(KTSG) – Đăng thông tin bôi nhọ, đặt camera quay lén trong nhà tắm, sàm sỡ trong thang máy… những vụ việc mang chiều hướng xúc phạm nhân phẩm làm tổn hại tinh thần rất lớn cho các nạn nhân, đặc biệt là nữ giới. Việc xử phạt đã có nhưng xem ra có vẻ rất nhẹ: nộp tiền phạt. Chúng ta có thực sự bảo vệ được phụ nữ và trẻ em gái chưa?
- Pháp làm luật bảo vệ trẻ em trên mạng như thế nào?
- Bảo vệ trẻ em trên mạng: Kinh nghiệm làm luật từ nước Pháp
Cuối tuần qua mạng xã hội tràn ngập thông tin về việc một nữ công nhân làm việc ở một tập đoàn điện tử đa quốc gia lớn tại Thái Nguyên làm lây nhiễm HIV cho 16 người đàn ông. Tác giả bài viết trên Facebook còn đăng tải cả hình ảnh thật của cô gái.
Ngay sau đó, cơ quan công an tỉnh Thái Nguyên đã tìm ra chủ tài khoản Facebook đăng tải thông tin trên. Người này thừa nhận đã đăng tin sai sự thật, viết bài đính chính và bị phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng về hành vi thông tin sai sự thật, xúc phạm nhân phẩm người khác(1).
Thử hình dung tâm trạng của cô gái bị đăng ảnh trong bài viết vu khống này. Những ngày qua, cô chắc chắn khổ sở, hoảng loạn, sợ hãi. Thật khó mà chuyển tải nổi sự nặng nề mà cô gái đã phải trải qua. Ai cũng biết dù chủ tài khoản Facebook nói trên đã xóa bài thì vẫn còn hàng ngàn bài viết khác được chia sẻ đâu đó trên mạng xã hội, đâu thể nào xóa sạch hết. Tâm lý sợ hãi của nạn nhân có thể còn đeo đẳng mãi trong thời gian dài.
Nhìn lại các vụ việc tương tự đã bị phanh phui và đưa ra xét xử, có thể thấy cách phạt về hành vi quấy rối tình dục, sàm sỡ, quay lén phụ nữ trong thời gian qua vẫn còn rất nhẹ nhàng và vấn đề tổn hại về tinh thần của nạn nhân không hề được đặt ra.
Cụ thể, hồi tháng 4-2024 tại quận Hà Đông (Hà Nội), chủ một khu nhà trọ bị tố giác lắp đặt camera quay lén trong ba phòng tắm nữ. Công an quận Hà Đông xác định hành vi của ông này có dấu hiệu “thu thập trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác” và xử phạt hành chính 12,5 triệu đồng(2).
Rồi đầu tháng 7 vừa qua, thêm một vụ lắp đặt camera quay lén giấu trong phòng tắm nữ sinh tại nhà trọ ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) bị phát giác và vụ việc bị tố giác đến công an.
Xa hơn một chút, hồi năm 2019, một người đàn ông đã sàm sỡ, cưỡng ép hôn một cô gái trong thang máy chung cư Golden Palm ở quận Thanh Xuân (Hà Nội). Người này bị xử phạt về hành vi “có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác” và bị xử phạt với số tiền 200.000 đồng. Không chỉ mức xử phạt quá nhẹ, thủ phạm còn vắng mặt tại buổi họp xin lỗi công khai nạn nhân được tổ chức ở chung cư với lý do sợ bị chụp ảnh, ghi hình mà chính quyền cũng không có biện pháp cưỡng chế(3).
Cả hai vụ quay lén nêu trên đều kéo dài ít nhất sáu tháng trước khi bị phát hiện, theo khai nhận của thủ phạm là chủ nhà trọ. Thử hỏi trong chừng đó thời gian đã có bao nhiêu đoạn video được ghi lại và lưu trữ. Dù các ông chủ nhà trọ đều khai với cơ quan công an rằng họ đã xóa hết clip quay lén và cam kết không phát tán, chia sẻ cho bất kỳ ai hay đưa lên mạng xã hội nhưng làm sao có thể kiểm soát được điều đó? Chính vì vậy, các nạn nhân bị quay lén sẽ luôn bị ám ảnh và nơm nớp lo sợ một ngày nào đó các clip này bị lộ ra.
Hay vụ sàm sỡ hôn trong thang máy, cô gái nạn nhân làm sao có thể ổn định tâm lý khi thủ phạm chỉ phải chịu một mức phạt nhẹ như “phủi bụi” và ngang nhiên không xuất hiện tại buổi xin lỗi do chính quyền địa phương tổ chức mà vẫn không bị chế tài gì khác.
Trong khi đó, cùng một hành vi như nhau nhưng hồi năm ngoái, một người khách ghé mua thuốc lá có hành vi sàm sỡ nữ chủ quán cà phê đã bị cơ quan công an huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) phạt đến 6 triệu đồng. Thiết nghĩ, muốn xã hội phát triển văn minh thì phải thay đổi cách xử lý và điều chỉnh cả luật nếu cần thiết để có thể thật sự bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái, đưa ra tòa xét xử những kẻ xấu có các hành vi sàm sỡ, quay lén với tội danh quấy rối tình dục. Không chỉ xử phạt nặng về tiền hay thậm chí phạt tù giam mà các thủ phạm còn phải bồi thường thỏa đáng về sự tổn thương tinh thần, không thể bỏ mặc nạn nhân gánh chịu tổn thất tinh thần như hiện nay.
(3) https://tuoitre.vn/cuong-hon-nu-sinh-trong-thang-may-bi-phat-200-000-dong-20190318190546984.htm
Bình đẳng giới. Tôn trọng, tôn vinh phụ nữ. Mới chỉ là ngôn từ và khẩu hiệu. Chưa trở thành một chuẩn mực đạo lý căn bản trong đời sống và văn hóa sinh hoạt cộng đồng. Gốc gác vấn đề ở chỗ, con người dường như quên mất rằng Người Mẹ luôn là nhân vật vĩ đại nhất trong suốt cả cuộc đời của mình. Người cha, cũng rất vĩ đại. Nhưng vốn dĩ trời đã sinh, bổn phận của người mẹ luôn khác biệt. Sự gần gũi, ấm áp, hi sinh vô tận cho mỗi đứa con, hầu như chỉ dành cho Người Mẹ.