Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Từ phim “Vị”, nói về quyền tác giả và kiểm duyệt

TS. Lê Thị Thiên Hương

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Những ngày gần đây, “Vị”, bộ phim của đạo diễn Lê Bảo, đang làm nóng dư luận. Sau khi “Vị” bị Cục Điện ảnh cấm phát hành tại Việt Nam vì lý do “vi phạm Luật Điện ảnh”, đã diễn ra các cuộc tranh luận gay gắt về chủ đề giới hạn sáng tạo nghệ thuật.

“Vị” không còn mang “quốc tịch” Việt Nam nữa.

Theo như phát biểu của Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, “Vị” là một bộ phim phản ánh đời sống của những người lao động phổ thông, một góc tối của xã hội, và lý do duy nhất khiến bộ phim này bị cấm, là vì trường đoạn nude kéo dài “không phù hợp với văn hóa Việt Nam và văn hóa Á Đông nói chung”(1).

Trước quyết định đáng tiếc này, do không thể cứu vãn tình hình, nhà sản xuất Đồng Thị Phương Thảo và đạo diễn Lê Bảo đã tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với phim, để “Vị” không còn mang “quốc tịch” Việt Nam nữa. Đây là giải pháp nhằm tránh cho “Vị” trở thành một bộ phim “chết”, theo đúng nghĩa đen của nó.

Về mối quan hệ giữa quyền tác giả và các tác phẩm bị cấm xuất bản ở Việt Nam, cần nhắc tới điều 6 (1) và điều 7 (2) của Luật SHTT Việt Nam hiện hành.

Việc sử dụng Luật Bản quyền như một hình thức “kiểm duyệt” thứ hai sẽ bị coi là vi phạm các cam kết trong khuôn khổ của WTO.

Theo điều 6 (1) liên quan tới căn cứ phát sinh, xác lập quyền SHTT, thì “Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký”.

Đây là một nguyên tắc có nguồn gốc từ Luật SHTT của Pháp, cụ thể là từ điều 2 Luật về quyền tác giả ban hành ngày 11-3-1957. Nguyên tắc này thể hiện đúng tinh thần của luật Cộng hòa Pháp: quyền tác giả được công nhận khi tác phẩm được sáng tạo ra, và không phải chịu sự “phân biệt đối xử” nào cả.

Tuy nhiên, điểm khác biệt của luật Việt Nam nằm ở điều 7 (2), liên quan tới giới hạn của quyền SHTT. Theo đó, “Việc thực hiện quyền SHTT không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác và không được vi phạm các quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Như thế, có thể hiểu rằng, theo Luật SHTT Việt Nam, thì tác phẩm bị cấm lưu hành có thể vẫn được sự bảo hộ của luật về quyền tác giả, nhưng chủ sở hữu sẽ không thể thực hiện quyền tác giả đó (như công bố, hay phân phối tác phẩm đến công chúng), vì việc thực hiện quyền này vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam. Nhìn chung, có thể nói quy định này không đi ngược lại nguyên tắc chung của các công ước quốc tế trong lĩnh vực quyền tác giả mà Việt Nam là thành viên.

Cho dù “Vị” bị cấm ở Việt Nam, thì trong trường hợp bộ phim này bị vi phạm quyền tác giả ở Việt Nam, chủ sở hữu quyền tác giả của phim vẫn hoàn toàn có thể khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vi phạm này.

Nói về chủ đề này, ít người biết rằng cơ chế quyền tác giả đã từng được sử dụng như một hình thức kiểm duyệt nội dung tác phẩm ở Trung Quốc, và là lý do mà Mỹ đã kiện quốc gia này ra cơ chế giải quyết tranh chấp của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO).

Cụ thể, điều 4 (1) Luật Bản quyền Trung Quốc thông qua năm 1990, sửa đổi năm 2001, quy định rằng “Những tác phẩm bị cấm xuất bản hay phổ biến đến công chúng không được luật này bảo vệ”. Điều đó có nghĩa là những tác phẩm bị kiểm duyệt ở Trung Quốc sẽ bị “trừng phạt” thêm ở một mức độ thứ hai: không có quyền tác giả nào được công nhận cho các tác phẩm này.

