rẻ, chỉ làm lợi cho một bộ phận tiêu thụ nhiều điện năng mà thôi. Còn bài toán ổn định, lâu dài cho thị trường điện cũng phải được tính bởi kinh nghiệm ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật cho thấy thị trường đôi khi gặp phải những trục trặc rất lớn do chính sách điều hành sai lầm, dẫn đến khan hiếm nguồn điện giả tạo, tạo điều kiện cho một số bộ phận thu lợi nhưng đời sống kinh tế xã hội bị ảnh hưởng. Do đó, cần phải cân nhắc kỹ về các chính sách điều hành thị trường.

TBKTSG: Với thực trạng khan hiếm điện thường xuyên vào mùa khô như vài năm trở lại đây, theo ông có cần đẩy nhanh lộ trình tự do hóa thị trường điện (gồm bốn bước) lên sớm hơn dự kiến là đến năm 2022 không, để thị trường tự điều chỉnh quan hệ cung cầu?

– Đẩy lên sớm cũng có lý mà thực hiện theo lộ trình cũng hợp lý. Quan trọng nhất bây giờ là Nhà nước phải kiểm soát được lộ trình đặt ra. Nếu không kiểm soát được một khâu nào đó theo lộ trình mà cho thị trường điện lực ra đời ngay thì cũng rất nguy hiểm. Bởi lẽ chúng ta cần phải xây dựng được cơ sở kỹ thuật, hệ thống văn bản pháp quy rõ ràng thì thị trường mới vận hành an toàn được.

Ví dụ như trong Luật Cạnh tranh, nếu quy định không chặt có thể dẫn đến những thỏa thuận ngầm, bắt tay giữa các nhà đầu tư khống chế, lũng đoạn thị trường.

TBKTSG: Thưa ông, Luật Cạnh tranh có từ mấy năm nay nhưng chưa phát huy tác dụng. Hạ tầng kỹ thuật cho điện lực thì lúc nào cũng thấy thiếu. Vậy lộ trình cải cách ngành điện không lẽ vì thế mà dừng lại?

– Thực tế là tất cả các khâu cơ bản nhất liên quan đến thị trường điện năng trong nước còn rất yếu. Cấp bách nhất bây giờ là việc cho ra đời hệ thống văn bản pháp quy vận hành thị trường. Muốn có cơ chế cạnh tranh, nguồn cung phải lớn hơn nhu cầu hệ thống. Cung hay cầu có phát triển không, mâu thuẫn nhau hay không phụ thuộc rất lớn vào chính sách Nhà nước, sự khuyến khích của Nhà nước vào ngành này như thế nào.

Thực tế hiện nay Nhà nước đang kiểm soát giá bán, do đó việc giao cho doanh nghiệp đi mua điện về bán cho người tiêu dùng với mức giá mà nhà nước khống chế là rất khó. Do vậy, Chính phủ cũng đã nghiên cứu việc tách công ty mua bán điện ra khỏi EVN, để trở thành công ty độc lập trực thuộc Chính phủ, nhưng hiện tại thì khó khả thi vì thực chất công ty mua – bán điện ở một góc độ nhất định nó thể hiện sức mạnh tài chính của ngành điện.

Nếu EVN chỉ đầu tư và kinh doanh nguồn cung như các nhà đầu tư độc lập khác thì sức mạnh này không còn, Nhà nước sẽ khó thực hiện các chính sách xã hội như ưu tiên cho một số phụ tải đặc biệt và có thể ảnh hưởng đến chính sách điện khí hóa nông thôn, điện cho vùng sâu, vùng xa.

Nhà nước cũng phải đứng trước nhiều cân nhắc về toàn cảnh thị trường ngành điện, bao gồm cả bài toán kinh doanh và đảm bảo an sinh xã hội. Do vậy, lộ trình tự do hóa thị trường cũng không thể hoàn tất trong thời gian ngắn.

TBKTSG: Sản xuất công nghiệp đang giảm do các tác động của suy thoái kinh tế, theo một dự báo, có thể làm giảm áp lực về nguồn điện nhưng chỉ mang tính nhất thời. Theo ông, dự báo này có cơ sở không?

– Tôi nghĩ là nguồn cung cho mùa khô tới, kể cả khi nguồn điện bổ sung lên lưới, khó có thể thừa được. Năm nay, việc đảm bảo được đủ điện cho nền kinh tế và sinh hoạt dân cư cũng phải cố gắng lắm mới được. Sự suy giảm kinh tế kéo theo giảm nhu cầu điện năng so với tính toán chỉ là giảm áp lực về cung cấp điện thôi. Vấn đề là ta có dự phòng nhiều hay ít để đảm bảo cung cấp điện liên tục kể cả trong trường hợp xảy ra sự cố của một phần tử của hệ thống (mà điều này thường xuyên xảy ra).

Thực ra không cần tính toán kỹ việc thiếu, thừa bao nhiêu mà vấn đề quan trọng nhất của EVN và các nhà cung cấp là đảm bảo điện ổn định trong mọi trường hợp, không để sự cố xảy ra, gây xáo trộn đến đời sống và sản xuất. Vấn đề lớn nhất là duy trì tính ổn định và thông suốt trong hệ thống điện lực quốc gia. Việc này hiện còn phải cố gắng, chưa thể nói là chắc chắn được.

NGỌC LAN thực hiện

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới