Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Từ “tài xế xe ôm công nghệ” đến bất cập thuế thu nhập cá nhân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Từ “tài xế xe ôm công nghệ” đến bất cập thuế thu nhập cá nhân

Tâm An

(TBKTSG Online) – Câu chuyện hàng trăm “tài xế xe ôm công nghệ” GrabBike tắt ứng dụng, đình công khi hãng tăng phần trăm chiết khấu là minh chứng mới nhất cho thấy, chính sách thuế thu nhập cá nhân hiện hành với cá nhân kinh doanh có nhiều bất cập. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với người làm công ăn lương.

Từ
Với các tài xế GrabBike, thu nhập họ tính theo ngày vì ngày nào làm thì có tiền, ngày nào không làm thì không có tiền trang trải cuộc sống nên việc tăng chiết khấu vì nộp thuế sẽ ảnh hưởng ngay đến con số thu được. Ảnh: Thành Hoa.

Tuần trước, hàng loạt tài xế GrabBike tại TPHCM đồng loạt tắt ứng dụng để phản đối chuyện Grab Việt Nam tăng tỷ lệ chiết khấu từ 20% như lâu nay lên 23,6%. Theo giải thích của Grab Việt Nam, việc tăng thêm 3,6% trong tỷ lệ chiết khấu (tương đương với 4,5% của 80% doanh thu tài xế đang nhận, gồm 3% thuế giá trị gia tăng; 1,5% thuế thu nhập cá nhân) là nhằm mục đích khấu trừ trước các khoản thuế mà tài xế phải đóng nhưng công ty nộp thay với cơ quan nhà nước.

Đúng như trình bày của Grab, việc khấu trừ và thực hiện nghĩa vụ thuế thay cho đối tác (tài xế) là đúng theo chính sách thuế hiện hành. Theo đó, tài xế GrabBike được xem là cá nhân kinh doanh (hợp tác với Grab) nên phải nộp thuế khoán. Ngưỡng chịu thuế bắt đầu tính từ doanh thu 100 triệu đồng/năm, tương đương 8,33 triệu đồng/tháng tức 277.000 đồng/ngày.

Điều đó có nghĩa, mỗi tài xế GrabBike có tổng doanh thu mỗi ngày trên 277.000 đồng là sẽ bắt đầu phải đóng thuế, không quan trọng là đã bỏ ra bao nhiêu giờ chạy xe trên đường, chi bao nhiêu tiền mua xăng… Với cơ chế giá của mô hình xe ôm công nghệ như Uber, Grab, để có được con số doanh thu này thì ước tính, mỗi tài xế phải mất hàng chục giờ trên đường, sử dụng vài ba lít xăng mỗi ngày.

Chuyên gia thuế Nguyễn Thái Sơn, nguyên Trưởng phòng Thuế thu nhập cá nhân, Cục Thuế TPHCM nhìn nhận, ngưỡng doanh thu để bắt đầu chịu thuế với cá nhân kinh doanh rõ ràng không hợp lý. Bởi lẽ, đây là con số bao gồm cả tiền bán hàng hóa, dịch vụ, lợi nhuận.

Quan trọng hơn, việc thu thuế với đối tượng người nộp thuế này lại đang thiếu công bằng giữa những người kinh doanh. Các tài xế GrabBike hay các tiểu thương kinh doanh tại chợ truyền thống thì khó lòng bị bỏ qua (vì có công ty, ban quản lý chợ quản lý) nhưng rất nhiều người kinh doanh khác lại đang được bỏ qua vì nhiều lý do.

Trong một diễn biến khác, cách đây khá lâu, Bộ Tài chính từng đề xuất nâng ngưỡng chịu thuế của cá nhân kinh doanh lên 150 triệu đồng/năm. Con số này được khá nhiều người đồng tình nhưng sau đó, đề xuất này lại không còn được nhắc đến dù bộ này vừa liên tiếp trình dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân trong năm 2017.

Ngưỡng chịu thuế bất hợp lý cũng xảy ra với các cá nhân làm công ăn lương. Theo quy định hiện hành, thu nhập từ tiền công, tiền lương từ 9 triệu đồng/tháng, tương đương 108 triệu đồng/năm là cá nhân phải nộp thuế thu nhập. Nếu có một trường hợp phụ thuộc (như cha mẹ, con cái) thì ngưỡng chịu thuế lên mức 12,6 triệu đồng/tháng. Trong dự thảo sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân mới nhất mà Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ, ngưỡng chịu thuế này vẫn được giữ nguyên, chỉ thay đổi về các bậc tính thuế trong bảng thuế lũy tiến.

Ông Sơn nêu quan điểm, ngưỡng chịu thuế này đã áp dụng từ năm 2013 đến nay. Trượt giá từ năm 2013 đến nay đã trên 20%. Đó là chưa kể nhà nước đang muốn tăng thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, đồng nghĩa với việc giá cả hàng hóa tăng theo. Do vậy, phải tăng ngưỡng chịu thuế, đúng như Luật Thuế thu nhập cá nhân đã quy định. Con số ít nhất cũng phải 12 triệu đồng/tháng cho cá nhân người có thu nhập và người phụ thuộc thì bằng 40% của con số trên.

Chuyên gia Ngô Trí Long trong góp ý về dự thảo sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân của Bộ Tài chính cho rằng, phải tính lạm phát hàng năm khi tính thuế để đảm bảo đời sống của người lao động.

Tuy nhiên, ông Long cho rằng không nên quy định mức giảm trừ gia cảnh bằng con số tuyệt đối mà nên quy định theo tỷ lệ phần trăm, có thể dựa trên mức lương tối thiểu hoặc chỉ số giá tiêu dùng được công bố chính thức. Làm như vậy để đảm bảo tính ổn định của chính sách.

Theo ông Long, việc xác định ngưỡng khởi điểm tính thuế thu nhập cá nhân và mức chiết trừ gia cảnh cho các đối tượng phụ thuộc cần phải đảm đáp ứng đồng thời các yếu tố như phù hợp với điều kiện chỉ số lạm phát của nền kinh tế, phù hợp mức tiền lương, tiền công tối thiểu; thu nhập bình quân của mọi thành viên trong xã hội, đồng thời phải huy động tối đa số lượng các đối tượng chịu thuế, góp phần làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, đảm bảo sự công bằng xã hội.

Xem thêm:

Không thấy đề xuất nâng ngưỡng chịu thuế với cá nhân kinh doanh

Chỉ mong tính thuế công bằng

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới