Chủ Nhật, 11/06/2023, 02:39
27 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Tự dưng tạo khó khăn trên diện rộng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tự dưng tạo khó khăn trên diện rộng

Nguyễn Vũ

(TBKTSG) – Thật may là chỉ một thời gian ngắn một số tờ báo đưa tin không rõ ràng, gây hiểu nhầm là từ ngày 5-12-2017 sẽ ghi hết tên của mọi thành viên trong gia đình lên “sổ đỏ”, ngay sau đó nhiều báo khác đã đưa tin chính xác, rằng việc ghi tên những thành viên trong hộ gia đình lên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ áp dụng cho đất được cấp cho hộ gia đình. Nói cách khác việc ghi tên như thế chỉ áp dụng đối với tài sản là của chung nhiều người trong gia đình, như trường hợp giải tán hợp tác xã nông nghiệp, cấp đất cho hộ gia đình, chứ không phải cho cá nhân.

Như thế mọi lo lắng, bình luận theo kiểu tại sao con cái đã có quyền thừa kế nay lại ghi tên vào sổ đỏ gây rắc rối, hay không lẽ khi bán nhà phải hỏi ý kiến của đứa con mới 2 tuổi… là không chính xác. Đất đai, nhà cửa của cá nhân vẫn ghi như trước nay, chứ không có gì thay đổi.

Tuy nhiên, bình tâm mà đọc lại quy định ghi hết tên mọi người, dù chỉ áp dụng cho đất của hộ gia đình, liệu thay đổi như thế có gây ra những xáo trộn gì không, có thật sự giúp giảm bớt các tranh chấp pháp lý hay lừa đảo về đất đai hay không hay lại thổi bùng lòng tham, sự tranh giành từng âm ỉ ở nhiều làng quê?

Quy định ghi tên đâu có giải quyết được tranh chấp mà chỉ biến tranh chấp chỉ diễn ra khi có giao dịch đất đai thành tranh chấp ngay ở khâu đăng ký ghi tên ai, bỏ tên ai!

Trước đây thật sự đã có tranh chấp giữa các thành viên trong cùng một gia đình khi bán quyền sử dụng đất mà bản thân các phòng công chứng cũng lúng túng trong việc xác định cần những ai ký tên vào hợp đồng được công chứng. Có nơi cho rằng khi công chứng, chứng thực liên quan đến hộ gia đình sử dụng đất thì chỉ cần yêu cầu người có tên trên giấy chứng nhận ký tên. Có nơi dựa vào hộ khẩu và yêu cầu mọi thành viên trên 15 tuổi cùng ký tên. Có nơi đòi phải có văn bản xác nhận của địa phương hay giấy xác nhận thành viên gia đình vào thời điểm cấp đất…

Các tranh chấp này không dễ giải quyết. Ví dụ, sau khi tập đoàn sản xuất giải thể, đất được cấp cho hộ gia đình nhưng sau đó, con cái lớn lên mỗi người đi một nơi, hộ khẩu không còn tên chỉ còn một người con út chẳng hạn. Liệu khi bán, các người con đã xóa tên trong hộ khẩu có được chia quyền cùng sử dụng đất hay chỉ người con út được hưởng? Con dâu vào hộ gia đình sau khi đã có giấy chứng nhận thì sao?

Nhưng dù có tranh chấp, đó là quan hệ dân sự và nếu không giải quyết được thỏa đáng thì các bên kéo nhau ra tòa.

Nay liệu cán bộ địa chính phụ trách việc ghi tên các thành viên lên sổ đỏ có đủ thẩm quyền, kinh nghiệm và sự vô tư để ghi một cách chính xác chăng? Ai trao cho họ cái quyền và trách nhiệm đó, một quyền không liên quan đến chuyên môn đất đai? Tại sao lại kỳ vọng một thông tư có thể giải quyết những mâu thuẫn do lịch sử từng gia đình, do biến động nhân khẩu, do thay đổi trong quan hệ gia đình mà trước đây phải nhờ hệ thống tư pháp giải quyết? Và quan trọng hơn hết, tại sao chỉ từ vài ba vụ tranh chấp ở từng địa phương, lại muốn thổi bùng lên thành mâu thuẫn, cãi cọ, tranh giành có tiềm năng lan rộng ở mọi hộ gia đình đang có đất sử dụng chung?

Trước nay các hộ gia đình có đất sử dụng chung sẽ chung tay khai thác mảnh đất để làm kế sinh nhai. Họ dùng quan hệ huyết thống, quan hệ gia đình và giềng mối từng làm nền tảng cho mọi gia đình để giải quyết các quan hệ chung quanh lợi ích có được từ mảnh đất dùng chung đó. Nay tự dưng lại đặt mọi người vào tình huống phải suy nghĩ liệu có nên đòi gia đình đi đổi sổ để ghi tên mình vào, kẻo sau này thiệt thòi không kịp hối.

Dĩ nhiên ở đây cũng cần chú ý đến lập luận: nếu thừa nhận xã hội từng có tranh chấp trong các trường hợp hộ gia đình sử dụng đất thì tại sao không tìm cách giải quyết và quy định ghi tên nên được xem là một trong những cách giải quyết rốt ráo, tại sao không ủng hộ?

Vấn đề nằm ở chỗ, quy định ghi tên đâu có giải quyết được tranh chấp mà chỉ biến tranh chấp chỉ diễn ra khi có giao dịch đất đai thành tranh chấp ngay ở khâu đăng ký ghi tên ai, bỏ tên ai! Vì thế quy định ghi tên có nguy cơ biến một số tranh chấp thành vô số tranh chấp.

Cách giải quyết hay nhất rốt ráo nhất là các cơ quan hữu quan, đặc biệt là hệ thống tòa án, thông qua những án lệ, xác lập cách xác định ai là thành viên trong hộ gia đình khi xét đến quyền sử dụng đất chung. Sau đó mọi giao dịch liên quan đến loại đất này thì áp dụng. Làm như thế vừa tránh được nút nghẽn cổ chai chắc chắn sẽ xảy ra khi áp dụng quy định ghi tên mọi thành viên lên sổ đỏ của hộ gia đình vừa tránh cho cán bộ địa chính một nhiệm vụ chắc chắn họ sẽ không kham nổi.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới