Tuổi thơ không yên ả
Bình Nguyên
![]() |
Không phải em thiếu nhi nào cũng được hưởng những tháng ngày tuổi thơ hạnh phúc, được che chở trong vòng tay yêu thương của người thân – Ảnh minh họa: Mộng Bình |
(TBKTSG Online) – Trong cuộc sống hiện tại, không phải tất cả em nhỏ đều có diễm phúc được hưởng những tháng ngày tuổi thơ yên ả, được yêu thương trong vòng tay chở che của ba mẹ, ông bà mà đâu đó trên các góc phố của trung tâm kinh tế Việt Nam này, chúng ta vẫn còn bắt gặp một số em nhỏ đang phải lang thang, bươn chải để kiếm sống qua ngày.
Đau lòng hơn khi bắt gặp cảnh các em phải lam lũ, lê bước chân trần trên đường phố nắng gắt, vào những ngày mà đáng lẽ các em phải được sum vầy cùng gia đình ăn tết, mặc áo mới để cùng ba mẹ đi chúc tết ông bà, chú bác, được nhận những bao tiền lì xì, và cùng du xuân cùng với người thân.
Sáng mùng 1 tết, có ba em nhỏ mặc quần áo lem luốc đi loanh quanh các con hẻm trên đoạn đường Xô Viết Nghệ Tĩnh quận Bình Thạnh để xin tiền khách đi chúc tết gia đình, người thân của họ. Đi theo sau các em này là hai thanh niên, cũng trong tình trạng lếch thếch không phải đi xin tiền mà theo sau các em để xem các em xin được những gì.
Trưa ngày 30 tết, một bé gái trong bộ đồ lấm lem, cầm trong tay các tập vé số chạy nhanh ra ngã tư đường Lê Duẩn-Tôn Đức Thắng để bán cho những người đi xe mỗi khi họ dừng lại tại ngã tư này khi đèn bật đỏ. Và ngồi dưới gốc cây gần đó là một phụ nữ cầm trên tay cuốn sổ dò vé số và bế trong lòng một em bé chừng vài tháng tuổi.
Sáng ngày 29 tết, nhiều khách đi tham quan đường hoa Nguyễn Huệ cũng cảm thấy không được vui vào một ngày nắng xuân tươi đẹp khi nhìn thấy cảnh hai em bé ngây thơ đang cố ăn ngấu nghiến, nuốt hết hũ sữa chua trong một cuộc thi do người lớn tổ chức bên cạnh đường hoa.
Các em trong 3 trường hợp trên đến từ những hoàn cảnh, gia đình khác nhau, nhưng đã trải qua những giây phút không yên ả, không tốt đẹp khi cùng bị người lớn lợi dụng cho mục đích kiếm tiềm của họ, bằng cách trực tiếp (xin tiền và bán vé số) hay gián tiếp (tham gia cuộc thi để giúp thu hút khách qua đường).
Có thể có những lập luận cho rằng hai em nhỏ tham gia thi ăn sữa chua kia đâu có bị người lớn lợi dụng đâu mà vì các em tự nguyện tham gia, và các em không những vui mừng khi được ăn sữa chua miễn phí mà còn được quà nữa. Chắc hẳn, ba mẹ và người thân của các em cũng nghĩ như thế khi để các em tham gia.
Nhưng tại sao có những người khi đứng lại xem cảnh các em ăn sữa chua, thay vì cười và vỗ tay như nhiều người khác, thì họ lại tỏ ra phật lòng khi nhìn thấy các em ăn ngấu nghiến sữa chua, trợn mắt để cố nuốt nhanh những muỗng sữa chua để trở thành người thắng cuộc? Và cuộc thi này được tổ chức ngay tại điểm bán hàng lưu động của một doanh nghiệp phải chăng là nhằm tạo niềm vui cho trẻ em hay để chỉ thu hút sự chú ý của khách du xuân với mục đích sau cùng là bán được nhiều sản phẩm, quảng bá thương hiệu?
Nhiều câu hỏi cũng đã được đặt ra cho trường hợp các em đi ăn xin sáng mùng 1 tết và em bé bán vé số. Tại sao người lớn không trực tiếp ngửa tay ra xin tiền mà chỉ đi theo dõi các em bé làm điều này? Tại sao người phụ nữ kia không trực tiếp bước xuống đường để chào mời khách qua đường mua vé số cho dù việc bán vé số không có gì là phải xấu hổ cả, mà lại để một em nhỏ, đáng lẽ được diện đồ đẹp để đi chơi chợ hoa, đường hoa, làm công việc này trong khi bà ta ngồi dước gốc cây để tránh cái nắng chang chang của trưa ngày 30 tết.
Trong bài “Sự thờ ơ nguy hiểm” trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, tác giả Trần Minh đã để cập đến những quán karaoke gây ồn đến tận khua, không quan tâm đến hàng xóm của họ phải khốn khổ thế nào, gây lộn hay chạy xe sau những chầu nhậu tới bến bất chấp luật giao thông, và những ổ bánh mì được bán cho người lỡ đường với giá gấp 4-5 lần… Những chuyện bất thường như thế hiện đã được nhiều người xem là bình thường trong xã hội ngày nay.
Chúng ta đều biết báo chí đã phản ánh rất nhiều về việc các em nhỏ bị những người lớn vô lương tâm lợi dụng, bắt đi ăn xin để kiếm tiền thay cho họ, nhưng vẫn còn đó cảnh các trẻ em lầm lũi xin ăn trên các con đường của thành phố này. Phải chăng xã hội đang thờ ơ khi vẫn còn để một số người lớn lợi dụng trẻ em để kiếm tiền, làm giàu bất chính cho họ? Và chính họ và có thể là cả sự thờ ơ, vô cảm của nhiều người trong chúng ta đang tiếp tay “đánh cắp” tuổi thơ của các em, bằng cách này hay cách khác.