(KTSG) – Cách đây vài ngày, VnExpress đưa tin về vụ phát hiện kho sách lậu lớn nhất Hà Nội, tới hơn 30 tấn sách lậu đã bị công an phát hiện trong một nhà kho trên đường Phan Bá Vành.
Số lượng 30 tấn sách lậu là rất lớn, nhưng chắc hẳn nhiều người không mấy ngạc nhiên, vì thực tế, sách lậu trên thị trường Việt Nam không phải là điều hiếm hoi. Tuy nhiên, một số “bình luận” trên mạng liên quan tới vụ việc này, như “…Sách lậu gây thiệt hại cho nhà xuất bản, tác giả, nhưng đem lại lợi ích to lớn cho người tiêu dùng, đặc biệt là những người không có nhiều tiền để mua sách xịn cho con cái học tập”, hay “Nên thu giữ, dán tem kiểm tra lại nội dung rồi mang làm từ thiện, xây dựng tủ sách, thư viện cho các em ở vùng sâu vùng xa, vùng hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn” thì lại gây ra những phản ứng khá tiêu cực.
Những tranh cãi về khía cạnh “đạo đức” của việc tôn trọng quyền tác giả cho thấy ý thức về quyền tác giả trong xã hội Việt Nam còn ở nhiều mức độ khác nhau. Nhiều người không thể “chịu được” sách lậu, nhưng cũng không thiếu người thường xuyên đọc sách xem phim “chùa” trên mạng, và coi rằng đó là điều rất bình thường. Bên ủng hộ tôn trọng quyền tác giả thì cho rằng công chúng cần tôn trọng công sức của tác giả, để đảm bảo có thêm nhiều tác phẩm mới và chất lượng, làm giàu kiến thức và thúc đẩy tiến bộ xã hội, còn phe thông cảm với việc dùng sách “lậu”, sách “chùa” thì coi việc trao đổi kiến thức quan trọng hơn, nhất là khi người dân còn nghèo.
Năm 2013, vụ tự tử của Aaron Swartz – người phải đối mặt với bản án rất nặng vì tải xuống 4,8 triệu bài viết mang tính học thuật trong cơ sở dữ liệu của JSTOR để chia sẻ với cộng đồng – đã gây bàng hoàng trên thế giới. Một ví dụ cho thấy quyền tác giả khi đi quá xa với mục đích ban đầu, thì sẽ mất đi tính hợp lý của nó!
Đầu tiên, không thể phủ nhận rằng sự khác biệt về văn hóa, lịch sử là một yếu tố quan trọng tác động đến ý thức về quyền tác giả ở Việt Nam. Khái niệm quyền tác giả đã ra đời cách đây vài trăm năm ở phương Tây, và bộ luật đầu tiên về quyền tác giả được thông qua vào năm 1710, ở Anh (Luật Nữ hoàng Anne – Act of Queen Anne).
Tuy nhiên, bối cảnh ra đời của luật này cho thấy lợi ích của tác giả không phải là yếu tố quyết định. Thực chất, Luật Nữ hoàng Anne ra đời để giải quyết xung đột lợi ích kinh tế giữa các nhà in và lợi ích của tác giả là “cái cớ” để giải quyết xung đột này. Tất nhiên, sau đó khái niệm quyền tác giả thực sự được phát triển ở nhiều quốc gia khác, đặc biệt là ở Pháp (Luật 1777), nơi nó được coi là quyền “thiêng liêng” trong thời Cách mạng Pháp.
Tại thời điểm đó, ở phương Đông hoàn toàn không có khái niệm “quyền tài sản” của tác giả với tác phẩm. Ngược lại, tư tưởng chủ đạo ở phương Đông vẫn là tác phẩm nhằm phục vụ lợi ích chung của xã hội, thể hiện qua câu “Văn dĩ tải đạo”. Ở Trung Quốc thời xưa, ăn cắp sách được coi là một “tội đáng yêu”, hay sao chép một tác phẩm là chứng tỏ sự ngưỡng mộ đối với tác giả đó. Sự khác biệt văn hóa này cũng gây ra khá nhiều khó khăn khi các nước phương Đông đưa luật bản quyền vào hệ thống luật quốc gia. Ở Việt Nam, khi Luật Bản quyền còn là khái niệm mới mẻ, và luật còn chưa được áp dụng hiệu quả, thì “sách lậu” hay “đọc chùa”, “xem chùa” trên mạng phổ biến, cũng không có gì lạ.
Không chỉ thế, cần nhấn mạnh rằng ngay cả ở các nước phương Tây – cái nôi của quyền tác giả, thì sự tôn trọng sáng tạo của tác giả cũng có nhiều mức độ khác nhau. Nhìn chung, quyền tác giả bao gồm quyền tài sản – khía cạnh khai thác kinh tế của tác phẩm, và quyền nhân thân – quyền mang tính chất “tinh thần” của tác giả, như quyền đứng tên, quyền công bố tác phẩm, quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm (điều 18-20 Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam).
Trong các nước theo hệ thống “droit d’auteur” như Pháp, Đức và một số nước francophone chịu ảnh hưởng của Pháp, thì quyền nhân thân có vai trò đặc biệt quan trọng, thể hiện “quyền lực tinh thần tuyệt đối” của tác giả đối với tác phẩm. Không chỉ thế, quyền tài sản của tác giả cũng được đề cao, đặc biệt qua nguyên tắc luật định tác giả được hưởng thù lao tương ứng với doanh thu khi khai thác tác phẩm.
Trong hệ thống Luật Bản quyền này, tác giả được coi là trung tâm, lợi ích được đặt lên cao nhất trong mối tương quan với công chúng và với nhà sản xuất. Có thể nói, trong hệ thống luật này, thì sự tôn trọng sáng tạo của tác giả được đặt ở mức cao nhất, cả về vật chất lẫn tinh thần.
Trong khi đó, ở các nước theo hệ thống “copyright” như ở Anh, Mỹ và các nước thuộc hệ thống luật Anglo-Saxon, thì quyền nhân thân không hẳn được coi trọng. Ví dụ, theo luật của Mỹ “Visual Artists Rights Act” (thông qua năm 1990), quyền nhân thân chỉ được công nhận trên các tác phẩm nghệ thuật thị giác, và mức độ bảo vệ rất hạn chế.
Đồng thời, ở các nước này, lợi ích của công chúng được đặt ngang hàng với lợi ích của tác giả, vì chia sẻ kiến thức để thúc đẩy văn hóa, khoa học phát triển cũng là một mục đích chính của quyền tác giả. Trong hệ thống “copyright”, tác giả cũng không được hưởng nguyên tắc thù lao tương ứng với doanh thu, mà tùy vào khả năng thương thuyết với nhà sản xuất.
Điều này cho thấy Luật Bản quyền kiểu “copyright” là luật mang tính “thực tế”, và tác phẩm là một “sản phẩm”, theo logic khai thác kinh tế nhiều hơn. Nếu nhìn ở góc độ tôn trọng sáng tạo của tác giả, thì rõ ràng là luật ở các nước này còn nhiều hạn chế ở quyền nhân thân – nói cách khác là chưa có sự tôn trọng hợp lý quyền “tinh thần” của tác giả.
Cuối cùng, cần nhấn mạnh rằng bất cứ luật quốc gia nào cũng coi chia sẻ kiến thức để thúc đẩy phát triển văn hóa – khoa học – xã hội là một mục đích căn bản của luật bản quyền. Ở góc độ pháp lý, điều này thể hiện ở các “ngoại lệ” do luật định, tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận tác phẩm (điều 25 luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam).
Tùy theo bối cảnh kinh tế, xã hội của quốc gia, thì cần tìm ra một sự “cân bằng” hợp lý giữa mục đích chia sẻ kiến thức trong cộng đồng với việc tôn trọng, khuyến khích sáng tạo của tác giả. Ví dụ, ở các nước phát triển, hệ thống thư viện công cộng được đặc biệt đầu tư phát triển với số lượng sách vô cùng đồ sộ, người dân có thể dễ dàng sử dụng tác phẩm với chi phí vô cùng ít ỏi, thì áp dụng một mức độ bảo vệ “cao” quyền tác giả sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với các nước đang phát triển, như Việt Nam.
Một luật bản quyền quá cứng nhắc và thiếu phù hợp với thực tế sẽ khó có thể áp dụng hiệu quả. Ngay ở các nước phát triển, thực tế cho thấy trong xã hội luôn luôn có những khuynh hướng “đi ngược” với nguyên tắc của luật bản quyền, như khuynh hướng “copyleft”, “creative commons”… kêu gọi sự chia sẻ miễn phí các sản phẩm sáng tạo.
Năm 2013, vụ tự tử của Aaron Swartz – người phải đối mặt với bản án rất nặng vì tải xuống 4,8 triệu bài viết mang tính học thuật trong cơ sở dữ liệu của JSTOR để chia sẻ với cộng đồng – đã gây bàng hoàng trên thế giới, thậm chí được coi là “sự mất mát đối với nhân loại”. Đây là một ví dụ cho thấy quyền tác giả khi đi quá xa với mục đích ban đầu, thì sẽ mất đi tính hợp lý của nó.