Thoạt nhìn, quy định này có vẻ hợp lý, nhưng thật ra về thực tế, lại dẫn đến một nghịch lý: một khi tác phẩm bị cấm xuất bản, thì người phân phối tác phẩm không được tác giả cho phép cũng sẽ không bị xử phạt bởi luật bản quyền, mà chỉ bị xử phạt dưới góc độ vi phạm luật về kiểm duyệt. Tác động răn đe của pháp luật về SHTT vì thế cũng bị giảm đi.

Sự tồn tại của điều 4 (1) trong Luật Bản quyền Trung Quốc đã dẫn tới vụ tranh chấp khá đình đám giữa Mỹ và Trung Quốc trong khuôn khổ WTO. Năm 2007, Mỹ kiện Trung Quốc ra cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO, vì lý do điều 4 (1) của Luật Bản quyền Trung Quốc không phù hợp với các điều khoản của hiệp định TRIPS (Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT) mà các thành viên của WTO phải tuân thủ, cụ thể là điều 9:1, điều 14, điều 61 và điều 41:1 của hiệp định TRIPS.

Các điều khoản nói trên của hiệp định TRIPS liên quan tới một số nguyên tắc căn bản như đối xử không phân biệt giữa các tác giả các nước thành viên, quyền tác giả phát sinh khi tác phẩm được tạo ra và không lệ thuộc vào thủ tục nào khác, hay nghĩa vụ của các nước thành viên phải có các cơ chế pháp lý đảm bảo cho tác giả có thể bảo vệ quyền tác giả khi có vi phạm. Hồ sơ kiện Trung Quốc trở nên nặng ký hơn khi Mỹ đưa ra một ví dụ thực tiễn, đó là quyết định của Tòa án tối cao Trung Quốc năm 2000, liên quan tới vụ việc mang tên “Inside Story” (tên của tác phẩm).

Theo quyết định này, “nội dung của Inside Story không vi phạm luật, vì thế tòa án sơ phẩm và phúc phẩm đã quyết định một cách đúng đắn rằng Inside Story được Luật Bản quyền bảo hộ”. Có thể hiểu từ quyết định này rằng một tác phẩm mà nội dung của nó bị luật pháp Trung Quốc kiểm duyệt, thì sẽ không được hưởng sự bảo hộ từ Luật Bản quyền.

Sau khi xem xét, Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO đã có quyết định khẳng định rằng điều 4 (1) của Luật Bản quyền Trung Quốc không phù hợp với các nguyên tắc chung của hiệp định TRIPS. Nhằm tránh các trừng phạt kinh tế nếu không tuân thủ quyết định này, Trung Quốc đã phải sửa đổi Luật Bản quyền năm 2010, để xóa bỏ điều 4 (1) và thay vào đó bằng quy định rằng “Việc thực hiện quyền SHTT không được vi phạm Hiến pháp, luật hay xâm phạm lợi ích công cộng”, có thể nói là khá tương đồng so với quy định ở điều 7 (2) của Luật SHTT Việt Nam hiện hành. Sự thay đổi này có nghĩa rằng hiện nay Luật Bản quyền của Trung Quốc bảo hộ cả những tác phẩm bị kiểm duyệt ở quốc gia này.

Rõ ràng là Luật Bản quyền và các quy định kiểm duyệt nội dung là hai cơ chế hoàn toàn khác nhau và độc lập với nhau. Trong khi Luật Bản quyền nhằm vào việc bảo vệ một quyền sở hữu cá nhân, thì kiểm duyệt được cho là nhằm vào mục đích phục vụ “lợi ích công cộng”. Quy định về kiểm duyệt có thể gây trở ngại cho việc thực thi quyền SHTT, nhưng không thể cản trở việc công nhận các quyền này.

Từ vụ kiện của Mỹ chống lại Trung Quốc và quyết định của Cơ chế giải quyết tranh chấp WTO, có thể thấy rằng việc sử dụng Luật Bản quyền như một hình thức “kiểm duyệt” thứ hai sẽ bị coi là vi phạm các cam kết trong khuôn khổ của WTO. Vì thế, cho dù “Vị” bị cấm ở Việt Nam, thì trong trường hợp bộ phim này bị vi phạm quyền tác giả ở Việt Nam, chủ sở hữu quyền tác giả của phim vẫn hoàn toàn có thể khởi kiện để yêu cầu tòa án giải quyết vi phạm này.

(1) https://tuoitre.vn/vi-khong-con-la-phim-viet-nam-xin-cho-phim-mot-co-hoi-song-20210927082614305.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới