Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Từng bước phát triển trên nền tảng đạo đức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Từng bước phát triển trên nền tảng đạo đức

Uyên Viễn

Từng bước phát triển trên nền tảng đạo đức(TBKTSG) – LTS: Bài Thực dụng hay đấu tranh sinh tồn? của tác giả Đông Nguyễn trên TBKTSG ngày 27-10-2011, cho rằng môi trường làm ăn khó khăn và kém minh bạch hiện nay khiến lớp doanh nhân trẻ không tránh khỏi khuynh hướng thực dụng vì mục đích sinh tồn. TBKTSG đã ghi lại những phản hồi của các doanh nhân nhiều thế hệ về vấn đề này.

Ông Mai Hữu Tín, đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư U&I:

“Hãy cho doanh nhân trẻ thời gian và cơ hội”

Đọc bài Thực dụng hay đấu tranh sinh tồn?, tôi không có cùng suy nghĩ với “ông chú làm việc hai mươi năm ở nước ngoài” kia, cho rằng doanh nhân trẻ ngày nay là “vật dục, vô hậu”. Đúng là hiện có nhiều bạn trẻ (không hẳn là chủ doanh nghiệp) đang sống theo chủ nghĩa tiêu thụ. Họ tiêu xài lớn, thích hàng hiệu, thích nổi tiếng, muốn hưởng thụ sớm… Họ không quan tâm lắm đến cộng đồng, không chia sẻ nhiều với những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, không dấn thân vì những giá trị của thế hệ và dân tộc. Nhưng nếu xét trên toàn cục, số này không nhiều.

Ít nhất là trong hàng ngàn hội viên của Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam mà chúng tôi thường gặp gỡ và trao đổi với nhau, hầu hết không phải loại người vật dục, vô hậu như quan sát trên. Họ phải tự thân bươn chải, đấu tranh để sinh tồn với số vốn khởi nghiệp không lớn lắm. Họ chưa có đủ tích lũy để có thể tiêu xài theo ý mình hay có những đóng góp lớn về vật chất cho xã hội. Nhưng rõ ràng họ đang cố gắng tối đa trong công việc hàng ngày. Họ chịu khó học tập, chịu khó di chuyển, tiếp xúc để học hỏi và tạo quan hệ.

Theo tôi, ở Việt Nam chưa định hình diện mạo một đội ngũ doanh nhân cùng những đặc thù truyền thống doanh nghiệp như ở các nước phát triển. Mọi chuyện vẫn còn đang là những bước khởi đầu. Để hình thành tính cách doanh nhân, nhiều người trẻ đã và đang nghiên cứu các gương doanh nhân trên thế giới như Bill Gates, Warren Buffet hay Steve Jobs. Họ cũng theo dõi và noi theo lối sống cũng như cách hành xử của các bậc doanh nhân đàn anh, đàn chị ở trong nước. Nếu có chỗ này chỗ khác họ còn chưa trưởng thành, chưa chín chắn cũng là chuyện dễ hiểu. Hãy cho họ thời gian và cơ hội. Quan trọng hơn là tạo những tấm gương tốt thật sự để họ học hỏi. Đó phải chăng cũng là trách nhiệm xã hội của lớp doanh nhân thế hệ cha anh?

Bà Nguyễn Thị Thúy Kiều, Trưởng bộ phận Phát triển kinh doanh, Công ty EduKingdom:

“Thực tế, thực dụng chưa hẳn là xấu”

Một doanh nhân có nhiều năm kinh nghiệm từng nói rằng: “Làm kinh doanh mà không có lợi nhuận thì thật là có lỗi với tổ nghiệp”. Điều này càng trở nên khó khăn và đầy áp lực đối với thế hệ doanh nhân trẻ trong bối cảnh hiện nay. Để làm được điều đó họ cần phải rất thực tế.

Thực tế và thực dụng, trong một mức độ nào đó, không phải là điều xấu bởi nếu doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả thì khó mà nói đến chuyện góp phần phát triển cộng đồng, xã hội.

Dẫu vậy, không phải những doanh nhân thế hệ 7X, 8X như lứa chúng tôi không quan tâm đến xã hội. Có lẽ họ đang dừng ở mức độ ý thức và sự hưởng ứng, hay một số đóng góp nho nhỏ hơn là hy sinh lợi ích riêng vì lợi ích chung của toàn xã hội. Nhìn một cách nào đó, đó có vẻ là tấm áo vừa với họ.

Bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây:

“Không thể đi một bước từ không tới có”

Thật khó đồng tình với cách lập luận: “Dù là người điều hành thuê hay đang làm chủ các công ty (đủ loại hình, đủ quy mô), chúng tôi đều phải toan tính nhiều hơn trước quá nhiều nguy cơ rình rập: tình hình làm ăn ngày một khó khăn do kinh tế trì trệ, chính sách đối với doanh nghiệp cứ thay đổi xoành xoạch; tiền bạc ngày một khó kiếm trong khi các ngân hàng lại tăng cường siết nợ, vật giá leo thang…” (bài Thực dụng hay đấu tranh sinh tồn?).

Tôi thuộc thế hệ doanh nhân đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của nền kinh tế đất nước, từ thời bao cấp cho đến nay. Tôi luôn tự nhủ, doanh nghiệp muốn phát triển cần phải đi theo trình tự. Cũng giống như đứa trẻ phải biết lật, trườn, bò, rồi mới chập chững tập đi. Nhìn lại các doanh nghiệp đã phát triển, họ luôn theo lộ trình từ thấp đến cao, từ nhỏ đến lớn, trong khi nhiều doanh nhân trẻ bây giờ muốn đùng một cái là có ngay điều mình muốn. Hay nói đúng hơn, mục tiêu họ đặt ra thường vượt ngoài khả năng của họ. Đây là lối suy nghĩ sai lầm dễ dẫn đến cách làm sai.

Những gì diễn ra trong năm 2011 có lẽ đủ để phản ánh “luật nhân quả” của những mong muốn biến không thành có để rồi phải hứng chịu cảnh bị ngân hàng siết nợ, cảnh phá sản, thậm chí không còn nước mắt để mà khóc!
Với những suy nghĩ thể hiện trong bài Thực dụng hay đấu tranh sinh tồn?, tôi cho rằng các bạn trẻ có nguy cơ lạc hậu, bắt nguồn từ sự ích kỷ. Cái tâm chưa thể hiện, cái tầm chưa nhìn đường dài thì khó mà phát triển.

Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Đồng Nai, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình:

“Không nên làm giàu bằng mọi giá”

Tôi cho rằng giới doanh nhân trẻ đang có nhiều cơ hội thăng tiến hơn thế hệ chúng tôi. Các bạn đang đi bằng thang máy thì chắc chắn sẽ nhanh hơn những doanh nhân lớn tuổi đã phải (thậm chí là đang) đi bộ.
Chúng tôi từng khởi nghiệp và bước vào thương trường bằng những nỗ lực hết mình, nhưng không cố gắng làm giàu bằng mọi giá! Đây chính là sự khác biệt giữa hai thế hệ.

Khó khăn và thách thức thời nào cũng có. Giới doanh nhân trẻ không nên lập luận kiểu “tôi đang vay nợ ngân hàng; sản xuất, kinh doanh đang gặp khó nên không thể tham gia các hoạt động thiện nguyện, phục vụ cộng đồng, xã hội”. Nếu đã suy nghĩ như vậy thì chẳng bao giờ làm được điều gì có ích cho cái chung.

Ông Vũ Văn Chầm (80 tuổi), Chủ tịch Hội Da giày TPHCM, Chủ tịch HĐQT Công ty Giày Việt (Vina Giày):

“Có đạo đức mới phát triển”

Những phương án thực dụng “một ngày một bữa” hòng “trụ lại và lai dắt con thuyền doanh nghiệp qua thời kỳ khó khăn…”, thực ra chỉ là cái cớ. Giới trẻ không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh làm hư mình mà hãy tự rèn luyện bản thân để trở thành người có chính khí trên con đường kinh doanh.

Hẳn cũng có một bộ phận doanh nhân trẻ tự cho rằng tôi làm ra của cải thì tôi có quyền hưởng thụ theo cách mà tôi thích, thậm chí là một cuộc sống phóng dật. Đó chính là lúc các bạn đã đánh mất sự căn bản của hạnh phúc, mất thăng bằng trong cuộc sống. Và đây chính là nỗi lo của thế hệ doanh nhân đi trước.

Đối với doanh nhân trẻ, tôi nghĩ khi họ đã tích lũy được một số tài sản thì cần phải biết sử dụng hợp lý và có ích cho mình và cộng đồng. Phải tập buông xả vật chất đúng lúc, vì nếu quá tham đắm, sẽ tự ngã, mụ mị và đánh mất mình lúc nào không biết.

Một doanh nhân có tư cách đạo đức và bản lĩnh sẽ biết cách “né” những cám dỗ trong cuộc sống, để không bị biến thành kẻ nô lệ vật chất hay tội đồ trong mắt cộng đồng, và luôn hiểu rằng việc rèn giũa để trở thành một doanh nhân bản lĩnh, sống tử tế thì khó khăn và mất thời gian hơn rất nhiều so với làm một doanh nhân kiếm ra tiền và hưởng thụ vô độ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới