Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Tướng công an và “quyền im lặng”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Tướng công an và “quyền im lặng”

Quang Chung

Tướng công an và “quyền im lặng”
Một bài viết về "quyền im lặng" trên báo Tuổi Trẻ TPHCM (ảnh minh họa)

(TBKTSG Online) – Là đại biểu Quốc hội nhưng vì sao các tướng công an lại không muốn đưa quy định về “quyền im lặng”, một quyền rất cần thiết cho người dân, vào Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi)?

Chiều nay, 27-5-2015, Quốc hội họp nhóm tại các tổ để thảo luận về dự thảo Bộ luật hình sự (sửa đổi). Một trong những vấn đề được các đại hiểu Quốc hội quan tâm, thảo luận đó là “quyền im lặng”  – người bị bắt, trước khi thẩm phải được cho biết rằng người ấy có quyền giữ im lặng, và bất cứ điều gì người ấy nói sẽ được dùng để chống lại người ấy ở tòa án.

Tuy nhiên, ý kiến của các đại biểu đương là tướng công an cho thấy họ không muốn đưa quy định về “quyền im lặng” vào Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi). Thiếu tướng Lê Đông Phong, Phó giám đốc Công an TPHCM, cho rằng lời khai vẫn là một chứng cứ, quy định bị can, bị cáo không khai (được quyền im lặng) “là máy móc, bắt chước nước ngoài”.

Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Đặng Văn Hiếu, nói: “Luật cần đảm bảo quyền dân chủ cho dân nhưng cũng phải tạo điều kiện cho cơ quan tư pháp làm việc, nếu không chúng ta sẽ bó tay trong cuộc đấu tranh chống tội phạm”.

Theo ông Hiếu dự luật quy định, “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” là “chưa chuẩn lắm”. Vì, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội sẽ làm khó cho hoạt động điều tra.

Giám đốc Công an Thanh Hóa, Thiếu tướng Trịnh Xuyên cho rằng, người bị bắt, bị tạm giữ trước hết phải có quyền và nghĩa vụ trình bày diễn biến và hành vi của mình, có quyền chứng minh mình không phạm tội, đồng thời cũng phải có trách nhiệm nhận hành vi phạm tội của mình trước pháp luật.

“Nêu ra quyền im lặng là rất vô lý, không thể chấp nhận được. Trình độ dân trí và điều kiện của chúng ta hiện nay thì hoàn toàn không phù hợp, gây khó khăn cho các cơ quan đấu tranh bảo vệ pháp luật”, tướng Xuyên nói.

Dù vậy, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, hiện nay rất nhiều nước coi “quyền im lặng” là một quyền cơ bản của con người. Vì “quyền im lặng” được sử dụng sẽ không còn ai phải tố giác bản thân mình (bảo vệ nhân phẩm con người), cũng như không còn chuyện ép cung…  Do đó, ông Nghĩa đề nghị đưa “quyền im lặng” vào luật, nêu không đưa vào là “hạ thấp quyền người dân Việt Nam xuống”.

Thực ra, “quyền im lặng” nếu được sử dụng sẽ giúp người dân có được một vị thế công bằng với cơ quan điều tra. Vì một điều ai cũng phải thừa nhận là việc chứng minh hành vi phạm tội là nhiệm vụ của cơ quan điều tra chứ không thể là nhiệm vụ của người phạm tội.

Điều đó cho thấy việc các tướng công an không muốn có quy định về “quyền im lặng” trong luật có lẽ họ sợ công việc của cơ quan điều tra (công an) sẽ phải làm nhiều hơn, cực hơn, khó khăn hơn… cho dù nếu có “quyền im lặng” quyền lợi của người dân sẽ được đảm bảo hơn, án oan sai sẽ ít hơn.

Nhưng thiết nghĩ, các vị tướng công an cũng nên nhìn lại: họ là đại biểu Quốc hội, vậy họ đại diện cho ai, cho cử tri, đa số người dân hay cho ngành công an?

Tôi ủng hộ quyền im lặng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới