Từ vụ “Vedan”, nghĩ về lương tâm và trách nhiệm
Việc cố tình xả chất thải ra sông Thị Vải của Công ty Vedan trong suốt 14 năm liên tục là một dấu hỏi lớn đặt ra cho chúng ta về lương tâm và trách nhiệm của người công dân, của những viên chức nhà nước và kể cả những người lao động hàng ngày đang làm việc cho Công ty Vedan, những người mà hàng ngày vẫn trực tiếp thao tác xả những chất thải độc hại ra môi trường, góp sức “giết chết” dòng sông và “hủy diệt” môi trường sống!
Chúng ta có thể bắt đầu từ những viên chức nhà nước được giao trọng trách bảo vệ môi trường, có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép, kiểm tra, giám sát và cả xử lý các hành vi vi phạm của Công ty Vedan liên quan đến gây ô nhiễm môi trường. Họ là những người đang sống nhờ vào những đồng lương từ tiền thuế của người dân lao động. Họ được đào tạo và được giao nhiệm vụ thực thi pháp luật mà cả xã hội đã ủy thác. Tiếc thay, các viên chức này đã không làm tròn chức trách của mình!
Tiếp theo, chúng ta phải kể đến những người lao động trực tiếp và gián tiếp đang làm việc cho Công ty Vedan. Toàn bộ hệ thống được vận hành bởi chính những người Việt Nam, thật đau lòng!
Chúng ta có thể thông cảm với những người lao động bình thường với trình độ hiểu biết hạn chế của mình chưa đánh giá hết tác hại của hành vi xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường của công ty, hay vì cuộc sống gia đình mà làm ngơ trước những hành vi sai trái đó. Nhưng chúng ta không thể thông cảm cho đội ngũ kỹ sư, đội ngũ nhân viên quản lý người Việt Nam đang làm việc cho Công ty Vedan mà số lượng có thể lên đến vài trăm người.
Các vị này được đào tạo bài bản, có chuyên môn và có trình độ học vấn cao, nhưng chỉ vì những chức danh và những đồng lương được gọi là cao (xin lỗi, có thể chỉ vài trăm đô la Mỹ) mà có thể đánh đổi lương tâm, lòng tự trọng và trách nhiệm công dân của mình. Hẳn các ông chủ người nước ngoài sẽ hả hê lắm khi chỉ vài trăm đô la Mỹ hoặc một chức danh nào đó như kỹ sư trưởng, quản đốc, giám đốc… thì đã có thể mua sự “im lặng” trong nhiều năm của từng ấy con người! Thật không thể tin được!
Đất nước của chúng ta còn gặp nhiều khó khăn, người dân còn nghèo và cũng rất cần việc làm. Chúng ta hoan nghênh các nhà đầu tư chân chính đến đầu tư và làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Nhưng chúng ta phải sẵn sàng từ chối hoặc trừng phạt những nhà đầu tư nào đã cố tình không tuân thủ pháp luật Việt Nam nói chung và vi phạm Luật bảo vệ môi trường nói riêng. Không vì những lợi nhỏ của một vài cá nhân, vài doanh nghiệp, hay cục bộ địa phương mà đánh đổi môi trường sống. Sự hủy hoại môi trường này sẽ khó thể bù đắp và khắc phục được!
Nguyễn Thanh Tuấn Kiệt (TPHCM)